Theo Amusing Planet, ở khu vực eo biển Bering nằm giữa lục địa Alaska (Mỹ) và Siberia (Nga), có một quần đảo được xem là đặc biệt nhất trên thế giới - quần đảo Diomede. Nó bao gồm 2 hòn đảo gọi là Big Diomede (đảo Lớn) và Litte Diomede (đảo Bé).
Quần đảo Diomede bao gồm 2 hòn đảo gọi là Big Diomede (đảo Lớn) và Litte Diomede (đảo Bé).
Chính tại quần đảo này, bạn có thể "xuyên không" từ quá khứ tới tương lai chỉ trong giây lát. Tại sao lại có chuyện lạ kỳ đến thế?
Bí mật nằm ở vị trí của 2 hòn đảo này!
Big Diomede có diện tích khoảng 29 km2, không người dân ở, thuộc Nga. Đường đổi ngày quốc tế nằm cách phía đông của đảo 1,8km. Litte Diomede nằm trên đất Mỹ, diện tích 7,3 km2, thuộc bang Alaska. Đường đổi ngày quốc tế nằm cách phía tây của đảo 0,6km.
Vì đường đổi ngày quốc tế phân tách 2 hòn đảo này nên chúng có 2 múi giờ khác nhau, đảo Big Diomede đi trước đảo Litte Diomede 23 tiếng.
Nằm cùng trong 1 quần đảo nhưng Big Diomede và Litte Diomede chỉ cách nhau có 3,8km. Thế nhưng, điều đặc biệt là chúng bị phân tách bởi Đường đổi ngày quốc tế, cũng là đường đánh dấu biên giới quốc tế giữa Nga và Mỹ.
Cụ thể, Big Diomede thì thuộc lãnh thổ của Nga và còn Litte Diomede thuộc sở hữu của Mỹ. Đồng nghĩa với việc, di chuyển từ Mỹ sang Nga và ngược lại đều chỉ mất thời gian ngắn. Điều đặc biệt hơn cả, vì đường đổi ngày quốc tế phân tách 2 hòn đảo này nên chúng có 2 múi giờ khác nhau, đảo Big Diomede đi trước đảo Litte Diomede 23 tiếng.
Khi ở Nga đã sang ngày mới thì Mỹ vẫn là ngày hôm trước. Bởi vậy, Big Diomede còn được gọi với cái tên khác là đảo Ngày mai (Tomorrow Island) và Litte Diomede thì được gọi là đảo Hôm qua (Yesterday Island).
Đó là lý do vì sao quần đảo Diomede được mệnh danh là nơi duy nhất trên thế giới có thể nhìn thấy cả quá khứ và tương lai.
Trên thực tế, đường đổi ngày không phải là một đường thẳng dọc kinh tuyến 180 độ, mà là một đường gấp khúc. Lý do là để cố gắng bảo đảm thời gian trên cùng một quốc gia không bị tách làm 2 ngày. Theo quy định, khi các phương tiện giao thông đi ngang qua đường này, ngày tháng sẽ phải thay đổi.
Xuyên không trong vòng một nốt nhạc
Cả hai hòn đảo đều có địa hình sườn dốc, phần đỉnh bằng phẳng, vị trí biệt lập, bao quanh bởi nước biển. Vào những tháng ấm áp trong năm, sương mù dai dẳng bao phủ gần như che khuất cả 2 hòn đảo.
Đến những tháng mùa đông lạnh giá, đôi khi những khối băng di chuyển kẹt giữa 2 đảo, vô tình tạo thành một cây cầu băng tạo điều kiện thuận lợi để di chuyển từ Nga sang Mỹ hoặc ngược lại chỉ trong "nháy mắt" vì khoảng cách chưa đến 4km.
Vào những thời điểm như vậy, thực tế người ta có thể đi bộ qua lại giữa Mỹ và Nga. Nhưng, điều đó chỉ là trên lý thuyết vì băng qua eo biển Bering là bất hợp pháp.
Cuộc sống đối lập trên 2 hòn đảo
Cách đây 3.000 năm, 2 hòn đảo này từng là nơi sinh sống của tộc người Yupik Eskimos. Người châu Âu đầu tiên đặt chân đến quần đảo này là nhà thám hiểm người Nga Semyon Dezhnyov vào năm 1648.
80 năm sau, nó được nhà thám hiểm người Đan Mạch Vitus Bering phát hiện lại vào ngày 16 tháng 8 năm 1728.
Ngày nay, Litte Diomede là nơi sinh sống của cộng đồng nhỏ gồm khoảng 75 cư dân với một nhà thờ và trường học. Người Eskimos sống trên hòn đảo này vẫn duy trì lối sinh hoạt truyền thống theo kiểu tự cung tự cấp, tự sản tự tiêu. Họ đánh bắt cua và cá, săn cá voi trắng, hải mã, hải cẩu và gấu Bắc cực để làm thức ăn.
Hầu hết các nguồn cung cấp hàng hóa thiết yếu đến từ một đợt vận chuyển bằng sà lan hàng năm từ các cửa hàng như Wal-Mart. Một số cư dân làm việc cho chính quyền địa phương hoặc trường học. Đã có một số hoạt động đánh bắt và khai thác thương mại trên đảo, nhưng cả hai ngành công nghiệp này đều đang suy giảm.
Còn Big Diomede hoàn toàn không có người sinh sống và được các nhà chức trách sử dụng cho mục đích quân sự.