Bất chấp thị trường chứng khoán (TTCK) đang có tín hiệu hồi phục và trên đường chinh phục lại mốc 1.000 điểm, KDC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Kido nằm trong số ít các cổ phiếu xuống mức thấp nhất trong vòng một năm qua.
Trong phiên 28/8, cổ phiếu KDC xuống mức 29.900 đồng/cp. Đây là mức thấp nhất trong vòng hơn một năm qua, và đã giảm khoảng 30% so với đỉnh cao hơn 43.000 đồng/cp ghi nhận hồi cuối tháng 1.
KDC của anh em doanh nhân gốc Hoa Trần Kim Thành - Trần Lệ Nguyên giảm bất chấp doanh nghiệp gần đây có rất nhiều chuyển biến tích cực theo hướng thực hiện chiến lược trở thành tập đoàn thực phẩm hàng đầu tại Việt Nam, thông qua mua bán sáp nhập (M&A) và tìm kiếm nguồn lực vốn từ nước ngoài.
KDC gần đây nới room ngoại lên 100% và M&A thành công rất nhiều doanh nghiệp có thương hiệu tại Việt Nam như Thực vật Tường An (TAC), Tổng công ty Công nghiệp Dầu Thực vật Việt Nam - CTCP Vocarimex (VOC), qua đó nắm giữ hơn 30% thị phần dầu ăn tại thị trường nội địa.
|
Anh em đại gia bánh kẹo Trần Kim Thành - Trần Lệ Nguyên |
KDC giảm mạnh là do kết quả kinh doanh không được ổn định của công ty này. Trong 6 tháng đầu năm 2018, KDC (công ty mẹ) lỗ hơn 72 tỷ đồng, lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ KDC trên báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm cũng là 1.123 tỷ đồng.
Nguyên nhân lỗ được cho là do quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động kinh doanh và phát sinh chi phí.
Như vậy, đây là lần đầu tiên kể từ khi niêm yết năm 2005 KIDO (trước đây có tên Kinh Đô) ghi nhận một quý lỗ.
Cùng kỳ năm 2015 và năm 2016, KIDO vẫn ghi nhận mức lợi nhuận ấn tượng do hạch toán nguồn thu bất thường từ thương vụ bán mảng bánh kẹo. Sang đến quý III/2017, khi không còn nguồn thu nào từ mảng bánh kẹo, mức lãi ròng KIDO ghi nhận được chỉ vỏn vẹn 28,8 tỷ đồng.
Sự thay đổi của Kido bắt đầu từ 2015, khi DN này chuyển giao mảng bánh kẹo được xem là “nồi cơm” của KDC cho Mondelēz International và vẫn tấn công vào ngành thực phẩm tiêu dùng nhanh, nhưng mở rộng hơn và chọn hướng đi M&A.
Năm 2017, KDC ghi nhận doanh thu và lợi nhuận khá ấn tượng, nhờ hợp nhất doanh thu từ các công ty thành viên gồm Tường An, Vocarimex, KIDO Foods. Tuy nhiên, chi phí gần đây tăng mạnh khiến kết quả hoạt động kinh doanh thay đổi nhanh.
Mặc dù dầu ăn đang trở thành một trong những nguồn thu chính của KDC, thay thế cho bánh kẹo nhưng lợi nhuận tụt giảm do tiền chi trả nợ gốc vay tăng vọt, 6 tháng đầu 2018 lên đến hơn 2,4 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, KDC còn phải chi 77 tỷ đồng để trả lãi vay. KDC hiện vay nợ cả ngắn hạn và dài hạn gần 2 ngàn tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhiều cổ phiếu cũng xuống đáy năm như Dầu ăn Tường Anh, YEG của Yeah1 mới lên sàn với giá cao kỷ lục của đại gia Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, DBD của Dược Bình Định…
Trên diện rộng, dòng tiền vẫn rập rình bắt đáy các cổ phiếu trên sàn nhưng áp lực chốt lời vẫn khá cao mỗi khi thị trường tăng vài phiên liên tiếp.
Lực cầu bắt đáy không đủ mạnh và khối ngoại quay đầu bán ròng khiến VN-Index vẫn chưa thể chinh phục ngưỡng 1.000 điểm. Nhiều cổ phiếu vẫn đang tăng điểm ấn tượng như VietJet, Sabeco, SSI, DXG, HBC,...
Một số công ty chứng khoán (CTCK) tiếp tục dự báo khá tích cực.
Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, thị trường trong trạng thái điều chỉnh và có khả năng hồi phục. Dòng tiền lớn tập trung ở nhóm cổ phiếu ngành cao su và nhựa.
CTCK Rồng Việt (VDS) nhận định, các cổ phiếu Midcap và Penny vẫn đang có cơ hội tăng điểm, trong khi các cổ phiếu Bluechip chịu áp lực bán khá lớn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/8, VN-index giảm 7,02 điểm xuống 988,17 điểm; HNX-Index tăng 0,54 điểm lên 112,78 điểm. Upcom-Index tăng 0,05 điểm lên 51,32 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 230 triệu đơn vị, trị giá 4,7 ngàn tỷ đồng.