Theo Express, siêu hố đen quái vật có kích thước lớn gấp 1 tỷ lần Mặt trời, mới được kính viễn vọng không gian Hubble phát hiện.
Thông thường, hố đen quái vật nằm ở trung tâm của thiên hà mà nó tồn tại. Nhưng những hình ảnh mà kính viễn vọng thu được, cho thấy hố đen dường như đang tách xa khỏi thiên hà 3C 186, vốn cách Trái đất 8 tỷ năm ánh sáng.
|
Minh họa cảnh hố đen nuốt chửng hành tinh. |
Phát ngôn viên của NASA cho biết, đây là lần đầu tiên các nhà thiên văn ghi nhận trường hợp hố đen có hành vi kỳ lạ như vậy
Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí “Astronomy & Astrophysics”, kính Hubble đã chụp được hình ảnh một chuẩn tinh (vật thể giống ngôi sao phát ra bức xạ điện từ cực mạnh) thuộc 3C 186, tỏa sáng đến mức kinh ngạc.
Chuẩn tinh này là một đám mây khí và vật chất vây quanh siêu hố đen khổng lồ trên. Điều bất thường ở đây là chuẩn tinh nằm quá xa trung tâm của thiên hà, đồng nghĩa với việc có một lực mạnh khủng khiếp nào đó đã khiến siêu hố đen trôi dạt tự do.
Chuyên gia Marco Chiaberge và các đồng nghiệp tại Viện Khoa học Kính thiên văn Vũ trụ (STSCI) giải thích, hoạt động kỳ lạ của hố đen khổng lồ trong 3C 186 là do tác động của sóng trọng lực từ hai hố đen khác va chạm vào nhau gây ra.
Vụ va chạm này xảy ra khi thiên hà 3C 186 hợp nhất với một thiên hà khác. Hệ quả là hố đen quái vật đang di chuyển trong không gian với vận tốc ước tính khoảng 8 triệu km/giờ, nuốt trọn mọi thứ trên đường đi.
Với tốc độ này, nó sẽ thoát khỏi thiên hà 3C 186 trong 20 triệu năm nữa trong khi thời gian di chuyển với vận tốc như vậy, từ Trái Đất tới Mặt Trăng cũng chỉ mất 3 phút.