Liên quan đến vụ việc thiên thạch khổng lồ to bằng 40 sân bóng vừa bay ngang Trái đất, nhiều người lo ngại, liệu điều này có ảnh hưởng xấu gì tới Trái đất hay không?
Để giải đáp những thắc mắc trên, ngày 2/9, PV VTC News phỏng vấn ông Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch hội Thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA).
Tuy nhiên, khi bình luận về sự việc này, ông Sơn đã trấn an rằng Trái đất sẽ không bị ảnh hưởng khi thiên thạch này bay ngang qua.
|
Tiểu hành tinh bay ngang Trái đất. (Hình minh hoạ) |
"Thực chất, đây là một tiểu hành tinh có tên gọi là Florence, đã bay ngang Trái đất vào hôm qua (1/9). Đã từng có nhiều tiểu hành tinh được phát hiện bay gần trái đất hơn Florence nhưng tất cả đều nhỏ hơn.
Nhiều người lo ngại, tiểu hành tinh này bay qua Trái đất sẽ gây nguy hiểm. Tuy nhiên, vì cách Trái đất khoảng 7 triệu km nên thiên thạch này khi bay qua không ảnh hưởng gì", ông Sơn cho biết.
Theo ông Sơn, tiểu hành tinh Florence có chiều dài gần 4,4 km, tương đương 40 sân bóng đá. Đây cũng là tiểu hành tinh lớn nhất từng bay ngang qua Trái đất kể từ khi NASA khởi động chương trình phát hiện và theo dõi các thiên thạch gần Trái đất.
"Việc một tiểu hành tinh bay ngang qua Trái Đất không hiếm lắm, gần như năm nào cũng có. Tuy nhiên, để gây nguy hiểm cho Trái Đất thì rất hiếm. Hàng nghìn năm mới có một lần đáng ngại cho một khu vực nhỏ nào đó, và nhiều triệu năm mới có một lần đe dọa cho sự tồn tại của các loài trên Trái Đất", ông Sơn cho biết thêm.
Cũng theo ông Sơn, nếu như hôm qua lộ trình của Florence có thay đổi, nhân loại cũng không cần phải hoảng loạn vì hiện NASA đã phát triển hệ thống phòng thủ hành tinh mang tên Thử nghiệm chuyển hướng thiên thạch kép (DART - Phi tiêu).
Hiện, NASA cùng Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) đang thiết kế thiết bị này để sẵn sàng thay đổi lộ trình bay của các thiên thể có nguy cơ va vào Trái đất.
Theo ông Paul Chodas, quản lý tại Trung tâm nghiên cứu các vật thể gần Trái đất cho biết thiên thạch Florence không gây ra bất cứ mối đe dọa trực tiếp nào đến Trái đất.
Ông này khẳng định “chắc chắn không phải trong nhiều thế kỷ tiếp theo, và cũng không chắc trong nhiều thiên niên kỷ tiếp theo. Có thể thiên thạch này sẽ đe dọa đến hành tinh của chúng ta trong tương lai xa, nhưng chỉ là có thể”.
Cơ hội tốt nhất để quan sát thiên thạch này vào khoảng 7h ngày 3/9 theo giờ Việt Nam. Tại thời điểm này, thiên thạch Florence ở vị trí giữa khu vực chòm sao Hải Đồn và di chuyển về hướng Bắc với vận tốc khoảng 3.400 km/h.
Theo tính toán của các nhà thiên văn học, đây là lần tiếp cận Trái đất gần nhất của thiên thạch Florence kể từ năm 1890.
"Lần tiếp cận gần hơn sẽ diễn ra vào khoảng năm 2500. Với các nhà thiên văn học, đây là cơ hội cực tốt để tiến hành nghiên cứu về cấu tạo, hình dạng, thuộc tính bề mặt của thiên thạch", ông Chodas thông tin.
Thiên thạch Florence được nhà thiên văn học Schelte ‘Bobby’ Bus phát hiện năm 1981 khi ông làm việc tại Đài quan sát Siding Spring tại Úc. Thiên thạch này được đặt tên theo Florence Nightingale, người phụ nữ sáng lập ra ngành điều dưỡng hiện đại.