Ngôi chùa kỳ thú khiến hổ cũng phải... ăn chay

Google News

Tại chùa Wat Pha Luang Ta Bua, những con hổ lại ngoan ngoãn để các vị sư cho ăn, vỗ về hoặc buộc dây dắt đi chơi như những chú chó hiền lành.

Nuôi hổ làm thú cưng
Chùa Wat Pha Luang Ta Bua hay chùa Hổ (ở tỉnh Kanchanaburi, phía tây Bangkok, Thái Lan) nổi tiếng với 147 con hổ (phân loài hổ Đông Dương) được nuôi nhốt để phục vụ khách du lịch. Được thành lập từ năm 1994 với tư cách tu viện, chùa Wat Pha Luang Ta Bua nằm cạnh khu vực sinh sống của hổ hoang dã.
Ngay từ khi ra đời ngôi chùa này đã trở thành nơi ẩn náu cho thú rừng. Đầu tiên, dân làng mang đến chùa một con chim rừng bị thương, nhờ các sư thầy chăm sóc. Khi được chữa khỏi, tiếng kêu của con chim này đã thu hút nhiều đàn chim khác kéo đến. Sau đó, một con heo rừng bị thương vô tình chạy lạc vào chùa cũng được chữa trị. Khi các nhà sư thả nó trở lại vào rừng, con heo đã đưa cả gia đình gồm 10 con khác quay trở lại chùa. Đến nay, chùa có vô số lợn rừng cư trú tại đây.
Ngoi chua ky thu khien ho cung phai... an chay
Từ đó, dân làng quanh vùng mang đến chùa Wat Pha Luang Ta Bua cả những con thú mà họ không muốn nuôi: trâu, bò, ngựa, nai, dê rừng, vượn... Tất cả tạo thành một bầy thú đông đúc, được thả rông trong khu đất rộng lớn của nhà chùa.
Chuyện về con hổ đầu tiên được nuôi trong chùa có nhiều dị bản. Có người kể, vào giữa năm 1999, người dân một ngôi làng gần chùa khi vào rừng đốn gỗ đã gặp hai chú cọp con bị bỏ rơi vì mẹ chúng đã bị các thợ săn bắn chết. Họ đã đem 2 chú cọp con về chùa Wat Pha Luang Ta Bua nhờ các sư sãi chăm sóc.
Ở dị bản thứ hai, các nhà sư ở chùa đã cứu một con hổ con khỏi tay một người có thế lực ở Bangkok rồi đem về nuôi. Ở dị bản thứ ba, vào năm 1999, người dân địa phương đã mang một con hổ cái con chừng vài thàng tuổi, bị suy kiệt và đầy vết thương đến chùa. Hàm răng hổ con, nhất là răng nanh đã bị mài mòn đến sát lợi. Mẹ nó đã bị các tay săn trộm giết chết gần vùng biên giới Thái Lan - Miến Điện.
Hổ con được bán cho những người làm thú nhồi, nhưng may mắn thoát chết dù đã bị tiêm phóc-môn (chất bảo quản) vào cổ. Nhờ sự chăm sóc tận tình của các thầy, hổ con dần hồi phục. Tuy vậy, năm tháng sau đó, con hổ này chết vì bệnh.
Vài tuần lễ sau khi con hổ con đầu tiên chết tại chùa Wat Pa Luang Ta Bua, 4 con hổ đực khỏe mạnh được dân địa phương mang đến chùa. Sau đó, lực lượng kiểm lâm Kanchanaburi trong một chiến dịch triệt phá buôn lậu hồi năm 2001 đã tịch thu 7 con hổ và giao cho một bác sĩ thú y nuôi dưỡng. Người này sau đó chuyển lại 7 con vật cho chùa Wat Pha Luang Ta Bua, tạo thành một bầy hổ trong chùa. Từ đó,tiếng lành đồn xa, người dân bắt đầu đưa những con hổ con được cứu thoát khỏi tay bọn săn trộm đến chùa.
Lúc đầu, quyết định của sư trụ trì Pra Achan Bhusit Chan Khantithato về việc nuôi hổ không nhận được sự đồng thuận của những vị sư cùng sống trong chùa, có vị phản đối việc này và đã chuyển sang một ngôi chùa khác. Không một sư thầy nào tại chùa Wat Pa Luang Ta Bua được huấn luyện vể kỹ năng nuôi dạy thú, nhưng chỉ với tấm lòng trắc ẩn bao dung, họ tự rút ra bài học kinh nghiệm khi chăm sóc chúng.
Tại chùa, các nhà tu hành thuần dưỡng hổ bằng tay không. Những chú hổ không phải được nuôi trong những lồng sắt mà được thả tự do trong khuôn viên chùa. Ở chùa, hổ được tập ăn chay và ăn thêm thịt gà, thịt bò nấu chín. Chúng còn được bổ sung thức ăn khô dành riêng cho mèo nhằm tăng dưỡng chất. Do thịt được nấu chín nên hổ không còn nhận được mùi tanh của máu tươi.
Mặc dù những chú cọp trong chùa này chưa gây tổn thương cho du khách nào, nhưng sư trụ trì vẫn rất cẩn thận và ý thức được mối nguy hiểm của chúng. Để tránh hiểm họa, các nhà sư bắt đầu tách cọp con rời khỏi mẹ cho sống với con người và huấn luyện ngay khi chúng mới được 21 ngày. Do được các sư nuôi từ nhỏ nên chúng gắn bó, thân thiện với con người. Chúng rất hiền lành, ai cũng có thể sờ, vuốt ve hoặc ngồi bên cạnh để chụp hình. Từ đó tu viện nhỏ này đã trở thành nơi nổi tiếng thế giới.
Sư Pra Acharn Phusit cho biết: “Đạo Phật tin có tái sanh, vì thế tôi cho rằng những chú cọp này đã từng là thân thích họ hàng của tôi trong quá khứ. Tôi nghĩ thú vật cũng có những đặc điểm giống như con người, chúng cũng biết đói, biết tức giận, biết mệt... Vì thế tôi đã áp dụng lòng thương tưởng và cái biết của mình để nuôi dưỡng thuần hóa chúng”.
Hổ trong chùa sinh sản và số lượng ngày một tăng. Trung bình mỗi năm có khoảng 5-6 chú hổ con chào đời. Công việc chăm sóc bầy hổ trở nên quá sức đối với sư trụ trì và các tình nguyện viên địa phương. Nhiều tổ chức liên quan đã có sự trợ giúp cho chùa trong việc tạo nên một khu vực hơn 8 hecta để nuôi chúng. Sau nhiều năm, số hổ tăng lên 147 con và nhà chùa không đủ kinh phí nuôi nên bắt đầu nhận tiền cúng dường từ người dân và mở dịch vụ chụp ảnh với hổ để thu tiền.
Chùa Hổ là điểm thu hút nhiều du khách từ các địa phương khác của Thái Lan cũng như quốc tế. Ước chừng có khoảng 4.000 lượt khách mỗi tháng đến thăm. Số khách du lịch đổ về chùa hổ tham quan tăng đều theo thời gian. Du khách đến chùa phải trả 16 USD/vé vào cổng, chưa kể phí phát sinh cho dịch vụ chụp ảnh, chơi đùa và mua thức ăn cho “chúa tể rừng xanh”, tổng chi phí trọn gói đặc biệt có thể lên tới 140 USD.
Theo New York Times, dịch vụ này mang lại cho chùa Wat Pha Luang Ta Bua khoản thu lên tới 5,7 triệu USD mỗi năm. Du khách có thể chụp ảnh với hổ, dắt hổ đi dạo và chăm sóc hổ con, cho chúng uống sữa.
Số phận “chúa sơn lâm” sau khi rời khỏi chùa
Việc nuôi hổ ở chùa Wat Pha Luang Ta Bua vấp phải sự phản đối của các nhà bảo tồn động vật hoang dã. Có ý kiến cho rằng chùa Wat Pha Luang Ta Bua nuôi hổ bất hợp pháp. Các nhà vận động về quyền động vật cho rằng các nhà sư không nên nuôi hổ, đồng thời giới chức động vật hoang dã Thái Lan cũng cho rằng việc nuôi hổ không có giấy phép tại chùa là hành động vi phạm pháp luật.
Từ năm 2001, chính quyền Thái Lan đã vướng vào khó khăn trong việc giải quyết việc nuôi nhốt hổ trong các ngôi chùa, sau khi xuất hiện hàng loạt các cáo buộc về buôn bán lạm dụng động vật hoang dã.
Ngoi chua ky thu khien ho cung phai... an chay-Hinh-2
Sự lỏng lẻo tại biên giới Thái Lan, Myanmar, Lào và Trung Quốc khiến các hoạt động buôn bán hổ và các động vật hoang dã khác phát triển mạnh bất chấp lệnh cấm quy mô toàn cầu. Tại Trung Quốc, da một con hổ nuôi nhốt có giá 60.000 USD trong khi rượu cốt hổ giá 500 USD/chai. Xương hổ có giá trị tương đương với vàng trong khi một bát súp pín hổ có giá tới 300 USD.
Vào tháng 12/2014, 3 con hổ đực trưởng thành biến mất khỏi chùa Wat Pha Luang Ta Bua khiến các nhà chức trách chú ý, đồng thời làm dấy lên làn sóng đòi có biện pháp để bảo vệ loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng ở Thái Lan.
Đến năm 2016, trước sức ép của nhiều tổ chức bảo vệ động vật quốc tế, các quan chức Cục Bảo tồn Vườn quốc gia và Động thực vật Hoang dã (DNP) đã vào cuộc giải cứu những con hổ trong chùa vì cho rằng chúng bị ngược đãi và chùa bị cáo buộc buôn lậu động vật hoang dã. Hoạt động tịch thu số hổ của chùa kéo dài vài ngày và phải huy động đến 30 bác sĩ thú y, 60 kiểm lâm viên và hàng trăm nhân viên khác.
Ngoài 147 con hổ sống, khi khám xét khu vực bếp của ngôi đền này, các nhà chức trách đã tìm thấy 40 xác hổ con trong tủ đông lạnh. Những con hổ non chết khi chỉ khoảng 1 đến 2 ngày tuổi và không thể xác định được chúng chết vào khoảng thời gian nào. Nguyên nhân cái chết của chúng chưa được làm rõ. Ngoài ra còn 20 xác hổ non trong các lọ chứa phóc-môn.
Cảnh sát đột kích ngôi chùa cũng phát hiện rất nhiều xương hổ, răng, da hổ và ít nhất 1.500 bùa hộ mệnh làm từ các bộ phận của hổ. Có 22 người đã bị buộc tội sở hữu động và buôn bán động vật hoang dã. Những người này, trong đó có 3 nhà sư, bị bắt khi tìm cách bỏ trốn trên xe tải chất đầy da hổ. Các nhà sư phủ nhận tất cả những cáo buộc, ban đầu chống lại việc thu giữ hổ nhưng đã chấp nhận khi thấy trát của tòa án.
Trang Facebook của chùa cho biết tỷ lệ tử vong của đàn hổ tại đền thờ “tương đối thấp” và sau khi chết, đàn hổ con được hỏa táng. Nhưng vào năm 2010, một bác sĩ thú y đã thay đổi truyền thống, giữ lại các xác hổ con nhằm làm bằng chứng chống lại cáo buộc những người trong đền bán xác hổ non lấy xương làm thuốc.
Đến tháng 7/2016, toàn bộ 147 con hổ đã được di dời khỏi chùa Hổ đến tại trung tâm Khaozon và Khao Prathap Chang ở huyện Chom Bung, tỉnh Ratchaburi. Nhân viên được trang bị súng bắn thuốc mê để bắt sống đàn thú. Tuy nhiên, do quen ở chùa, không ăn thịt sống nên những con hổ cự tuyệt ăn thịt sống, nhiều con hổ tự bỏ đói mình. Chúng trở nên dễ kích động và thường xuyên gầm gừ.
Một số con hổ bị ốm và gặp khó khăn về hô hấp. Các con hổ bắt đầu có triệu chứng bị liệt thanh quản, ảnh hưởng đến đường thở. Những con hổ trong độ tuổi 3-8 đều được cung cấp thêm vitamin để giải tỏa căng thẳng.
Vào năm 2019, tức là sau 3 năm kể từ được cứu khỏi ngôi chùa Phật giáo tại Thái Lan, 86 con hổ đã chết vì bệnh. Ông Patarapol Maneeorn, người đứng đầu bộ phận quản lý sức khỏe động vật hoang dã của chính phủ Thái Lan, cho biết những con hổ này vì bị cho giao phối cận huyết nên không thể chống chọi được bệnh tật, bị liệt thanh quản gây nghẽn hô hấp.
Cả 86 con hổ đều được chăm sóc tại các khu bảo tồn động vật hoang dã do chính phủ Thái Lan quản lý. Bộ gene của 147 con hổ đều có nguồn gen từ 6 con hổ gây giống ban đầu.
Ước tính Thái Lan hiện có hơn 1.000 con hổ nhưng chỉ có khoảng 200 con sống trong môi trường hoang dã trên tổng số khoảng 4.000 con hổ đang sống trong môi trường hoang dã toàn thế giới. Chùa Hổ vẫn được công nhận là khu bảo tồn động vật hoang dã tư nhân, thu hút nhiều khách du lịch. Hiện chùa có 400 con hươu, hơn 300 con công, một sư tử và một vài động vật khác.
Theo Lam Hạnh/ Baophapluat.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)