Kiến An Cung tọa lạc ngay trung tâm thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp và đây là một trong những điểm du lịch thu hút đông đảo khách đến tham quan. Ngôi chùa Hoa cổ này được xây dựng từ năm 1924 bởi những người di cư từ Phúc Kiến bất mãn với chế độ nhà Mãn Thanh của Trung Quốc lúc bấy giờ và sau 3 năm thì hoàn thành. Ngôi chùa nhằm thờ cúng tổ tiên ông bà và dạy dỗ con cái, đồng thời để hội họp, đàm luận việc kinh doanh, trao đổi thông tin.
|
Kiến An Cung tọa lạc tại số 39 Phan Bội Châu, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Du lịch Đồng Tháp.
|
Chùa mang đậm nét kiến trúc Trung Quốc, với tổng thể là hình chữ Công (工) gồm ba gian: Đông lang, Tây lang và khu chính điện thì rộng hơn. Mái ngói gồm 3 lớp, mặt trên ngói, giữa gạch, dưới là ngói. Ngói được lợp theo gợn sóng rồng, trải nền cho những ngọn sóng cong vút lên cao, tạo mái ngói theo kiểu “ngũ hành". Mỗi đầu ngọn sóng là một cung điện thu nhỏ, bao gồm có 6 cung điện. Toàn bộ chùa không có kèo, chỉ có đòn tay ráp mộng lại chịu lực trên những cột gỗ tròn. Trên những bức tường của chùa là những hình ảnh trong Tây du ký, Tam Quốc Diễn Nghĩa,... Phía cổng vào là hai con Kì Lân bằng đá xanh rất lớn, phía trên là tấm hoành phi sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Bước qua ngạch cửa bằng đá xanh, bên trong chánh điện là thiên tỉnh (giếng trời). Đây là nơi lấy ánh sáng và thông gió giúp chùa lúc nào cũng sáng sủa và thoáng mát. Đặc biệt cái hay của thiên tỉnh là giúp chùa giải bớt khói nhang mù mịt một cách nhanh chóng trong những ngày lễ lớn, khách thập phương viếng chùa đông.
|
Không gian bên trong rực rỡ nhưng không kém phần cổ điển của Kiến An Cung. Ảnh: Du lịch Đồng Tháp
|
Ngay giữa chánh điện là bàn thờ ông Quách (tức Quảng Trạch Tôn Vương), mặt đỏ hồng, chân gác lên, tay nâng đai ngọc; hai bên có hai vị thần cầm ấn kiếm, tướng diện oai phong lẫm liệt; bên tả là Thanh Thuỷ Tổ Sư (nguyên là thầy thuốc chữa bệnh cho dân); bên hữu là Bảo Sanh Đại Đế (có nhiệm vụ bảo vệ sanh mạng của người trung nghĩa)…Phía trước bàn thờ có tượng quan Thánh Đế Quân, có sắp hai hàng binh khí sáng ngời.
Hàng năm, vào ngày 22/2 âm lịch (Ngày vía Quảng Trạch Tôn Vương) và ngày 22/8 âm lịch (Ngày thành đạo của Quảng Trạch Tôn Vương) sẽ tổ chức những lễ cúng tế. Ngoài ra, vào những dịp rằm lớn nơi đây thường tổ chức những lễ cúng. Vì được đánh giá là ngôi chùa linh thiêng ở Đồng Tháp nên du khách và người dân thường đến chùa xin xăm, cầu an và cúng bái.
|
Hình ảnh Kiến An Cung xưa. (Ảnh: nụ cười Mekong).
|
Năm 1990, Kiến An Cung được công nhận là di tích văn hóa – lịch sử cấp quốc gia. Qua gần 1 thế kỉ tồn tại, Kiến An Cung vẫn giữ 1 vị trí không nhỏ trong văn hóa tâm linh của cộng đồng người Hoa ở Đồng Tháp.
Sự đặc sắc của nền văn hóa và kiến trúc độc đáo của ngôi chùa Hoa cổ này giữa thành phố Sa Đéc đã tô điểm thêm phần thanh tịnh, bình yên và dễ chịu cho khung cảnh của vùng đất Đồng Tháp.