Đây là kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings của Viện Hàn lâm khoa học Mỹ ngày 26/6.
Nghiên cứu tập trung vào tập quán sinh hoạt của mẹ con loài cá heo mũi chai ở bang Florida (Mỹ) khi hoạt động một mình và khi hoạt động cùng nhau. Theo đó, các nhà nghiên cứu quan sát được rằng cá heo mẹ thường thay đổi âm thanh giao tiếp hoặc âm lượng của tiếng kêu liên lạc khi tương tác với cá heo con để thông báo về vị trí của mình.
Trong đó, nghiên cứu tập trung khám phá cách cá heo mẹ giao tiếp và liên lạc với cá heo con thông qua tiếng huýt sáo vốn là một tín hiệu giao tiếp độc đáo và quan trọng thường thấy ở loài cá heo nói chung.
Theo nhà nghiên cứu sinh học biển Laela Sayigh thuộc Viện Hải dương học Woods Hole ở bang Massachusetts và cũng là đồng tác giả của nghiên cứu nói trên, cá heo thường sử dụng tiếng huýt sáo để duy trì liên lạc với nhau khi cùng tham gia một hoạt động nào đó, chẳng hạn như chúng sẽ thi thoảng phát ra âm thanh kiểu này để xác định vị trí của nhau.
Theo đó, nghiên cứu chỉ ra rằng khi cá heo mẹ phát đi tín hiệu âm thanh này đến cá heo con để thông báo vị trí của mình, thì chúng sẽ thường phát đi với cao độ lớn hơn so với thông thường. Nhà nghiên cứu sinh học Peter Tyack thuộc Đại học St. Andrews ở Scotland cho biết: "Tất cả 19 cá thể cá heo mẹ tham gia nghiên cứu đều cho thấy kết quả như vậy".
Việc thu âm được những âm thanh như vậy không hề đơn giản chút nào. Trong hơn 3 thập kỷ qua, để thu được những tiếng huýt sáo, các nhà khoa học đã nhiều lần đặt các microphone đặc biệt trên cùng những chú cá heo mẹ ở Vịnh Sarasota (Florida). Quãng thời gian này bao gồm cả thời gian cá heo trưởng thành đã có và chưa có cá heo con. Một yếu tố giúp các nhà khoa học có thời gian nghiên cứu là cá heo con thường ở bên cá heo mẹ trong vòng trung bình 3 năm và đôi khi lâu hơn thế.
Hiện vẫn không thể lý giải được vì sao cá heo hoặc các sinh vật khác đều sử dụng cách giao tiếp nói trên giống như cách thức mà con người sử dụng. Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng điều này có thể giúp cá heo con cũng như trẻ nhỏ học được những cách phát âm mới lạ.
Nghiên cứu từ những năm 1980 cho thấy trẻ sơ sinh có thể chú ý nhiều hơn đến lời nói giao tiếp có phạm vi cao độ lớn hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu nói trên không xác định được liệu cá heo có sử dụng dạng thức giao tiếp "baby talk" đối với các hoạt động khác nhằm trao đổi thông tin hay không.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng không xác định được liệu giao tiếp "baby talk" có thể giúp cá heo con học được cách "nói chuyện" dường như giống cách thức mà con người thường làm hay không.