Giả danh "nhân viên bưu điện", tinh vi chiếm đoạt tài khoản ngân hàng

Google News

Để tránh bị lừa đảo, Bưu điện Việt Nam khuyến cáo khách hàng nâng cao cảnh giác, thường xuyên theo dõi đơn hàng trên ứng dụng/kênh đặt hàng, app My Vietnam Post Plus, cổng thông tin điện tử: https://vietnampost.vn.

Trong thời gian gần đây, tình trạng giả danh nhân viên bưu điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang có dấu hiệu gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Kẻ gian không chỉ nắm rõ thông tin cá nhân của nạn nhân mà còn sử dụng nhiều chiêu trò tạo dựng lòng tin, khiến nhiều người rơi vào bẫy và mất tiền oan.
Truy cập đường link giả, sập bẫy "nhân viên bưu điện" rởm
Theo Cổng Thông tin điện tử Công an tỉnh Bình Thuận, thời gian gần đây, một số người đã phản ánh về việc bị các đối tượng giả danh nhân viên bưu điện liên hệ để thông báo giao bưu hàng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, người dân nhận được cuộc gọi hoặc Email từ những đối tượng tự xưng nhân viên bưu điện thông báo với khách hàng có bưu kiện chưa thể nhận và yêu cầu thanh toán phí dịch vụ bằng cách chuyển khoản hoặc làm theo hướng dẫn để thanh toán kèm theo đường link.
Khi truy cập vào đường link trên, người dân sẽ được đưa tới một trang web giả. Trang web sẽ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, ảnh chụp căn cước công dân và thông tin tài khoản, thẻ ngân hàng.
Điều đáng nói, các đối tượng nắm rất rõ thông tin như họ tên, số điện thoại, địa chỉ nhà/địa chỉ cơ quan của cả người gửi và người nhận để tạo sự tin cậy. Cũng từ đây, nhiều người đã mất cảnh giác và làm theo hướng dẫn của những kẻ lừa đảo. Sau đó, tiền trong tài khoản đã bị chiếm đoạt.
Gia danh
Các đối tượng giả Email của bưu điện (Ảnh: Công an tỉnh Bình Thuận). 
ơng tự, một số trường hợp khác cũng bị các đối tượng tự xưng là nhân viên chuyển phát nhanh quốc tế và thông báo khách hàng có bưu gửi hoặc có liên quan đến bưu gửi đi nước ngoài qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế. Nội dung bưu gửi chứa hàng cấm nên bưu gửi đang bị hải quan hoặc Công an thu giữ để phục vụ điều tra.
Sau đó, đối tượng lừa đảo sẽ doạ dẫm, yêu cầu người nhận chuyển tiền cho mình để hàng hóa được thông quan và cung cấp căn cước công dân, thông tin cá nhân để chuyển Công an phối hợp điều tra. Với tâm lý lo lắng, nhẹ dạ cả tin hoặc thiếu thông tin mà nhiều người đã chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo trên một cách dễ dàng.
Mới đây, Bưu điện Việt Nam nhận được phản ánh về một vụ lừa đảo nhắm vào chị P.A.T (Hà Nội). Là người thường xuyên mua hàng trực tuyến, chị có thói quen nhờ bưu tá hoặc shipper gửi hàng tại lễ tân tòa nhà và nhận vào cuối ngày. Dù đã biết đến các cảnh báo về lừa đảo, chị không ngờ mình lại trở thành nạn nhân của chiêu trò này.
Theo lời kể của chị, đối tượng lừa đảo đã giả danh bưu tá, gọi điện thông báo có đơn hàng cần giao. Vì đang bận công việc, chị đồng ý để hàng tại lễ tân và nhanh chóng chuyển tiền vào tài khoản cá nhân theo hướng dẫn. Tuy nhiên, khi mở kiện hàng, chị phát hiện bên trong chỉ là giấy lộn. Kiểm tra lại trên ứng dụng của Bưu điện Việt Nam, chị mới nhận ra đơn hàng thật vẫn đang trong quá trình vận chuyển. Lúc này, chị mới biết mình đã bị lừa.
Gia danh
Công an tỉnh Bình Thuận cảnh báo hình thức lừa đảo của các đối tượng giả mạo nhân viên bưu điện (Ảnh: Công an tỉnh Bình Thuận) 
Chị C.D (Đà Nẵng) suýt trở thành nạn nhân của hình thức lừa đảo này khi nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ tự xưng là nhân viên bưu điện. Đối tượng thông báo có bưu kiện chứa giấy tờ quan trọng gửi từ Long An và yêu cầu chị chuyển khoản 12.000 đồng phí vận chuyển để xác nhận đơn hàng. Tuy nhiên, chị H.A. nghi ngờ vì người nhà đã thanh toán phí khi gửi thư, đồng thời bưu điện thường không yêu cầu khách hàng chuyển khoản trước. Sau khi trực tiếp đến bưu điện để kiểm tra, chị được nhân viên xác nhận đây là một vụ lừa đảo. Nhờ cảnh giác, chị đã tránh được việc mất tiền và chia sẻ câu chuyện của mình để cảnh báo mọi người.
Liều lĩnh vi phạm, có thể bị phạt tới 100 triệu đồng 
Ông Nghiêm Tuấn Anh, Phó Chánh Văn phòng Tổng công ty Bưu điện Việt Nam khẳng định, bưu tá, nhân viên giao hàng của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam luôn mặc đồng phục chuẩn nhận diện thương hiệu, đeo thẻ nhân viên, gọi điện thoại trước để thông tin cho khách hàng về bưu gửi. Trong đó xác nhận rõ các thông tin về bưu gửi, thời gian, địa điểm giao hàng. Đặc biệt, Bưu điện Việt Nam không yêu cầu khách hàng chuyển khoản trước hoặc thanh toán trực tuyến qua bất cứ cổng thanh toán nào trước khi nhận bưu gửi. Tổng công ty đã gửi tin nhắn thông báo đến khách hàng về một số thông tin liên quan đến đơn hàng chuẩn bị phát tới địa chỉ khách yêu cầu, nhất là đối với dịch vụ chuyển phát nhanh, chuyển phát hỏa tốc và dịch vụ EMS tài chính ngân hàng.
Gia danh
Bưu tá của Bưu điện Việt Nam luôn mặc đồng phục chuẩn nhận diện thương hiệu, đeo thẻ nhân viên, gọi điện thoại để thông tin cho khách hàng về bưu gửi trước khi giao hàng (Ảnh: Bưu điện Việt Nam) 
Bưu điện Việt Nam đã ban hành chế tài cùng các quy định về bảo mật, lưu trữ thông tin, dữ liệu. Toàn bộ dữ liệu đều được quản lý và giám sát nghiêm ngặt bởi hệ thống công nghệ và lực lượng chuyên trách. Hệ thống giám sát thường xuyên cập nhật các tính năng cũng như phương thức bảo mật mới. Bưu điện Việt Nam luôn phối hợp chặt chẽ với các đối tác, sàn thương mại điện tử, các nền tảng bán hàng trên môi trường số để đảm bảo dữ liệu khách hàng luôn an toàn nhất.
Để tránh bị lừa đảo, Bưu điện Việt Nam khuyến cáo khách hàng nâng cao cảnh giác, thường xuyên theo dõi đơn hàng trên ứng dụng/kênh đặt hàng, app My Vietnam Post Plus, cổng thông tin điện tử https://vietnampost.vn hoặc liên hệ số Hotline 1900545481, Fanpage: Vietnam Post - Bưu điện Việt Nam để được hỗ trợ. Không vội vàng thực hiện yêu cầu từ các cuộc gọi hay truy cập vào các đường link lạ. Tuyệt đối không thanh bất cứ khoản tiền, cước phí nào khi chưa nhận, kiểm tra hàng, chưa xác minh chính xác thông tin qua các kênh, số liên hệ chính thức của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công bố. Chỉ thanh toán khi đã nhận đúng, đủ mặt hàng đặt mua. Trường hợp có người nhận hộ, nhận thay cần xác minh rõ thông tin về tình trạng hàng hóa trước khi chuyển khoản cho người giao hàng.
Gia danh
Khách hàng có thể kiểm tra, theo dõi đơn hàng trên app My Vietnam Post Plus hoặc trên website của Bưu điện Việt Nam. (Ảnh: Bưu điện Việt Nam) 
Đặc biệt, không cung cấp thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội, các trang mua bán trực tuyến; kiểm soát chặt chẽ thông tin liên quan đến đơn hàng của mình. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần ngăn chặn các đối tượng nắm được thông tin về nhu cầu mua hàng để sử dụng các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi với người mua hàng.
Nếu phát hiện nghi vấn lừa đảo, khách hàng liên hệ với số Hotline: 1900545481, Fanpage: Vietnam Post - Bưu điện Việt Nam để được hỗ trợ nhanh nhất.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi gọi điện thoại, gửi email tự xưng là nhân viên bưu điện liên hệ để thông báo có bưu kiện chưa thể nhận và yêu cầu thanh toán phí dịch vụ bằng cách chuyển khoản hoặc làm theo hướng dẫn để thanh toán kèm theo đường link được coi là hành vi phạm tội nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi trên đã dùng các thủ đoạn công nghệ, kỹ thuật để lừa đảo đánh cắp, chiếm đoạt thông tin, tài sản của người khác.
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 25/2014/NĐ-CP, tội phạm có sử dụng công nghệ cao là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự có sử dụng công nghệ cao. Tội phạm công nghệ cao hiện nay được xếp vào nhóm các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông từ Điều 285 đến Điều 294 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Cụ thể, tại Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Gia danh
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội). 
Bên cạnh đó, Nghị định 25/2014/NĐ-CP cũng định nghĩa vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao là hành vi vi phạm pháp luật có sử dụng công nghệ cao nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Người vi phạm quy định về sử dụng mạng nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 81 Nghị định 15/2020/NĐ-CP từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn có thể bi áp dụng phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 81 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Tình trạng tội phạm trong thời gian gần đây có nhiều chiêu trò để có thể chiếm đoạt tài sản và diễn biến của hành vi phạm tội rất phức tạp. Để phòng tránh lừa đảo người dân cần kiểm tra kỹ thông tin, không vội vàng thực hiện theo hướng dẫn của kẻ lạ. Không cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân cho bất kỳ ai thông qua điện thoại, mạng xã hội.
Thiên Trang

>> xem thêm

Bình luận(0)