"Hiền tài là nguyên khí quốc gia", câu nói của Thân Nhân Trung không chỉ dừng lại trong phạm vi xã hội thời Lê mà nó mang một ý nghĩa phổ quát đối với Tổ quốc qua mọi thời kỳ lịch sử.
Dựng bia đá để lưu truyền mãi mãi
Thân Nhân Trung nhận định rằng: "Phàm những điều trước đã làm thì noi theo mà giữ lấy. Việc mà những triều trước chưa làm đủ thì bổ sung và mở rộng thêm. Sau khi loa truyền yết bảng, lại cho dựng đá đề tên, cốt để lưu truyền mãi mãi. Phép hay ý đẹp đều làm đến nơi đến chốn".
Lê Thánh Tông thấy cần thiết phải dựng thêm bia đá đề tên tiến sĩ. Ý tốt đẹp của nhà vua là nêu lên vai trò của hiền tài trong việc đem lại hưng thịnh cho đất nước. Vâng theo ý chỉ của nhà vua, Thân Nhân Trung thảo bài văn bia năm Giáp Thìn (1484) và bài văn bia năm Đinh Mùi (1487), qua đó ông nêu những điều cơ bản trong chính sách hiền tài của Nhà nước, chính sách quyết định sự hưng thịnh của đất nước, Thân Nhân Trung viết:
"Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí".
Thân Nhân Trung nêu lên công lao của các nhà vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông. Ngay sau khi đánh đuổi quân nhà Minh ra khỏi đất nước, bước vào xây dựng triều đại mới. “Ban bố thi hành văn đức, lo lắng, mong muốn thâu nạp người tài, đổi mới nền chính trị. Ngài bèn ban chiếu khắp thiên hạ cho xây dựng trường học, đào tạo nhân tài. Bên trong có Quốc Tử Giám, bên ngoài có các phủ học. Ngài thân hành tuyển chọn con cháu các quan, các bậc tuấn tú hào kiệt trong dân cho vào làm học sinh các cục Nhập thị, Cận thị, Ngự tiền, và làm giám sinh Quốc Tử Giám. Lại sai quan chuyên trách mở rộng phạm vi tuyển chọn trong dân, lấy con em những nhà lương thiện, bổ sung vào làm việc bồi dưỡng đào tạo nhân tài thật là rộng rãi vậy".
Câu nói mang ý nghĩa phổ quát
"Hiền tài là nguyên khí quốc gia", câu nói của Thân Nhân Trung không chỉ dừng lại trong phạm vi xã hội thời Lê mà nó mang một ý nghĩa phổ quát đối với Tổ quốc qua mọi thời kỳ lịch sử. Bản thân sự ra đời của quốc gia đánh dấu một bước trưởng thành của một dân tộc ở cả lao động chân tay và lao động trí óc.
Dân tộc Việt Nam làm ra lịch sử, nhưng lịch sử tồn tại và phát triển không dừng lại ở đời sống vật chất. Sự tồn vong và thịnh suy của một quốc gia, dân tộc còn phụ thuộc vào đời sống tinh thần, đời sống văn hóa, nghĩa là vào tài năng trí tuệ, đạo đức của nhân dân.
Trong đời sống tinh thần không thể thiếu vai trò của những hiền tài, của đội ngũ những nhà trí thức. Tầng lớp người này không ai khác đó là những con người xuất hiện từ trong sự nghiệp lao động sản xuất và chiến đấu với thiên tai, địch họa. Những bậc hiền tài gắn bó với đất nước với nhân dân và dẫn dắt nhân dân trên con đường phát triển của quốc gia.