Quá trình phân hủy của cơ thể con người diễn ra như thế nào?
Để trả lời cho câu hỏi tại sao thi thể nằm trong khối bê tông kín lại không bị phân hủy mạnh? Trước hết, cần hiểu quá trình phân hủy cơ thể người. Theo The Guardian, cơ thể của con người sau khi chết là nền tảng của một hệ sinh thái vô cùng phức tạp.
Quá trình phân hủy của con người bắt đầu được diễn ra chỉ vài phút sau khi chết và tim ngừng đập, lúc này các tế bào trong cơ thể sẽ bị thiếu oxy và nồng độ axit trong cơ thể cũng đột ngột tăng lên, các chất độc hại được tích tụ trong cơ thể suốt một thời gian dài lúc này sẽ được giải phóng và gây ra các phản ứng hóa học.
|
(Ảnh minh họa: quora.com)
|
Lượng oxy ít ỏi sót lại trong cơ thể nhanh chóng cạn kiệt do trao đổi chất tế bào và hoạt động của các vi sinh vật hiếu khí có trong cơ quan hô hấp và dạ dày, tạo ra môi trường thuận lợi cho vi sinh vật kị khí sinh sôi nảy nở.
Chúng tiêu thụ cacbonhydrat, chất béo, protein của cơ thể và tạo ra hàng loạt hợp chất như axit propionic, axit lactic, khí mêtan, hydrô sunfit và amôniac.
Các enzyme còn lại trong cơ thể cũng như sản sinh ra từ các phản ứng hóa học trong cơ thể sẽ bắt đầu tiêu hóa màng tế bào, sau đó rò rỉ ra ngoài khi các tế bào phân hủy.
|
(Ảnh minh họa: quora.com)
|
Quá trình này thường bắt đầu ở những nơi tế bào chứa hàm lượng nước cao như gan hay trong não, sau đó thì tất cả các mô và cơ quan khác cũng sẽ phân hủy theo.
Các tế bào máu bị tổn thương tràn ra khỏi các mạch vỡ và được hỗ trợ bởi lực hấp dẫn, lắng đọng trong các mao mạch và tĩnh mạch nhỏ, làm đổi màu da.
Trong giai đoạn đầu của quá trình phân hủy, hệ sinh thái xác chết chứa các vi khuẩn sống trong và trên cơ thể con người. Hầu hết các cơ quan nội tạng đều không có vi khuẩn khi chúng ta còn sống.
Khi hệ thống miễn dịch ngừng hoạt động, vi khuẩn lan rộng khắp cơ thể một cách tự do.
Ruột là nơi chứa nhiều nhất, ở đó số lượng vi khuẩn lên tới hàng tỉ cá thể với hàng nghìn loài khác nhau. Vi khuẩn từ đây xâm nhập vào các mao mạch của hệ tiêu hóa và các hạch bạch huyết, lan đến gan và lá lách, vào tim và não.
Quá trình sinh sôi của vi sinh vật trong cơ thể được gọi là quá trình thối rữa, kéo theo sự bắt đầu của giai đoạn thứ hai trong quá trình phân hủy, đó là trương phình.
Giai đoạn tiếp theo là thối rữa chủ động, đây là giai đoạn mà khối lượng xác chết mất đi lớn nhất. Sự mất mát khối lượng xác chết là do hoạt động của giòi và các chất dịch phân hủy tràn ra môi trường xung quanh.
Các mô tiếp tục hóa lỏng và mùi hôi thối tiếp tục bốc ra.
Các chất lỏng tập trung xung quanh xác chết và tạo thành một khu vực gọi là "đảo phân hủy xác chết" (cadaver decomposition island - CDI).
Dần dần, khối vi sinh trong khu vực phân hủy xác chết lớn hơn, đời sống thực vật đa dạng hơn.
Cơ thể phân hủy làm thay đổi sinh thái của môi trường xung quanh. Đặc điểm này giúp các nhà khoa học hay điều tra viên tìm ra thi thể đã được chôn trong các ngôi mộ nông.
Tuy vậy thời điểm ước tính cái chết có thể cực kì khó khăn vì các giai đoạn phân hủy thường chồng chéo lên nhau, tốc độ cũng khác nhau, tùy thuộc vào nhiệt độ, môi trường.
Tại sao thi thể trong khối bê tông kín lại phân hủy chậm?
Cơ thể phân hủy ở giai đoạn đầu cần đến rất nhiều vi khuẩn để hỗ trợ trong quá trình phân hủy, trong đó có cái loại vị khuẩn hiếu khí và vi khuẩn kị khí.
Nếu như xác chết được bao bọc trong khối bê tông xi măng lớn thì lúc này cơ thể sẽ phân hủy chậm hơn bình thường rất nhiều vì những vi khuẩn hiếu khí sẽ trở nên gần như vô dụng bởi thiếu oxy.
|
Khối bê tông chứa thi thể người thứ nhất trong vụ phát hiện hai thi thể trong thùng trộn bê tông tại Bình Dương. (Ảnh tư liệu: Ngự Kỳ).
|
Bởi vậy chỉ có những loại vi khuẩn kị khí mới có thể hoạt động và việc cơ thể con người sau khi chết được chôn vùi trong khối bê tông cũng tạo ra một lớp vỏ ngăn cách xác chết với môi trường bên ngoài, các loài động thực vật kí sinh hỗ trợ cho quá trình phân hủy cũng không thể tiếp cận và phát triển.
Bởi vậy có thể nói những thi thể lúc này gần như đang trong quá trình ướp xác, nhưng chúng không thể bảo quản lâu được như những xác ướp Ai Cập mà chúng ta vẫn thường thấy.