Tân Hiến Anh là con gái của Thị trung Tân Tì nhà Tào Ngụy, là người phụ nữ rất thông minh, giỏi nhìn người và đoán việc, được gả cho Thái thường Dương Đam.
Năm 214, Hán Hiến Đế phải phong cho Tào Tháo làm Ngụy Công. Năm 217, con Tào Tháo là Tào Phi được lập làm Thế tử nên rất vui mừng, chạy đến ôm cổ Tân Tì nói rằng: “Tân quân, ông biết ta vui mừng đến mức độ nào không?” .
Tần Tì đem chuyện này kể cho con gái Tân Hiến Anh, bà liền đáp rằng: “Thế tử là người thay quân vương làm chủ tông miếu xã tắc. Thay thế nhà vua không thể không lo, làm chủ đất nước không thể không sợ, nên lo mà vui, sao được lâu dài! Nhà Ngụy sẽ không thịnh chăng?”
Năm 220 Tào Tháo mất, Hán Hiến Đế biết mình không thể giữ ngôi Vua được nữa nên xuống chiếu nhường ngôi cho Tào Phi.
Tào Phi xưng Đế, kiến lập Tào Ngụy, đóng đô ở Lạc Dương, lịch sử gọi là Ngụỵ Văn Đế. Tuy nhiên nhà Tào Ngụy chỉ kéo dài 45 năm, qua 5 đời vua. Tân Hiến Anh chỉ xem câu nói lúc cao hứng và con người của Tào Phi mà đoán ra vận mệnh nhà Tào Ngụy.
Đoán ra Tư Mã Ý chỉ muốn giết Tào Sảng
Năm 249, Thái phó Tư Mã Ý muốn giết Đại tướng quân Tào Sảng, nhân lúc Tào Sảng đưa Ngụy Đế Tào Phương ra ngoài liền cho quân đóng chặt cửa thành, phát động binh biến. Tư Mã Lỗ Chi chống lại lệnh cấm, dẫn binh phá cửa thành, rồi tìm đến báo tin cho Tào Sảng, đồng thời hẹn với Tham quân là Tân Sưởng cùng nhau tiến quân.
Tân Sưởng là em trai của Tân Hiến Anh, thấy Kinh thành có biến động lớn không biết phải làm thế nào liền hỏi chị xem nên thế nào? Tân Hiến Anh nói rằng: “Ta đoán chừng Thái phó không làm không được. Minh Hoàng Đế sắp băng, nắm tay Thái phó, phó thác hậu sự, lời ấy các quan trong triều còn nhớ. Tào Sảng cùng Thái phó đều thụ cố mệnh, nhưng Tào Sảng lại một mình chuyên quyền, đối với vương thất là bất trung, đối với nhân luân đạo lý là bất trực, hành động của Thái phó chẳng qua là muốn giết Sảng đấy!”
Sưởng lại hỏi: “Việc này có thành công hay không?” Tân Hiến Anh đáp: “Sao lại không thành công! Tài năng của Sảng không phải là đối thủ của Thái phó đâu”. Sưởng hỏi: “Vậy Sưởng không nên đi à?” Tân Hiến Anh đáp: “Sao có thể không đi! Giữ vững chức trách là đại nghĩa làm người. Biết người có nạn, thì phải cảm thấy thương xót. Vả lại đã nhận làm việc cho người mà lại bỏ bê trách nhiệm, không may mắn chút nào. Hơn nữa phụng sự người, vì người mà chết, phải là kẻ thân cận kia, mày chỉ là kẻ đi theo số đông mà thôi”.
Tân Sưởng nghe lời chị, đưa quân tìm đến Tào Sảng. Sau đó diễn biến quả nhiên đúng như Tân Hiến Anh nói, Tư Mã Ý chỉ muốn giết Tào Sảng. Sau vụ chính biến kết thúc, Tân Sưởng thốt lên rằng: “Nếu như ta không bàn luận cùng chị gái, có lẽ ta đã làm phải một việc bất nghĩa”.
Đoán trước Chung Hội sẽ làm phản
Năm 262, Chung Hội được cử làm Trấn Tây Tướng quân, chỉ huy quân Ngụy tiến đánh Thục, khi sắp xuất quân liền lấy con trai của Tân Hiến Anh là Dương Tú làm Tham quân, điều này khiến Tân Hiến Anh lo lắng.
Lúc bấy giờ Chung Hội được đánh giá là tướng tài bậc nhất nước Ngụy, nhưng Tân Hiến Anh nhận xét rằng: “Chung Hội hành xử phóng túng, hành sự ương ngạnh, không phải là thái độ của kẻ muốn làm bề tôi lâu dài, ta sợ hắn có chí khác”. Vì thế lần này con trai phải theo Chung Hội khiến Tân Hiến Anh lo lắng.
Dương Tú thấy mẹ lo lắng thì xin thoái thác không nhận chức Tham quân, nhưng không được.
Trước khi Dương Tú xuất trận, Tân Hiến Anh dặn con trai rằng: “Lần này xuất hành! Con phải nhớ lấy: Thời xưa, quân tử ở nhà phải tận hiếu với song thân, ra ngoài tận trung với nước, làm tròn trách nhiệm bề tôi. Khi nhậm chức, hãy nghĩ về bổn phận của bản thân; đối mặt với nghĩa lý, phải nghĩ về lập trường của chính mình, thì mới có thể khiến cho phụ mẫu an lòng. Ở trong quân lữ xảy ra chuyện gì, chỉ có thể bằng nhân nghĩa và dung thứ mới có thể giúp con vượt qua”.
Năm 263, Chung Hội và Đặng Ngải chia quân tấn công chiếm được nước Thục. Chung Hội ỷ công cao diệt được nước Thục, lại vốn tự cao về tài năng của mình nên có ý làm phản. Dương Tú nghe lời mẹ dặn nên ra sức khuyên can Chung Hội nhưng không được, liền rút lui mà không theo Chung Hội làm phản, nhờ đó mà an toàn trở về và được phong chức quan Nội Hầu.
Năm 269, Tân Hiến Anh mất, hưởng thọ 79 tuổi. Con trai Dương Cấn của bà làm đến Thượng thư Hữu Bộc Xạ, tương đương Hữu Thừa Tướng; con gái bà sau này trở thành bà ngoại của Tấn Nguyên Đế.
Tân Hiến Anh được xem là người phụ nữ thông thái thời Tam quốc, là bậc “liệt nữ”. Câu chuyện về bà được ghi chép trong “Tấn thư” quyển 96 phần “Liệt nữ truyện: Tân Hiến Anh”.