Nhân vật giúp Khang Hi "nở mày nở mặt" là ai?
Đới Tử là một trí thức học rộng tài cao sống dưới thời Khang Hi. Ông vô cùng thông thạo binh pháp, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, thơ ca hội họa và đặc biệt yêu thích nghiên cứu các loại vũ khí chiến đấu. Phát minh tiêu biểu của người Trung Quốc - súng đại liên cũng do chính Đới Tử sáng tạo và làm ra.
Không chỉ súng đại liên, các loại súng ống khác do Đới Tử phát minh cũng đều có khả năng bắn trúng cực chuẩn, đạn có thể bay xa trong phạm vi hàng trăm bước. Năm Khang Hi thứ 15 (tức năm 1676), Đới Tử vì lập công giúp Đại Thanh thu hồi lại thành Giang Sơn nên được triệu vào cung yết kiến vua Khang Hi.
Năm 1686, có 1 đoàn giáo sĩ người Hà Lan đến Trung Quốc và xin được yết kiến vua Khang Hi. Để bày tỏ lòng thành, nhóm giáo sĩ này đã dâng lên cho vua một sản phẩm có thể gọi là đỉnh cao của những phát minh khoa học của Hà Lan thời kì đó: Súng hơi. Mục đích khi dâng nạp quà quý của những giáo sĩ này là mong muốn có được sự hậu ái của hoàng đế cũng như hưởng những lợi ích từ Đại Thanh.
Nào ngờ, khi chứng kiến những thứ này, vua Khang Hi không những không vui mừng mà còn tỏ vẻ khinh thường ra mặt. Tiếp đó, vua liền quay ra nói với những giáo sĩ Hà Lan: "Món đồ này Đại Thanh ta cũng có". Sau khi buổi gặp mặt các giáo sĩ kết thúc, vua Khang Hi liền âm thầm lệnh cho Đới Tử thiết kế mô phỏng lại sản phẩm súng hơi mà những giáo sĩ Hà Lan dâng lên lúc trước.
Vốn có sở trường về lĩnh vực này, Đới Tử chỉ mất 5 ngày để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thậm chí sản phẩm "mô phỏng" do ông làm ra còn có phần tân tiến hơn ‘bản gốc’. Nhận thành quả từ Đới Tử, Khang Hi vô cùng đắc ý và lập tức đem chiếc súng ống được thiết kế mô phỏng này tặng cho những giáo sĩ Hà Lan.
Sau khi nhận món quà từ vua, các giáo sĩ vô cùng kinh ngạc. Thì ra, lời vua Khang Hi nói lúc trước không hề là lời nói ba hoa mà là sự thật, Đại Thanh sớm đã có súng ống. Đây cũng chính là mục đích mà vua Khang Hi mong muốn đạt được.
Gặp tai họa vì chính tài năng xuất chúng
Thế nhưng, Đới Tử nào có thể ngờ, tài năng xuất chúng của ông không những không mang lại cho ông ánh hào quang xứng đáng mà lại vô tình trở thành mối lo của vua Khang Hi.
Theo đó, vua Khang Hi lo rằng nếu vũ khí nóng (dạng súng) do Đới Tử làm ra trở lên quá phổ biến thì đội quân Bát Kỳ vốn vang danh lừng lẫy vì những trận chiến đấu trên lưng ngựa bằng những vũ khí lạnh truyền thống (đao, kiếm, cung tên...) sẽ dần mất đi ưu thế và khả năng thống trị. (Đội quân Bát Kỳ: 1 tổ chức quân sự của nhà Thanh thuộc dòng dõi quý tộc Mãn Châu).
Do đó, tuyệt đối không được để cho những loại vũ khí nóng mà Đới Tử phát minh trở lên quá phổ biến. Với tài năng xuất chúng về chế tạo vũ khí, nếu như có 1 ngày Đới Tử vì lợi ích riêng mà có ý định phản bội lại giang sơn thì quả là một mối nguy đáng sợ cho Đại Thanh. Suy nghĩ này đã làm cho vua Khang Hi phải đấu tranh không ngừng, ông không biết nên xử trí Đới Tử ra sao cho hợp tình hợp lý.
Đúng lúc hoàng đế Khang Hi đang phải đau đầu về vấn đề này thì có tấu chương của Nam Hoài Nhân dâng lên. Nội dung tấu chương tố cáo Đới Tử âm thầm câu kết với người Nhật Bản. Người tố cáo không chỉ có Nam Hoài Nhân mà còn có một số người phương Tây đang sinh sống ở Trung Hoa.
Khi đọc bản tấu chương này, vua Khang Hi biết rất rõ những người tố cáo Đới Tử đều có tư thù riêng. Trước đó, vì những phát minh nên Đới Tử được vua Khang Hi điều tới Khâm Thiên Giám (cơ quan nghiên cứu các hiện tượng thiên văn của Trung Quốc xưa), làm việc dưới sự chỉ đạo của Nam Hoài Nhân. Thân chỉ là ‘lính’ nhưng khả năng lại xuất chúng vượt trội nên Đới Tử sớm đã trở thành cái gai trong mắt của Nam Hoài Nhân.
Về phía những người phương Tây, họ cũng tỏ ra ghen ghét, không hài lòng với Đới Tử vì từ khi ông tới Khâm Thiên Giám làm việc, thường xuyên làm ra những phát minh đặc sắc vượt qua họ. Biết rõ trò vu cáo hãm hại của đám người Nam Hoài Nhân nhưng vua Khang Hi lại chấp thuận tấu chương tố cáo này. Vì đúng lúc ông cũng đang không biết nên lấy cớ gì để xử trí Đới Tử.
Sau khi định tội danh của Đới Tử, vua Khang Hi đã ra phán quyết đày trí thức đầy tài năng này đến Liêu Đông (miền Đông của Liêu Ninh, Trung Quốc). Tại nơi đày xa xôi lạnh lẽo, Đới Tử vì quá uất hận và đau buồn nên đã mắc bệnh, không lâu sau đó thì qua đời.