Dài và hẹp, Biển Đỏ nằm giữa đông bắc châu Phi và châu Á. Nó kéo dài khoảng 1.930 km từ Vịnh Suez ở phía bắc đến Vịnh Aden ở phía nam, cuối cùng kết nối với Ấn Độ Dương. Chiều rộng tối đa của Biển Đỏ là 305 km và độ sâu tối đa của nó là 3.040 mét, với diện tích khoảng 450.000 km 2.
Biển Đỏ có thực sự là màu đỏ như tên gọi?
Những hình ảnh vệ tinh chụp từ không gian cho thấy Biển Đỏ là một khoảng màu xanh lam chạy từ bắc đến nam dọc theo rìa đông bắc châu Phi.
Màu xanh đậm ở đây trái ngược với màu nâu xám của cảnh quan xung quanh. Màu nước hoàn toàn không phải đỏ như tên gọi của biển.
Vậy tại sao khu vực biển này có biệt danh nổi tiếng như vậy?
Karine Kleinhaus, phó giáo sư khoa học hàng hải và khí quyển tại Đại học Stony Brook ở New York, Mỹ cho biết: "Tôi không nghĩ có ai đưa ra được câu trả lời chắn chắc, có một số giả thuyết liên quan đến cái tên Biển Đỏ".
Theo đài quan sát Trái Đất của NASA, nguồn gốc cái tên Biển Đỏ liên quan đến một loại tảo Trichodesmium erythraeum".
T. erythraeum phát triển rất mạnh, xuất hiện ở hầu hết các đại dương nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới, nhất là khu vực Biển Đỏ. Ở đây, tảo nở hoa định kỳ, dân số tăng nhanh, khi tảo chết đi nước có màu nâu đỏ lan rộng trên mặt biển.
Tuy nhiên, Karine Kleinhaus chia sẻ rằng cái tên Biển Đỏ cũng có thể đặt theo những ngọn núi màu đỏ nằm gần đường bờ biển.
Biển Đỏ không chỉ nổi tiếng với cái tên khác biệt, gây tò mò, nơi này là một địa điểm thú vị về đa dạng sinh học với nhiều loài động vật đặc hữu chỉ có ở vùng biển này.
Biển Đỏ là nơi sinh sống của một trong những rạn san hô liên tục dài nhất thế giới. Nó kéo dài 4.000 km. Theo Kleinhaus, các đặc điểm độc đáo của rạn san hô giúp Biển Đỏ trở thành một trong những khu vực biển duy nhất trên thế giới ít bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Karine Kleinhaus cho biết: "Những san hô phát triển ở đó vào cuối kỷ băng hà cuối cùng là những loài có thể chịu được nhiệt độ và độ mặn rất cao. Do vậy, san hô ở đây đang sống tốt dưới nhiệt độ tăng, ước tính đây là một trong những rạn san hô cuối cùng còn tồn tại trong thế kỷ này".