1. Khỉ mang nội tạng người
Tháng 8-2019, một nguồn tin tiết lộ nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi giáo sư người Tây Ban Nha Juan Carloss Izpisúa Belmonte (hiện đang công tác tại Viện Salk - Mỹ) đã thực sự cho ra đời một sinh vật sơ sinh được lai tạo giữa người và khỉ. Hay nói đúng hơn, đó là một con khỉ mang nội tạng người.
Sinh vật này được tạo ra nhằm mục đích lấy nội tạng để cấy ghép cho con người. Các tế bào gốc người được "lập trình" lại bằng công nghệ chỉnh sửa gene để đảm bảo chúng chỉ có thể phát triển thành một số cơ quan nhất định. Vì vấn đề pháp lý, giáo sư Belmonte đã chọn Trung Quốc là nơi tiến hành thí nghiệm.
|
Khỉ, heo, cừu là những con vật được các nhà khoa học lựa chọn để thành sinh vật lai mang nội tạng con người - ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC |
Thông tin nhanh chóng bị phản úng dữ dội. Các nhà khoa học khác lo sợ khả năng các tế bào gốc "trốn thoát" vào não thai nhi động vật, hay chẳng may chọn phát triển thành tinh trùng. Khi đó, nguy cơ tạo ra những quái thai – một con vật có ý thức như người hay mội quái vật lai thực sự - sẽ là có thật.
2. Chuột mang tế bào não người
Cũng từ Viện Salk, một nhà khoa học khác tên Abed AlFattah Mansour đã đứng đầu nghiên cứu tạo nên những con chuột mang bộ não nửa chuột nửa người. Thí nghiệm này nhằm tạo ra những bộ não chỉ dùng để thí nghiệm, phục vụ cho việc nghiên cứu những căn bệnh, tổn thương liên quan tới não. Theo kiểm tra, dù mang tế bào não người, các con chuột không hề thông minh hơn hay chứng tỏ ý thức đặc biệt.
|
Những con chuột mang tế bào não người được tạo ra để nghiên cứu bệnh học - ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC |
3. Đứa con lai yểu mệnh người – cừu
Trong một hội nghị khoa học năm 2018, hai nhà nghiên cứu Hiro Nakauchi (Đại học Stanford) và Pablo Ross (Đại học California) đã kể lại câu chuyện về đứa con lai người – cừu đầu tiên, chỉ sống được 28 ngày dưới dạng phôi mà họ đã tạo ra trong phòng thí nghiệm.
Tế bào gốc từ người trưởng thành được đưa vào phôi cừu sau giai đoạn đầu thụ tinh, sau đó phôi được cấy lại vào cừu cái. Họ vẫn đang nỗ lực để kéo dài sự sống của phôi, để rồi cuối cùng một sinh vật là cừu nhưng mang nội tạng người sẽ ra đời. Mục đích tạo ra sinh vật này cũng là để lấy nội tạng.
4.. Heo lai người
Cũng với mục đích tạo ra nội tạng cấy ghép cho con người, trước khi nghiên cứu khỉ lai người, cũng nhà khoa học Juan Carloss Izpisúa Belmonte từ viện Salk đã tạo ra phôi heo mang tế bào người vào năm 2017. Tuy nhiên phôi này chỉ sống được 28 ngày.
Một thời gian sau, một phòng thí nghiệm ở Bắc Kinh (Trung Quốc) tuyên bố đã chuyển hướng công trình bằng cách bắt đầu từ nấc thang thấp hơn: lai heo với tinh tinh, trước khi nghĩ đến bước lai tại với con người.
5. Sự hòa trộn DNA với… bọ gấu nước
Điều này thì chỉ mới là ý tưởng, nhưng là một ý tưởng nghiêm túc mà nhà di truyền học Chris Mason từ Đại học Weill Cornell (Mỹ) là người đề xuất. Bọ gấu nước là tên Việt hóa của Tardigrade, loài sinh vật "bất tử" nổi tiếng, có thể sống ở mọi điều kiện khắc nghiệt nhất của trái đất, thậm chí sống tốt ở… mặt trăng khi tàu vũ trụ của Israel vô tình làm rơi rớt chúng ở đó.
Theo tiến sĩ Mason, sự hòa trộn DNA giữa con người và sinh vật bất tử này sẽ giúp con người có khả năng chống lại những điều kiện cực đoan của vũ trụ, từ đó thực hiện những nhiệm vụ thám hiểm ngoài hành tinh một cách dễ dàng hơn.
Một con người lai, tưởng chừng như câu chuyện khoa học viễn tưởng, điên rồ và đầy tham vọng. Nhưng vài sinh vật thực sự đã hòa chung dòng máu với loài người.