Ý nghĩa tấm biển “hồi tị”, “tĩnh túc” trong đền thờ những vị quan

Google News

Vào đền thờ những vị quan thời xưa, bên cạnh bộ bát bửu, ta còn thường thấy hai tấm biển chữ Hán đề các chữ “hồi tị” và “tĩnh túc”.

Y nghia tam bien “hoi ti”, “tinh tuc” trong den tho nhung vi quan

Xem phim ảnh về thời phong kiến, cảnh các vị quan đi công vụ, cũng thường thấy đoàn tùy tùng rước hai tấm biển này trước kiệu hay ngựa quan. Vậy hai biển này có ý nghĩa gì?

Chúng ta đã nghe về luật "hồi tị", có nghĩa là lánh đi, được áp dụng trong các triều đại phong kiến Trung Quốc và Việt Nam (sử sách ghi lại thì ở nước ta, luật này có từ thời Lê sơ), trong đó các vị quan sẽ không được bổ nhiệm về trị nhậm tại quê cha, quê mẹ, quê vợ; hoặc cấm cha con thầy trò, anh em, họ hàng cùng làm quan một nơi… để tránh hiện tượng câu kết, lợi dụng chức quyền, nâng đỡ người thân.

Còn tấm biển "hồi tị" trong nghi trượng các quan chỉ có ý nghĩa là "tránh đi". Quy định về nghi trượng cho các quan có lẽ đã có từ thời Lê hoặc trước nữa, nhưng sử sách để lại hiện không rõ. Chúng ta chỉ có thể thấy ghi chép về việc này trong sử sách triều Nguyễn, như trong bộ "Đại Nam thực lục", chép sự kiện năm Minh Mạng thứ 17 (1836), như sau:

"Bắt đầu định trình thức nghi trượng cho Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chính, Án sát (là những vị trí quan đứng đầu các tỉnh, trong đó tỉnh nhỏ, đứng đầu là Tuần phủ, tỉnh lớn, đứng đầu là Tổng đốc; có những tỉnh lớn, có thể có cả Tổng đốc và Tuần phủ).

Theo đó, Tổng đốc được dùng 2 chiếc tán làm bằng vải trừu màu đỏ, 2 tán trừu màu lục, 2 quạt vẽ bằng lĩnh tía, 1 đôi cờ bằng trừu lam, vẽ con phi hổ tô màu, 3 đôi cờ các màu, 5 đội gậy đốc sắt, 5 đôi nghi đao, 2 biển "hồi tỵ" (nghĩa là "tránh đường quan trẩy") và 2 biển "tĩnh túc" (nghĩa là "nghiêm kính, im lặng"), 1 kiệu, 4 lọng xanh.

Còn với quan Tuần phủ, nghi trượng được 1 tán trừu đỏ, 1 tán trừu màu lục, 2 quạt xanh, 1 đội cờ đỏ, 1 đội cờ màu lục, 3 đội gậy đốc sắt, 4 đôi nghi đao. Riêng về biển thì cũng kém so với tổng đốc, chỉ được 1 biển "hồi tỵ", 1 biển "tĩnh túc", 1 kiệu, 2 lọng xanh.

Quan Đề đốc (phụ trách việc quân sự trong toàn tỉnh), nghi trượng được 1 tán trừu đỏ, 1 tán trừu màu lục, 2 quạt xanh, 4 đôi dao "nhạn linh" (hình cánh nhạn), 1 đôi cờ phi hổ, 1 đôi cờ đỏ, 1 đôi cờ màu lục, 3 đôi gậy đốc sắt, 1 ngựa cưỡi, 1 đôi lọng xanh.

Quan Bố chính sứ (phụ trách việc tài chính, hành chính, thuế khóa trong tỉnh), khi đi ra được phép dùng 2 tán lụa màu lục, 1 đôi cờ đỏ, 1 đôi cờ màu lục, 2 đôi côn quang dầu đỏ, 2 đôi dao đeo, 1 kiệu, 2 lọng xanh.

Quan Án sát sứ (phụ trách việc tư pháp trong tỉnh) được phép dùng 1 tán lụa màu lục, 1 đôi cờ đỏ, 1 đôi cờ màu lục, 2 đôi côn quang dầu đỏ, 2 đôi dao đeo, 1 kiệu, 2 lọng xanh.

Khi các vị quan này có Khâm mạng (được lệnh vua) đi tế thần và đi việc công hay xem xét trong hạt, đều chiếu theo số nghi trượng trên mà dàn bày trong khi đi. Súng gươm thì tuỳ theo đường sá xa gần và số lính kỵ, người hầu mà đem theo. Tuy nhiên, số ngựa không được nhiều đến ngoài 20 - 30 con và không được dùng voi trận để "phô diễn" mà không liên quan đến việc đánh dẹp.

Còn khi các vị quan này đi lại với các việc thông thường, thì chỉ dùng võng, lọng xanh, trường thương và lính đi theo. Tổng đốc được dùng 60 cây trường thương, Tuần phủ, Đề đốc được 40 cây, Bố chính, Án sát đều 20 cây.

Quy định về vũ khí, triều Nguyễn cho phép các nha môn bày trường thương và súng điểu sang (hay điểu thương, hoặc súng hỏa mai), ở trước nha môn, để khi cần đi thì đem theo.

Về nghi thức khi các quan gặp nhau, quy định của triều Nguyễn cũng chỉ rõ rằng quan cấp thấp hơn phải giữ lễ với quan cấp cao: "Dọc đường, Tổng đốc, Tuần phủ gặp nhau thì Tuần phủ xuống kiệu trước, đứng về một bên, Tổng đốc cũng xuống kiệu, Tuần phủ vái Tổng đốc 1 vái; Tổng đốc cũng vái lại, rồi lên kiệu, đi trước, bấy giờ Tuần phủ mới lên kiệu đi".

Nếu Tuần phủ và Đề đốc gặp nhau thì cả hai đều xuống kiệu và xuống ngựa, cùng nhau vái; Tuần phủ lên kiệu đi trước, rồi Đề đốc mới lên ngựa đi. Bố chính sứ gặp Tổng đốc thì xuống kiệu, đứng về một bên, vái Tổng đốc 1 vái; Tổng đốc vẫn ở trên kiệu, chắp tay giơ cao, rồi đi trước, bấy giờ Bố chính sứ mới lên kiệu đi.

Bố chính gặp Tuần phủ, nghi lễ cũng như trên; nếu gặp Đề đốc, Bố chính sứ cũng xuống ngựa trước, đứng về một bên, Đề đốc xuống ngựa, cùng vái nhau; Đề đốc lên ngựa đi trước, Bố chính sứ cũng lên kiệu đi. Án sát sứ gặp Tổng đốc, Tuần phủ và Đề đốc, nghi lễ cũng như Bố chính sứ. Còn Bố chính và Án sát gặp nhau thì đều phải xuống kiệu, cùng tiếp nhau; Bố chính sứ lên kiệu đi trước, Án sát mới lên kiệu đi.

Nếu các quan hạt khác gặp nhau, thì tuỳ theo phẩm hàm cao thấp, nghi lễ cũng giống ở tỉnh mình; nếu phẩm hàm ngang nhau, thì đều xuống kiệu, xuống ngựa, cùng vái nhau, rồi cùng lên kiệu hoặc ngựa mà đi.

Ngoài ra, "lỗ bộ" (các đồ nghi trượng) ở các ngôi đình, đền thờ thần cũng thường có hai tấm biển "Hồi tị" và "Tĩnh túc", để nhắc nhở người dân phải giữ yên lặng, cung kính khi vào nơi thần ngự.

Theo GD&TĐ

>> xem thêm

Bình luận(0)