Tái chế 200.000 lít dầu nhớt thải mỗi tháng
Mới đây, Công an huyện Nghĩa Đàn (tỉnh Nghệ An) vừa bắt quả tang cơ sở sản xuất do Hồ Đình Cường (SN 1990, trú khu bãi Lèn Tìn, xã Nghĩa Trung) làm chủ, chuyên thu gom, tái chế dầu thải trái phép quy mô lớn. Cơ sở này không có hệ thống xử lý nước thải mà xả trực tiếp ra môi trường.
|
Công an phát hiện và tạm giữ khoảng 45.000 lít dầu nhớt thải trái phép tại cơ sở ông Hồ Đình Cường (Nghệ An)
|
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng công an phát hiện và tạm giữ khoảng 45.000 lít dầu, trong đó có 20.000 lít dầu thải chưa tái chế và 25.000 lít dầu thành phẩm. Chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ hợp lệ về việc tái chế dầu thải. Hồ Đình Cường khai nhận toàn bộ số dầu thải trên được thu mua tại các xưởng sửa chữa ô tô, mô tô trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các tỉnh, thành lân cận, đưa về chưng cất thành dầu nhớt thành phẩm, bán với giá 12.000 - 13.000 đồng/lít.
Trước đó, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng điều tra, xử lý vụ phát hiện một lò nấu dầu thải, pha chế dầu giữa cánh đồng thuộc huyện Châu Đức, do ông Trần Thiện Minh (SN 1983) làm chủ.
Qua điều tra cho thấy, Minh trực tiếp mua dầu nhớt thải theo thùng, mỗi thùng 200 lít, giá dao động từ 600 ngàn đến 1 triệu đồng/thùng tùy thời điểm, chỉ đạo các nhân công đổ vào các rãnh để lọc tạp chất và rác thải, tiếp theo bơm lên buồng đốt để cho nước bay hơi. Sau đó, trực tiếp pha chế với các phụ gia ở công đoạn cuối để ra thành phẩm bán ra với giá dao động từ 10.000 đồng/lít đến 16.000 đồng/lít. Đây là cơ sở sản xuất trái phép có công suất lớn, trung bình khoảng 200.000 lít/tháng. Cơ sở này không có giấy phép kinh doanh, giấy phép hành nghề, giấy phép về bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, không có hóa đơn chứng từ.
|
Nhớt thải được thu gom về khu tập kết |
Thủ phạm phá động cơ xe, huỷ hoại môi trường
Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, nguyên chủ nhiệm ngành Cơ khí động lực, bộ môn Ôtô-Máy kéo Trường Đại học Bách khoa TPHCM, dầu nhớt sau khi đã sử dụng hết công năng, phần thải ra rất nhiều tạp chất kim loại độc hại, vì quá trình vận hành, các bộ phận máy sinh ra nhiều các hạt nhỏ kim loại, muội carbon, chì, tạp chất bụi bẩn, việc tái chế dầu nhớt thải bằng phương pháp thủ công, không qua kiểm định thì không thể đủ điều kiện sử dụng lại cho động cơ xe các loại.
Thực tế, dầu nhớt thải được cấp phép tái chế dù bổ sung thêm phụ gia cũng không thể đảm bảo chất lượng sử dụng cho một số động cơ xe, chỉ có thể sử dụng vào việc khác như tra xích xe đạp hoặc bôi trơn những vật dụng trong nhà, hay tại các công trường xúc ủi vẫn cần nhớt thải để bôi trơn các máy móc …
“Theo nguyên lý, dầu nhớt khi bôi trơn, áp lực đè lên các mặt kim loại ma sát rất lớn, nếu dầu nhớt không đảm bảo tính bám dính, tạo thành màng bám dính chặt lên bề mặt bôi trơn thì khi chà sát gây vỡ màng dầu, kim loại trực tiếp ma sát vào nhau dễ mòn động cơ. Dùng phải dầu nhớt tái chế kém chất lượng là thủ phạm phá động cơ khiến xe chạy sẽ tốn xăng, lì máy, gia tốc kém; khi nổ máy, đề máy nặng và động cơ xe không nổ, tiếng máy không đều, có thể dẫn tới chết máy đột ngột rất nguy hiểm nếu xe lưu thông trên đường với tốc độ cao” – PGS.TS Nguyễn Lê Ninh cho biết.
|
Công nghệ nấu, tái chế dầu nhớt thải sơ sài tại cơ sở của ông Trần Thiện Minh (Bà Rịa – Vũng Tàu) |
Theo các chuyên gia, nhớt thải xếp vào nhóm “chất thải nguy hại”, để dầu nhớt thải tái chế đạt được tiêu chuẩn sử dụng cần có một hệ thống công nghệ hiện đại và nhớt thải phải trải qua các giai đoạn chưng cất, bổ sung thêm một vài chất phụ gia cần thiết.
Tuy nhiên, để đầu tư cho một hệ thống lọc nhớt đạt chuẩn thì chi phí lại quá cao, trong khi đó tại Việt Nam, lượng xe máy và ô tô lớn kéo theo lượng nhớt thải rất nhiều, việc tái chế nhớt khá phổ biến và cấp thiết. Do đó, cơ sở tái chế nhớt thủ công không đảm bảo, gây mất an toàn và ô nhiễm môi trường thường xuyên diễn ra.
Qua thực tế cho thấy, dầu nhớt thải ngoài việc đưa vào tái chế “lậu” còn bị thải bỏ trực tiếp ra môi trường… Việc xả thải trực tiếp ra môi trường làm tăng thành phần kim loại nặng có trong đất, gây ô nhiễm đất mặt, làm thay đổi hệ vi sinh vật ở lớp đất này. Đồng thời, làm cho nguồn nước bị nhiễm kim loại nặng, gây ô nhiễm không khí, các chất độc hại có thể xâm nhập qua đường hô hấp, da, hệ tiêu hóa khi vào cơ thể ảnh hưởng đến thần kinh, máu, gan…
Cách nhận biết dầu nhớt gốc và dầu nhớt thải tái chế
Trao đổi với báo chí, đại diện một hãng dầu nhớt trên thị trường từng cho biết, sự khác biệt giữa dầu nhớt tái chế và dầu nhớt chất lượng của các sản phẩm chính hãng như Castrol, Honda, GS Oil, Shell, Total... là sản phẩm dầu nhớt của các tập đoàn dầu khí này được pha chế với công nghệ hiện đại, với thành phần gồm dầu gốc chất lượng được tinh lọc từ dầu thô (chiếm 80-99% trong dầu thành phẩm), pha chế với phụ gia (chiếm 1-20%), cùng với các tính năng khác như độ bôi trơn, chất chống đông...
Còn dầu nhớt tái chế được hiểu là dầu nhớt tái tạo từ dầu nhớt đã qua sử dụng thải ra, đã hoàn toàn hết tính năng của dầu bôi trơn. Loại dầu này không duy trì được lớp màng dầu giữa hai bề mặt tiếp xúc của chi tiết máy làm cho các chi tiết bị mài mòn nhanh. Do không đảm bảo tính năng bôi trơn nên khi sử dụng dầu tái chế, các thiết bị máy móc rất dễ xảy ra hỏng hóc bất thường. Dầu tái chế cũng không còn tính năng chống oxy hóa và chịu nhiệt kém, vì vậy sẽ rất nhanh hao hụt.
|
Cách nhận biết dầu nhớt thật và giả |
Đại diện công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Sinviet (TP HCM) thì cho rằng, dầu nhớt tái chế là loại dầu nhớt sử dụng nguồn nguyên liệu dầu gốc được tái chế lại từ các loại dầu nhớt đã qua sử dụng thông qua quá trình xử lý hóa học và vật lí để đạt chất lượng tương đương dầu gốc nhóm I - có giá trị thấp nhất.
Dầu nhớt tái chế có hai loại: Loại tái chế “lậu” sẽ không đạt đủ tiêu chuẩn sử dụng, làm hỏng động cơ, mau mài mòn thiết bị. Trường hợp được phép tái chế thì sử dụng dầu nhớt tái chế sau đó pha chế thành dầu động cơ dựa theo quy chuẩn dầu động cơ đốt trong của nhà nước quy định hoặc các tiêu chuẩn API, SAE… của thế giới thì sử dụng được cho một số động cơ máy.
“Theo thống kê mỗi năm có khoảng hơn 3000 tấn dầu nhớt thải thải ra môi trường, đây là con số báo động. Đã có Luật Môi trường quy định rõ ràng về chất thải nguy hại, doanh nghiệp xuất nhập khẩu (XNK) dầu nhớt, tái chế dầu nhớt cần thực hiện đúng quy định luật bảo vệ môi trường về thu hồi, xử lý sản phẩm dầu nhớt thải bỏ hiện nay, khắc phục tình trạng thu gom tái chế manh mún thủ công, gây tác động xấu tới môi trường. Đồng thời, có giải pháp quản lý kỹ thuật cũng như đẩy mạnh tuyên truyền, đưa những tiến bộ khoa học xử lý đầu nhớt thải không để rò rỉ ra môi trường…Xây dựng hệ thống chương trình cụ thể, thể hiện trách nhiệm của nhà sản xuất kinh doanh đối với môi trường, cộng đồng, tạo môi trường kinh doanh bền vững tại Việt Nam” – Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thâm nhập công trường khai thác vàng trái phép: