Tại Phòng thí nghiệm của ủy viên công tố quận Santa Clara (San Francisco, Mỹ), đã có 14 trường hợp mẫu vật chứng bị nhiễm bẩn bởi ADN...
- Tại Phòng thí nghiệm của ủy viên công tố quận Santa Clara (San Francisco, Mỹ), đã có 14 trường hợp mẫu vật chứng bị nhiễm bẩn bởi ADN của nhân viên phòng thí nghiệm cũng như từ các vụ án khác.
Bắt nhầm vì nhiễm bẩn ADN
Năm 2004, ủy viên công tố John Kaye tại New Jersey (Mỹ) tuyên bố đã phá được vụ án cưỡng hiếp và giết hại một nữ sinh lớp 8 từ 36 năm trước. "Nhờ ADN, chúng ta đã có thể chỉ mặt kẻ đã giết hại Jane Durrua, đó là Jerry Bellamy".
Ông Bellamy bị bắt và bị buộc tội giết người cấp độ 1. Tuy nhiên, 2 năm sau đó, các điều tra viên mới phát hiện rằng kết luận này là sai. Việc giám định lại bằng chứng của vụ án này được tiến hành năm 2001, và khi đó, do sơ suất, các điều tra viên đã để ADN của Bellamy nhiễm vào tang vật
Không những thế, khi phân tích gen trong mẫu máu trên tay nạn nhân, người ta cũng thấy nó tương thích với một người khác có tên là John Ruelas. Dù Ruelas cũng là một tội phạm giết người, nhưng khi vụ án nói trên xảy ra, y mới được 4 tuổi.
Mẫu gen thu được từ chứng cứ tại hiện trường các vụ án cũng như từ những người từng bị cảnh sát bắt giữ sẽ được đưa vào kho dữ liệu ADN. Công việc xét nghiệm mẫu này được đánh giá vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật. Nó liên quan tới những tính toán thống kê phức tạp và đòi hỏi sự cẩn thận cao nhằm tránh sai sót.
Dù thế, theo tờ Los Angeles Times, từ năm 2003 - 2007, chỉ tính riêng phòng thí nghiệm của ủy viên công tố quận Santa Clara (San Francisco, Mỹ), đã có 14 trường hợp mẫu vật chứng bị nhiễm bẩn bởi ADN của nhân viên phòng thí nghiệm cũng như từ các vụ án khác.
|
Các mẫu ADN có thể bị nhiễm bẩn trong quá trình xét nghiệm. |
Bắt nhầm hơn bỏ sót
Tại các bang ở Mỹ, không chỉ các mẫu gen của những kẻ phạm tội mới được lưu giữ trong kho dữ liệu. Dân nhập cư từng bị giam giữ, những người bị bắt vì nghi ngờ có liên quan tới các vụ án đều được lưu hồ sơ. Thậm chí mẫu ADN của những người đã được tuyên vô tội và được thả cũng không hề được xóa đi sau đó. Ước tính có khoảng 1,2 triệu mẫu gen được đưa vào kho dữ liệu quốc gia mỗi năm.
Kho dữ liệu được xây dựng trên lí thuyết rằng không có 2 người nào có trùng một mẫu.
Những người ủng hộ việc tiếp tục mở rộng kho dữ liệu ADN cho rằng, việc làm này sẽ giúp bảo vệ cộng đồng. Càng có nhiều dữ liệu ADN trong hệ thống, càng dễ dàng điều tra được người có mẫu gen tương ứng với mẫu gen thu được tại hiện trường vụ án.
Trên thực tế, kết quả một cuộc kiểm tra kho dữ liệu tội phạm của bang Arizona (Mỹ) với hơn 65.000 mẫu, có hơn 100 mẫu được cho là tương tự như nhau. Kho dữ liệu của bang Ilinois và Maryland cũng có hàng trăm mẫu gen tương ứng với nhau. Điều này có thể khiến cho những người vô tội bị oan vì có ADN tương ứng với ADN của tội phạm.
Nhiều vụ án đã được phá nhờ sự tương ứng một phần giữa gen thu được tại hiện trường và các thông tin trong cơ sở dữ liệu. Thủ phạm trong các trường hợp này chính là người nhà của những người có mẫu ADN tương ứng.
Mặc dù vậy, GS Sheldon Krimsky tại Đại học Tufts cảnh báo rằng, điều này không phải bao giờ cũng đúng, "bởi những người không có họ hàng đôi khi cũng có những điểm chung về gen, và những tìm kiếm kiểu "gần trùng khớp có thể đưa tới dữ liệu của hàng trăm người không hề có họ hàng với thủ phạm".
Lê My (Theo Scientificamerican, LA Times)