Đã qua nhiều năm, đời sau cải thiện hơn đời trước, nhưng camera trên máy vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng. Điển hình là khi tổ chức DxOMark công bố điểm đánh giá Sony Xperia 1, nhiều người hâm mộ đã hụt hẫng ghê gớm khi máy chỉ đạt 94 điểm tổng.
Trong khi các đối thủ từ Samsung và Huawei đã thâu tóm các vị trí cao nhất, bỏ xa Xperia 1 với cách biệt khoảng 20 điểm trở lên. Việc này khiến nhiều người cảm thấy vô cùng khó hiểu, nhưng cuối cùng chúng ta đã có câu trả lời. Đầu tháng 9, đại diện Sony đã có buổi trao đổi với giới báo chí, truyền thông nhân sự kiện ra mắt Xperia 5 ở Đài Loan. Tại đây, lần đầu Sony lí giải cho công chúng quan điểm của hãng về thang đánh giá DxOMark.
|
Camera trên điện thoại Xperia luôn khiến người ta khó hiểu.
|
Theo người này, họ có biết về bài đánh giá chất lượng camera Xperia 1 của tổ chức DxOMark. Ghi nhận một số ưu điểm như khả năng lấy nét, tái tạo màu sắc,... nhưng đã bỏ qua một số tính năng độc đáo mà Sony đầu tư. Có thể kể ra Eye AF, Super Slow-motion 960fps, chụp liên tiếp AE/AF 10fps, quay 4K HDR 10-bit, Cinema Pro,... không nằm trong các hạng mục được đánh giá.
Do vậy, họ cho rằng camera xuất sắc của Xperia 1 đã không được đánh giá đầy đủ và chính xác, qua thang chấm điểm DxOMark. Trong khi đó, bản thân Sony cũng có những tiêu chuẩn đánh giá riêng, do vậy họ đã không tối ưu camera Xperia 1 theo hướng phục vụ lấy điểm từ đơn vị này. Mặc dù biết về kết quả của bên ngoài, nhưng công ty sẽ không chỉnh sửa camera điện thoại theo hướng đó để đảm bảo lộ trình phát triển sản phẩm độc lập.
Nhiều người đã hiểu sai về mô hình hoạt động của DxOMark. Họ không phải một đơn vị đánh giá sản phẩm công nghệ, như The Verge, Android Authority, GSMArena,... Thực tế, DxOMark có hoạt động chính là kiểm thử, đánh giá và tư vấn cho các công ty là khách hàng của họ. Bán bộ giải pháp gồm báo cáo đánh giá và đề xuất cải thiện mới là mô hình kinh doanh chính.
Đó là lí do vì sao một số sản phẩm có kết quả DxOMark ngay ở sự kiện ra mắt. Còn số khác thì rất lâu, thậm chí nhiều tháng sau khi đã bán ra thị trường, mới có kết quả. Bản thân Sony cho biết họ đã không gửi Xperia 1 đi đánh giá. Họ tin vào đội ngũ phát triển của mình, có quy trình kiểm tra nội bộ với các tiêu chuẩn, cách thức riêng. Qua đó kết hợp phần cứng và phần mềm trơn tru theo đúng ý đồ mong muốn. Chứ không cần đến kết quả đánh giá bên ngoài như DxOMark.
|
Sony cho rằng hệ quy chiếu của DxOMark không bao quát được chất lượng camera smartphone, cũng như không muốn điều chỉnh khác với kế hoạch phát triển sản phẩm của mình.
|
Thực tế quan điểm này lại vô tình trùng khớp với một cái tên khác trong làng smartphone. Phó chủ tịch Oppo từng đặt câu hỏi về tầm quan trọng của điểm số DxOMark. Ông cho rằng không nên áp đặt một khuôn khổ chung cho tất cả camera trên điện thoại, mặc dù các bài đánh giá và bảng xếp hạng vẫn cần thiết, nhưng không cần phải áp đặt vào nhiếp ảnh vốn đầy tính chủ quan.
Tuy nhiên, sau đó một nữ giám đốc của Xiaomi cũng lên tiếng phản bác. Bà cho rằng đánh giá của DxOMark là đáng tin và mang tính toàn diện nhất. Thực tế, Xiaomi chính là một trong những nhà sản xuất lấy kết quả từ DxOMark để quảng cáo về camera điện thoại. Còn ở phía đối lập, Oppo chưa bao giờ khoe về điểm số này, thậm chí trên cả bảng xếp hạng camera smartphone của DxOMark, họ cũng vắng bóng. Hay trường hợp mới đây nhất, cây viết Chris Smith của trang BGR đặt dấu hỏi về bài đánh giá camera Mate 30 Pro của đơn vị này.
Theo anh, thật khó hiểu khi iPhone 11 chưa công bố kết quả mà Mate 30 Pro đã nhận được điểm số 121, là điện thoại có điểm số cao nhất hiện nay. Các bài trên tay, đánh giá và so sánh camera iPhone 11 đã bắt đầu xuất hiện, trong khi Mate 30 Pro thậm chí còn không được bán ra ở Mỹ. Làm sao mà iPhone 11 lại có thể công bố điểm chậm hơn Mate 30 Pro đến thế?
Hoặc nhiều người từng thắc mắc trong quá khứ. Khi smartphone mới nhen nhóm cuộc đua camera kép năm 2016, DxOMark đã nhanh chóng bổ sung tiêu chuẩn zoom dựa trên việc iPhone 7 Plus có thêm ống tele. Nhưng họ hoàn toàn bỏ qua điện thoại Android cùng thời là LG G5 với ống góc siêu rộng, Huawei P9 có ống kính dùng cảm biến đen trắng. Điều này lặp lại với Google khi họ ra mắt chế độ chụp đêm Night Sight, DxOMark cũng bỏ qua nó. Phải mãi đến khi iPhone 11 Pro bổ sung tính năng chụp đêm và camera góc siêu rộng, họ mới đưa hai tiêu chí này vào bài đánh giá.
Không có gì đảm bảo khi quan điểm của Sony thay đổi, camera điện thoại Xperia sẽ ngang hàng với Samsung, Huawei. Trong quá khứ, Xperia Z5 từng đứng đầu bảng xếp hạng này và Sony cũng lấy đó để quảng cáo về chiếc smartphone của họ. Trước cả khi Xiaomi hay Huawei liên tục khoe khoang như hiện nay, Sony đã dựa vào DxOMark.
|
Một chiếc điện thoại có điểm DxOMark kém chưa hẳn là một sản phẩm có camera kém.
|
Quan điểm của Sony có thể bảo thủ, nhưng điểm số DxOMark chắc chắn chỉ là một kênh để tham khảo thông tin, không thể dùng để kết luận vội vàng. Những bài đánh giá chuyên sâu trong thực tế, hoặc tự mình trải nghiệm và so sánh, vẫn sẽ đem lại kết quả đáng tin hơn là những con số.
Nếu có điều gì khiến người hâm mộ Sony phải phiền lòng, thì không phải chuyện điện thoại Xperia đạt điểm DxOMark không như kỳ vọng. Mà là sau nhiều năm, chất lượng camera Xperia vẫn chưa tương xứng với những mong mỏi, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm trên phân khúc cao cấp, gây thất vọng cho nhiều người.
Điều oái oăm nằm ở chỗ, Sony đang sản xuất các thiết bị chuyên dụng như máy quay CineAlta VENICE dùng trong hai phần phim Avatar sắp tới, XDCAM FS7 là máy quay Super35 bán chạy nhất mọi thời đại, hay dòng máy ảnh Alpha luôn nhận được đánh giá cao trong phân khúc mirrorless. Trong khi 'camera Sony' đáng tự hào là thế, thì 'camera Xperia' lại chỉ gây thất vọng. Giữa thời đại smartphone thống trị, người ta biết đến và nhớ đến 'camera Xperia' nhiều hơn 'camera Sony'.