Đôi cá tra bạch tạng 13 tuổi nổi tiếng ở Cần Thơ
Người dân sống quanh chùa Pôthi Somrôn (phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) hầu như đều biết đến đôi cá tra bạch tạng độc đáo này.
Đó là đôi cá tra đã 13 tuổi, có chiều dài hơn 80 cm, và cân nặng mỗi con gần chục ký. Nơi sống của chúng lâu nay là trong 1 hồ nhỏ nằm ngay giữa khuôn viên của chùa, xung quanh là những cây cổ thụ, che bóng mát quanh năm.
Theo các sư thầy trong ngôi chùa này, hơn chục năm trước, 1 Phật tử đem nhiều con cá tra bạch tạng đến chùa để phóng sinh. Theo thời gian, nhiều con đã mất, hiện chỉ còn 2 con còn sống. Cứ mỗi buổi sáng, dưới ánh nắng lấp lánh, đôi cá tra này lại ngoi lên khỏi mặt nước tìm mồi.
|
Con cá tra bạch tạng khác được nông dân bắt được ở Vĩnh Long. |
Toàn thân của chúng ánh lên một màu trắng hồng khá đẹp mắt. Không giống như những con cá tra được nuôi công nghiệp rất háu ăn, đôi cá tra này khi ăn mồi đều rất từ tốn, chậm rãi. Nhiều người dân nói vui với nhau rằng: “Cá được nuôi ở chùa phải khác chứ! Chắc nó ở lâu nên cũng hiểu tính các thầy thường cho nó ăn nên từ tốn, không háu đói”.
Trong hồ nước nhỏ này, ngoài đôi cá tra bạch tạng còn có rất nhiều loại cá khác như cá tai tượng, cá trê, cua… Điều đặc biệt đây đều là những con cá có trọng lượng "khủng". Nhất là cá tai tượng, mỗi con gần 20 kg là chuyện bình thường.
1 sư thầy kể: “Tôi tu hành ở đây đã được 4 năm, đàn cá trong chùa thì đã có từ lâu. Trụ trì và các sư trong chùa chăm đàn cá này rất kỹ. Ngoài cho ăn đầy đủ, chúng tôi còn thả thêm lục bình cho cá sinh trưởng tốt. Mỗi năm các sư đều tát ao, thay nước để đảm bảo môi trường cho cá sinh sôi. Mỗi bữa các sư trong chùa ăn gì là cho cá ăn như thế. Chúng rất dạn dĩ và không sợ người”.
Hơn 2 năm trước, trong lúc tháo nước trong hồ ra sông để thay nước, 1 con cá tai tượng khổng lồ đã xổng theo đường nước. Rất may được sư trong chùa và 1 người khác phát hiện.
“Phải rất vất vả chúng tôi mới đưa nó trở lại trong hồ. Tôi và 1 sư khác phải cùng nhau khiêng nó mới nổi. Còn đôi cá tra thì hiền hơn, chúng thường ở tầng nước dưới, chỉ khi ăn mới nổi lên”, vị sư kể.
Chùa Pôthi Somrôn đến nay đã có gần 300 năm lịch sử và đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố. Chùa đã trải qua 13 đời trụ trì và không ngừng phát triển. Chùa có kiến trúc đậm nét của người Khmer, cổ kính và trầm mặc. Đôi cá tra bạch tạng 13 tuổi được sống tốt ở đây càng tạo nên nét huyền bí khi du khách ghé thăm.
Người dân sống quanh chùa thường đưa con cháu tới sân chùa để chơi, hóng mát. Địa điểm ưa thích của người dân là tập trung quanh chiếc hồ cá này để ngắm đôi cá bạch tạng và những con cá khổng lồ khác. Tuy nhiên, khi được hỏi tại sao lại có những con cá tra bạch tạng như thế này thì không ai trả lời được.
“Tôi sống ở đây mấy chục năm rồi, đôi cá tra trong chùa này phải hơn 10 tuổi. Nhưng tôi cũng không biết làm sao mà chúng trắng hồng được như thế. Thiên nhiên quả là có nhiều điều kỳ diệu”, 1 ông cụ nhà ở cạnh chùa Pôthi Sorôm nói.
Ông cụ này cũng cho biết, việc các sư thầy trong chùa chăm sóc, nuôi dưỡng những con cá tra bạch tạng, cá trê, cá tai tượng... là điều rất tốt. Tuy nhiên, nhiều “bợm nhậu” ở trong vùng thỉnh thoảng vẫn lẻn vào chùa lúc tối trời để tìm bắt những con cá, rùa đem về làm mồi nhậu. Việc này rất đáng lên án.
Vì sao cá tra bị bạch tạng?
Ngoài đôi cá tra bạch tạng 13 tuổi ở chùa Pôthi Somrôn, người dân miền Tây thỉnh thoảng lại bắt được những con cá tra bạch tạng cỡ nhỏ hơn ở ngoài môi trường tự nhiên.
Như hồi tháng 4.2017, 1 người dân ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) đã bắt được 1 con cá tra bạch tạng nặng khoảng nửa ký ở trên sông Cổ Chiên. Đây được xem như trường hợp rất hiếm gặp trong cuộc đời sống bằng nghề giăng lưới trên sông đối với ngư dân này.
Vậy, vì sao cá tra lại bị bạch tạng? Theo các chuyên gia về thủy sản nước ngọt, cá tra bạch tạng rất hiếm nên nhiều người dân xem đó như là lộc trời ban và bán với giá khá đắt.
Khi phát hiện cá tra bạch tạng, người dân sẽ nuôi rất kỹ lưỡng chứ không ăn thịt. Về mặt khoa học, cá tra bị bạch tạng do không có sắc tố da, mạch máu lộ ra ngoài và da khá mỏng.
Tuy nhiên, ông Lý Công Tâm, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Hòa Phú (huyện Phú Tân, An Giang), người có kinh nghiệm nuôi cá tra hơn 20 năm, cho rằng cá tra bị bạch tạng do 2 nguyên nhâ: thứ nhất là do giống, thứ hai là do hiện tượng trùng huyết mà gây nên.
“Cách đây gần chục năm, trong 1 ao cá tra nuôi, có thể có vài con cá tra bị bạch tạng là chuyện bình thường. Tức là trong khi thả cá giống, những con cá này đã bị bạch tạng trong quá trình nhân giống. Nhưng hiện nay, khoa học phát triển người ta đã lai tạo những con giống tốt hơn nên tôi không gặp hiện tượng này nữa”, ông Tâm nói.
Ông Tâm cho biết, đối với những con cá tra bạch tạng thì người dân sẽ hơi sợ khi gặp phải. Do đó thường họ sẽ thả lại về thiên nhiên chứ không ai dám ăn, có đem bán ngoài chợ cũng không ai dám mua. Bản thân ông từng ăn thịt cá tra bạch tạng và cũng thấy bình thường như những con cá khác.
“Tôi dám ăn vì tôi biết cá tra bạch tạng chỉ là do gen của chúng bị biến đổi chứ không vì nguyên nhân nào khác. Nhiều người sợ lắm, họ không dám động đũa đâu”, ông Tâm nói.
Ngoài cá tra bạch tạng, người dân miền Tây còn bắt được những sản vật sông nước độc đáo như cá rô, lươn có màu vàng rất đẹp mắt. Đó là trường hợp của anh Nguyễn Khoa Nam (28 tuổi ở Tam Bình, Vĩnh Long). Vào tháng 4.2017, trong một lần tát mương bắt cá, anh Nam bắt được 1 con cá rô có màu vàng óng toàn thân rất đẹp mắt. Con cá rô này có trọng lượng khoảng 250 gram. Sau khi anh chụp ảnh và đăng lên mạng xã hội, rất nhiều người hiếu kỳ tìm tới xem.
Trước đó, tháng 11.2016, trong lúc xới đất ruộng, ông Nguyễn Văn Chi (49 tuổi, Long Hồ, Vĩnh Long) phát hiện 1 con lươn có màu vàng như nghệ, nặng 800 gram và chiều dài gần cả mét. Con lươn này đã có người trả giá đến 50 triệu đồng nhưng chủ nhân không bán mà để dành nuôi trong lồng kính làm cảnh.