Thông thường, thời gian cúng ông Công ông Táo có thể bắt đầu từ ngày 21 và kết thúc trước khi hết giờ Ngọ (từ 11 giờ – 13 giờ) ngày 23 tháng Chạp, bởi theo quan niệm dân gian, đây được coi là thời điểm các Táo quy tụ để chuẩn bị chầu trời.
Năm 2021, ngày 23 tháng Chạp âm lịch rơi vào thứ Năm (ngày 4/2 dương lịch), nhiều người vẫn phải đi làm, vì vậy không nhất thiết cứ phải cúng vào trưa 23 tháng Chạp mà có thể bắt đầu từ ngày 21 và kết thúc trước khi hết giờ Ngọ (từ 11 giờ – 13 giờ) ngày 23 tháng Chạp.
|
Ngày ông Công ông Táo năm 2021 vào thứ Năm (ảnh minh họa) |
Lễ vật cúng ông Công ông Táo theo truyền thống
Lễ vật cúng Táo công truyền thống gồm có: mũ ông Công gồm hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Màu sắc của mũ, áo hay hia ông Công ông Táo thay đổi hàng năm theo ngũ hành. Những đồ mã này sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp.
Mâm lễ cúng ông Công ông Táo bao gồm: Tiền lễ, hương hoa, trầu cau, rượu thuốc, ngũ quả (chọn 5 loại quả). Mâm cỗ với các món truyền thống như gà luộc, xôi hoặc bánh chưng, cơm canh...
Theo tục xưa, riêng đối với những nhà có trẻ con, người ta còn cúng Táo quân một con gà luộc nữa (loại gà trống tơ mới tập gáy) để ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang.
Ngoài ra, để các ông và các bà Táo có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc còn cúng một hoặc 3 con cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý "cá hóa long" nghĩa là cá sẽ biến thành rồng đưa ông Táo về trời. Con cá chép này sẽ được "phóng sinh" (thả ra ao hồ hay ra sông) sau lễ cúng.
Ở miền Trung, người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam thì đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy là đủ.