Một ngôi chùa ở miền Tây đang nuôi dưỡng 2 con cá tra bạch tạng. Mỗi con dài khoảng 80cm, nặng trên 8kg. Vào buổi trưa trời nắng, da cá chuyển sang màu hồng nhẹ, rất đẹp. Năm nay cặp cá tra bạch tạng đã bước sang tuổi thứ 13, cặp cá này được coi là "lộc", hàng năm nhà chùa đón rất nhiều người tới tham quan và ngắm cá.
Nhiều người dân ở miền Tây khi đến viếng chùa Pôthi Somrôn (282 năm tuổi, tại thuộc ấp Rạch, phường Châu Văn Liêm, Quân Ô Môn, TP. Cần Thơ) đều ngạc nhiên khi nhìn thấy 2 con cá tra màu trắng được nuôi tại một ao nhỏ trong khuôn viên chùa.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong ao có rất nhiều loài cá khác nhau nhưng ấn tượng nhất là hai con cá tra màu trắng. Cá tra độc, lạ này dài khoảng 80cm, nặng trên 8kg mỗi con. Vào buổi trưa trời nắng, da cá chuyển sang màu hồng nhẹ, rất đẹp.
|
Loài cá này là có thể nhịn đói đến nửa tháng nếu sống trong điều kiện môi trường nuôi nhốt. |
Một sư thầy tu tại chùa cho biết, hai con cá tra trên là do một phật tử mang đến phóng sinh cách nay khoảng hơn 13 năm. “Khi ấy phật tử đó mang đến khoảng 10 con cá tra có màu trắng đến thả. Thời gian qua, nhiều con đã chết, chỉ còn lại hai con”- sư thầy nói.
Vì chỉ còn 2 con, nên nhà chùa nuôi dưỡng rất kỹ. Các sư thầy thường xuyên bơm nước sạch thay, thả lục bình để lọc nước, tạo bóng mát. Thức ăn chính của cá là cám gạo trộn cháo. Mọi người đến chùa chỉ được ngắm chứ không được vớt cá lên hay cho ăn thức ăn lạ.
|
Hai con cá tra 13 năm tuổi được nuôi dưỡng cẩn thận. |
Ông Phan Văn Thành - Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản TP. Cần Thơ) cho biết: “Cá tra có da màu trắng là giống cá tra có gen lặn. Điểm đặc biệt ở loài cá này là có thể nhịn đói đến nửa tháng nếu sống trong điều kiện môi trường nuôi nhốt. Bởi cơ thể cá sẽ tự tiết ra lượng dinh dưỡng để tự nuôi sống.
|
Chùa Pôthi Somrôn - nơi nuôi hai con cá tra bạch tạng. |
“Kích thước cá phụ thuộc vào điều kiện cung cấp thức ăn, nếu lượng thức ăn ít, cơ thể cá sẽ phát triển rất chậm, săn chắc nên không thể nhìn kích thước cá mà đoán tuổi của chúng. Tuy nhiên cá tra có vòng đời rất dài, cá 13 tuổi, thậm chí cao hơn nhiều cũng có” – ông Thành nói.
ThS. Vương Học Vinh - Trưởng bộ môn Thủy sản (Khoa Nông nghiệp - Tài nguyên thiên nhiên, Trường ĐH An Giang) cho biết, nhiều người rất quý cá tra trắng, xem là “lộc” nên nuôi rất kỹ, giá bán ra rất cao. Về mặt khoa học, cá này được gọi loại cá tra bạch tạng, do không có sắc tố da, mạch máu lộ ra, da mỏng.