U Minh Hạ: Thánh địa của rắn hổ mây khổng lồ
Những bậc cao niên ở khu rừng U Minh Hạ luôn quả quyết rắng rằng nơi đây chính là vương quốc bất khả xâm phạm của loài rắn hổ mây (rắn hổ mang chúa) khổng lồ. Trải qua hàng trăm năm, loài rắn này đã được tôn là mãng xà vương của rừng U Minh Hạ.
Loài rắn này đã đi vào câu chuyện của bác Ba Phi – bậc kỳ tài nói khoác xứ U Minh như sau: “Hồi xưa trong rừng U Minh Hạ có những con rắn hổ mây khổng lồ không biết sống từ thời nào, chỉ biết khi nó say mồi nằm ngủ trong rừng, mấy ông thợ săn len lén tới ôm thử thì chu vi vòng bụng hết ba vòng tay người lớn. Con rắn giật mình thức dậy, đầu cất cao khỏi ngọn cây rừng, há miệng toang hoác khiến chim chóc tưởng thân cây nên đậu trên đầu và làm tổ trong miệng, bị nuốt chửng”.
|
Rắn hổ mây hay hổ mang chúa được ghi nhận là loài rắn độc lớn nhất thế giới.
|
Những người từng sinh sống nhiều năm dưới khu rừng U Minh Hạ khẳng định rằng, nếu trừ đi những phần thêm mắm muối của bác Ba Phi thì câu chuyện về những con rắn hổ mây khổng lồ của rừng U Minh là hoàn toàn có thật.
Theo lời kể của nhiều thợ săn từng giáp mặt rắn khổng lồ được báo chí ghi lại, kích thước những con rắn đạt đến mức khó tin: dài đến 20m và to như cột nhà. Tất cả những người từng gặp rắn khổng lồ đều khiếp đảm và tìm đường thoát thân bằng mọi giá.
Không rõ những câu chuyện về loài rắn khổng lồ này có bao nhiêu phần là sự thật nhưng nhờ có nó mà những kẻ xấu cũng phải e dè khi có ý định vào khu rừng U Minh Hạ để phá hoại.
Huyền thoại về loài trăn khổng lồ Thất Sơn
Từ nhiều thế hệ, đỉnh núi Cấm thuộc vùng núi Thất Sơn (An Giang) đã được biết đến như nơi cư ngụ của một loài bò sát khổng lồ. Đó là con nưa (trăn gấm), một loài vật được mệnh danh là “trăn tinh” vì mức độ to lớn khó tin của chúng.
Theo các bậc cao niên, cách đây 40-50 năm, con nưa ở núi Cấm có rất nhiều. Có những con nưa khổng lồ to bằng cây thốt nốt, hết vòng tay ôm, dài đến 20 mét, nặng 400 đến 500kg. Với thân hình khổng lồ như vậy, chúng có thể nuốt chửng trâu, bò, dù món khoái khẩu của chúng là cá sấu ở các sông, đầm dưới chân núi.
|
Nưa (trăn gấm) là loài bò sát có thể đạt đến kích cỡ khổng lồ.
|
Có một câu chuyện mang đầy màu sắc huyền thoại về loài nưa ở vùng Thất Sơn còn được lưu truyền đến ngay hôm nay.
Tương truyền, câu chuyện này xảy ra cách đây đã ngót 100 năm. Khi đó, khu vực điện Cây Quế, có nhiều hang động, ít người ra vào, là lãnh địa ẩn náu của nưa và hổ mây khổng lồ. Sau điện có cây quế cổ thụ tỏa hương thơm nức, nên một cặp “trăn tinh” lúc nào cũng quấn quýt trên cây.
Mỗi khi núi Cấm diễn ra lễ hội, cúng bái linh đình, thì một giai nhân mặt đẹp như hoa, da trắng như bông bưởi, từ cây quế bay xuống điện. Nhìn thấy giai nhân, chúng sinh đều chắp tay lễ bái. Lễ cúng xong, giai nhân tuyệt sắc ấy lại ngược điện Cây Quế rồi biến mất dạng.
Người dân trong vùng tin rằng người đẹp đó chính là con nưa cái thành tinh hóa thành.
Rắn biển khổng lồ bí ẩn ở Cát Bà
Vùng biển Cát Bà không chỉ nổi tiếng vì cảnh đẹp và sản vật trù phú. Vùng biển này còn được biết đến như nơi tồn tại của một loài rắn biển khổng lồ đầy bí ẩn. Theo những câu chuyện được truyền miệng của dân địa phương thì loài thủy quái đó trông giống như mãng xà, có kích thước thì như một chiếc tàu cỡ lớn. Mỗi khi chúng nhô lưng lên giữa biển cả bao la, trông chẳng khác nào một hòn đảo chìm.
|
Nhiều tư liệu lịch sử khẳng định biển Cát Bà là nơi sinh sống của rắn biển khổng lồ.
|
Đáng chú ý là sự tồn tại của rắn biển khổng lồ Cát Bà cũng được quốc tế ghi nhận. Tạp chí Forteantimes của Anh đã từng công bố một tài liệu gây sốc: Hải quân Pháp từng nhiều lần chạm trán loài rắn biển khổng lồ trên vùng biển Cát Bà của Việt Nam.
Vụ việc đầu tiên được ghi nhận vào tháng 7/1897, khi các thủy thủ trên một thuyền chiến đã nhìn thấy hai con vật kỳ dị xuất hiện ở gần vịnh Hạ Long. Thân chúng dài khoảng 20m, đường kính thân chừng 2 - 3m, di chuyển bằng cách uốn lượn như rắn. Các thủy thủ liên tiếp nã đại bác vào hai con vật khiến chúng lặn sâu xuống lòng đại dương.
Trong các năm sau đó, thủy quái liên tục xuất hiện trước con mắt của các thủ thủ tại vùng biển Cát Bà. Thậm chí, vào năm 1936, hành khách trên chuyến bay của hãng hàng không Air France đã nhìn thấy loài rắn biển này từ trên cao, khi chúng làm những động tác uốn lượn trên mặt nước.
Rắn khổng lồ bảo vệ rừng quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
Một câu chuyện đồn thổi lan truyền quanh khu rừng Khe Môn (Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng) ở Quảng Bình đã làm cho nhiều lâm tặc và thợ săn không dám bén mảng đến khu rừng này.
Theo lời kể của người dân địa phương, họ thường xuyên gặp những con rắn hổ mang to như cột nhà nhỏ, dài đến 6 -7m ở nơi đây. Nhiều người còn khẳng định họ đã từng gặp một con rắn khổng lồ to như cột nhà cái, dài hơn 10m. Những con rắn này rất hung dữ, sẵn sàng tấn công kẻ nào xâm phạm lãnh thổ của chúng.
Một thợ săn lão luyện ở địa phương cho hay, vào cuối mùa hè năm ngoái, ông quyết định đưa chó săn rất giỏi của mình vào khu rừng Khe Môn với hy vọng bắt được con rắn khổng lồ. Gần hết ngày mà không có động tĩnh, ông chán nản định quay về, thì nghe tiếng con chó săn sủa vang phía dưới khe.
Khi ông xách đồ nghề chạy xuống thì một cảnh tượng kinh hoàng đang diễn ra khiến ông không còn tin vào mắt mình: Con rắn khổng lồ đang ngậm chó săn của ông. Con chó chỉ còn lại 2 chân trước và cái đầu vẫn cố vùng vẫy, rồi bị nuốt chửng chỉ ít lâu sau đó. Ông thợ săn bỏ chạy thục mạng và sau đó bỏ luôn nghề săn.
Vi sự ngự trị của con rắn khổng lồ này, rừng Khe Môn gần như được bảo vệ nghiêm ngặt. Vì vạy mà các chiến sĩ kiểm lâm ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng xem con con rắn khổng lồ như một người bạn, một chiến sĩ kiểm lâm viên thực thụ.
TIN BÀI LIÊN QUAN