Theo khuyến cáo của chuyên gia, tiêm vắc xin chính là "chìa khóa vàng" để kháng lại các biến thể này, giúp thế giới chống lại đại dịch tử thần.
Theo nhận định của giới khoa học, virus Sars-Cov-2 hiện không ngừng biến đổi, xuất hiện thêm nhiều biến chủng mới khiến diễn biến dịch bệnh trên toàn cầu ngày càng trở nên phức tạp, khó kiểm soát với số lượng ca nhiễm tăng cao.
Các chuyên gia thời gian qua đã nghiên cứu, phát hiện và dự đoán về các biến thể nguy hiểm có khả năng đe dọa thành quả chống dịch của thế giới, trong đó phải kể tới "quái vật" Delta và biến thể Delta Plus đang gây ra làn sóng lây lan trên diện rộng khắp các quốc gia, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Á.
Vậy biến chủng Delta và Delta Plus là gì, mức độ lây lan của chúng nguy hiểm tới mức nào khiến giới khoa học liên tục đưa ra cảnh báo "nóng"?
Nhận diện biến thể Delta và Delta Plus
Theo phân tích của giới chuyên môn,
biến thể Delta (còn được gọi là B.1.617.2) là biến thể nguy hiểm nhất trong bốn biến thể của virus SARS-CoV-2 (Corona).
Biến thể Delta lần đầu tiên xuất hiện tại Ấn Độ vào cuối năm 2020. Khi xét nghiệm mẫu quét phần mũi, tải lượng virus ở người mắc biến thể Delta cao gấp 1.000 lần so với những biến thể trước đó. Thêm nữa, biến thể Delta cũng mang theo năng lực tiêu diệt tế bào mạnh mẽ hơn hẳn do đột biến ở vị trí 681 của protein gai (P681R) phá hủy tế bào ở người. Điều này cho phép nó đột phá thành công hơn hàng rào phòng vệ miễn dịch ở người.
|
Các chuyên gia cảnh báo, biến thể Delta có thể gây viêm cơ tim, đông máu và làm tăng nguy cơ tử vong ở người trẻ.
|
Trong cuộc họp báo vào ngày 21/06/2021, Giám đốc Chương trình khẩn cấp y tế của WHO – Mike Ryan cảnh báo, biến thể Delta có khả năng “gây tử vong cao hơn khả năng lây truyền nhanh hơn giữa người với người và cuối cùng nó sẽ tìm tới những người dễ bị tổn thương, khiến họ phải nhập viện trong tình trạng biến chứng nặng và có khả năng tử vong”.
Lý giải tốc độ lây lan của biến chủng Delta diễn ra nhanh, ông Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết nguyên nhân chính nằm ở tỉ trọng của biến chủng Delta. Biến thể này là có tỉ trọng nhẹ hơn các biến chủng khác, do đó thời gian chúng lơ lửng, di chuyển trong không khí lâu hơn trước khi rơi xuống các bề mặt. Điều này làm bệnh dễ lây hơn với tốc độ nhanh, chu kỳ lây bệnh ngắn. Nhiều trường hợp, chỉ cần tiếp xúc gần, không trực tiếp, bệnh dịch vẫn có thể lây lan mạnh.
Trong bối cảnh biến thể Delta lan rộng trên phạm vi toàn cầu, các nhà khoa học phát hiện thêm một chủng virus SARS-CoV-2 liên quan đó là Delta Plus. Delta Plus (còn được gọi tên khác là B.1.617.2.1 hoặc AY.1) là một dạng đột biến của biến thể Delta hiện đang chiếm ưu thế, được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 12/2020. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, biến thể Delta Plus – được xem là “hậu duệ” của biến thể Delta, có khả năng lây lan nhanh và kháng các phương pháp điều trị COVID-19.
Phân tích trình tự gen ở các phòng thí nghiệm ở Ấn Độ, Hiệp hội Coronavirus Genomics Ấn Độ (INSACOG) báo cáo rằng chủng Delta Plus là “biến thể gây quan ngại” với 3 đặc điểm đáng quan tâm sau: tăng khả năng lây truyền, liên kết mạnh hơn với các thụ thể của tế bào phổi và giảm khả năng đáp ứng kháng thể đơn dòng trong liệu pháp điều trị COVID-19.
|
WHO cảnh báo, Delta Plus là biến thể có khả năng lây lan nhanh và kháng các phương pháp điều trị COVID-19. |
Theo các nhà khoa học, 2 biến thể Delta và Delta Plus giống nhau về mặt di truyền, tuy nhiên, biến thể Delta Plus (còn được gọi là AY.1) có một đột biến bổ sung ở protein gai tạo điều kiện cho virus SARS-CoV-2 và các loại virus khác tiếp cận với tế bào của con người. Đột biến này cũng được tìm thấy trong biến thể Beta ở Nam Phi, có khả năng làm giảm hiệu quả của một số phương pháp điều trị COVID-19 nhất định.
Ca nhiễm, tử vong vì chủng Delta, Delta Plus ở các nước
Trước sư lây lan nguy hiểm của chủng Delta và Delta Plus, các tổ chức y tế và giới khoa học đã thống kê, hiện biến thể Delta đã xuất hiện ở ít nhất 132 quốc gia và vùng lãnh thổ.Tính đến 10h ngày 15/8 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 207.524.104 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.367.074 ca tử vong. Theo các chuyên gia, đa số những ca mắc mới và những trường hợp tử vong là do biến thể Delta và Delta Plus gây ra. Hai biến thể này đang gây bệnh cho hầu hết những người chưa tiêm chủng.
Riêng tại châu Á, một loạt quốc gia chứng kiến số người nhiễm COVID-19 tăng nhanh năm nay. Trung Quốc cũng đang trải đợt bùng phát mới ở một số tỉnh. Nhật Bản có số ca nhiễm COVID-19 tăng chóng mặt. Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật (NIID) ước tính gần 90% ca bệnh được ghi nhận gần đây tại Tokyo và 3 tỉnh lân cận Kanagawa, Saitama và Chiba là do Delta.
Malaysia, Bangladesh, Pakistan, Việt Nam và Thái Lan cũng trong xu hướng tương tự. Theo kết quả khảo sát của Cục Khoa học y tế Thái Lan công bố ngày 10/8, biến thể Delta có sức tấn công dữ dội nhất, với hơn 90% bệnh nhân COVID-19 bị nhiễm.
Trong khi đó, theo thống kê tới thời điểm đầu tháng 8/2021, biến thể Delta Plus hiện lan ra gần 30 quốc gia, bao gồm: Mỹ, Vương quốc Anh, Bồ Đào Nha, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) theo dõi Delta Plus và phát hiện có 430 ca mắc Delta Plus được phát hiện trên toàn cầu. Trong đó, Ấn Độ ghi nhận không quá 70 trường hợp nhiễm Delta Plus.
|
Cả thế giới đang gồng mình chống lại đại dịch tử thần với sự xuất hiện của các biến chủng vô cùng nguy hiểm như Delta, Delta Plus. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, vào tháng 6/2021, các quan chức y tế ở Ấn Độ phân loại Delta Plus là một "biến thể đáng lo ngại" vì nó có khả năng gắn kết tốt hơn với các tế bào phổi và kháng lại các phương pháp điều trị COVID-19.
Trước câu hỏi biến thể Delta Plus có nguy hiểm hơn biến thể Delta đang gây lo ngại gần đây, các nhà khoa học cho biết, để trụ vững và trở thành chủng virus thống trị, một biến thể cần phải lây nhiễm cho rất nhiều người và chứng tỏ khả năng lây truyền cao hơn, vì vậy cần phải nghiên cứu thêm.
Cụ thể, nhà virus học Ấn Độ, Tiến sĩ Gagandeep Kang nhận định: “Bạn cần nghiên cứu vài trăm bệnh nhân mắc biến thể Delta Plus và tìm hiểu xem liệu họ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với biến thể Delta ban đầu của nó hay không''.
Vắc xin - "chìa khóa" để dập tắt dịch bệnh
Hiện tại, các nhà khoa học không biết vắc xin có hiệu quả chống lại Delta và Delta Plus như thế nào. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp khi xuất hiện một số biến thể, Giám đốc Viện Nghiên cứu Dị ứng và Các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ - ông Anthony Fauci cảnh báo virus sẽ tiếp tục đột biến một khi virus SARS-CoV-2 vẫn tồn tại và còn bộ phận dân số chưa được tiêm chủng.
Theo ông Anthony Fauci, những người chưa tiêm chủng đang tạo điều kiện làm xuất hiện thêm các biến thể mới. Ông cũng cảnh báo những người chưa tiêm vắc xin sẽ khiến cho virus lây lan và tiếp tục đột biến, có nguy cơ dẫn đến sự xuất hiện của một biến thể mới gây hại đến cả những người đã được tiêm vắc xin.
Chính vì vậy, chuyên gia Anthony Fauci hối thúc mọi người cần tiêm vắc xin sớm nhất có thể để bảo vệ bản thân trước biến thể Delta và Delta Plus cũng như các chủng virus SARS-CoV-2 khác. Những người chưa tiêm vắc xin nên suy nghĩ cho sức khỏe của bản thân, gia đình và trách nhiệm cộng đồng nhằm ngăn chặn virus này trước khi nó trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, tiêm vắc xin được xem giải pháp hàng đầu trong cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19. Ông Fauci nhấn mạnh “tỉ lệ dân số áp đảo” được tiêm chủng sẽ giúp “dập tắt dịch bệnh”.
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Gregory Poland, một chuyên gia về vắc xin tại Mỹ nhận định, con người chỉ có thể chiến thắng đại dịch COVID-19 khi có được siêu vắc xin ngăn chặn được lây nhiễm. Vì vậy, một số chuyên gia cho rằng, các nước hãy tập trung nghiên cứu và tạo ra siêu vắc xin hoặc kết hợp giữa vắc xin tiêm bắp tay và vắc xin dạng xịt mũi để ngăn chặn sự lây lan của các chủng virus SARS-CoV-2.
Mời độc giả xem video: Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới. Nguồn: THDT.