Vào thời phong kiến Trung Hoa, phi tần không có con cũng có thể nói là không có chỗ dựa, bởi vì các nữ nhân trong hậu cung đều là mẫu dĩ tử quý(phú quý của người mẹ dựa vào con cái). Trong suy nghĩ của nhiều người, để hạ gục đối thủ của mình, các phi tần hậu cung sẽ dùng mọi cách để hạ độc, dẫn dụ hay khiến phi tần khác sẩy thai, sinh non.
Tuy nhiên, trên thực tế không có quá nhiều âm mưu như thế được thực hiện trót lọt, bởi vì bất kể hậu cung của triều đại nào cũng đều bị kiểm soát rất chặt chẽ. Quá trình thị tẩm của Hoàng đế ngày xưa được ghi chép rất cẩn thận. Nếu có vị phi tử nào chưa từng được thị tẩm mà lại mang thai thì đó là một sự vụ rất nghiêm trọng.
Vậy thì tại sao rất nhiều phi tần không thể có con? Không ít người nghĩ nguyên nhân là vì sức khỏe của vị phi tử đó. Nhưng trên thực tế, khả năng sinh nở của phi tần hậu cung phụ thuộc vào Hoàng đế.
Nếu không muốn phi tử vừa được thị tẩm mang thai, Hoàng đế sẽ ra lệnh cho thái giám thực hiện một loạt hành động tàn nhẫn. Thái giám sẽ ấn vào một huyệt đạo trên mông của vị phi tần, sau đó liên tục xoa bóp bụng của phi tần đó, vừa xoa vừa dùng lực ấn mạnh vào các vị trí ở phần bụng. Hành động này khiến tinh trùng mà Hoàng đế để lại trong cơ thể họ sau cuộc ân ái mới đó chảy ra ngoài.
Một nguyên nhân khác là Hoàng đế sẽ bí mật ban thuốc tránh thai cho một số phi tần của mình. Suy cho cùng, một số nữ nhân xuất hiện trong hậu cung của Hoàng đế là vì sự tranh giành quyền lợi của nhiều thế lực. Nếu một phi tần mang thai con trai thì đứa bé đó có thể thành "bù nhìn" cho thế lực đằng sau phi tần đó.
Chính vì thế, Hoàng đế sẽ quyết định ai sẽ được phép mang thai và ai sẽ không được phép mang thai giống Rồng. Và cứ như thế thì càng có ít phi tần có thể mang thai.
Thêm vào đó, về mặt chính trị, Hoàng đế cũng không quá thích con trai của mình quá thân thiết với sinh mẫu (mẹ ruột). Bởi nếu một vị Hoàng tử trong tương lai được phong thành Thái tử hoặc trở thành cánh tay đắc lực của Hoàng đế thì mẫu tộc sẽ dựa vào quan hệ với vị Hoàng tử đó mà lộng quyền và "trèo cao hơn".