Vị hoàng đế toàn làm việc xấu
Năm Canh Thân (420), sau khi Đại tướng quân Lưu Dụ cướp ngôi nhà Đông Tấn, đất nước Trung Quốc bước vào tình trạng hỗn loạn, sử gọi là thời kỳ Nam - Bắc triều kéo dài 170 năm với nhiều triều đình ở hai miền Nam - Bắc.
Lưu Dụ sau khi ép vị vua cuối cùng của Đông Tấn là Tấn Cung đế Tư Mã Đức Văn nhường ngôi, rồi giết chết đã xưng là Tống Vũ đế, đặt quốc hiệu là Tống, đóng đô ở Kiến Khang. Vì nhà Tống có địa bàn ở phía Nam nên sử sách gọi là nhà Nam Tống, một triều đại của Nam triều; cũng có sách gọi là nhà Lưu Tống để phân biệt với các vương triều Tống khác trong lịch sử nhưng do dòng họ khác lập ra.
Từ Tống Vũ đế Lưu Dụ truyền ngôi đến Lưu Dục là đời vua thứ 7. Vị hoàng đế này là con trưởng của Tống Minh đế Lưu Úc, thuở nhỏ có tên là Tuệ Chấn, tên tự là Đức Dung, sinh năm Ất Mão (465) lên ngôi kế vị sau khi vua cha băng hà, năm đó Lưu Dục mới 10 tuổi.
|
Tranh vẽ Hậu Phế đế Lưu Dục. Nguồn: lishiquwen.com |
Lưu Dục tuổi trẻ ham chơi, không chịu học hành, toàn sa đà vào những sở thích khác người. Khi còn nhỏ, sách vở thì bỏ bê nhưng tính thích leo trèo, chơi các trò ác độc với động vật nên bản tính tàn bạo nhưng bị cha mẹ kiềm chế, răn dạy nên bản chất đó chưa bộc lộ rõ. Khi lên ngôi, các trò cưỡi ngựa thả chim ưng chẳng mấy chốc nhàm chán, Lưu Dục nghĩ ra thú giải trí mới. Tiểu hoàng đế này dẫn đám thị vệ mang vũ khí ra ngoại thành, cứ gặp ai đều xông đến dùng xà mâu đâm chết; sau lại bắt dân dồn vào một khu rồi làm bia tập đâm mâu, phóng thương. Ngoài ra Lưu Dụ còn mang theo bên mình dùi, đục, búa, cưa để giết người; ngày nào không giết hoặc làm bị thương một ai là ăn không ngon, ngủ không yên.
Một thú chơi lạ lùng khác, đó là Lưu Dục thích nuôi ngựa và lừa nhưng lại mang vào cung điện chăm sóc biến hoàng cung thành chuồng lừa, biến long sàng thành nơi buộc ngựa.
Với bá quan văn võ, Lưu Dục không ưa ai đều giết sạch cả nhà, thậm chí đến một người có quyền thế nhất trong triều là Tiêu Đạo Thành cũng bị vua lôi ra lấy bụng là bia tập bắn với đầu cung tên bọc vải bông. Ai cũng nơm nớp sợ hãi, dân gian coi vua như “thiên ma tinh” xuống trần gian gây tai vạ cho chúng sinh.
Chuyên gia bắt trộm chó để nhắm rượu
Trong cung không thiếu cao lương mỹ vị, sơn hào dành cho hoàng đế thưởng thức, thế nhưng Lưu Dục lại khoái món “cầy tơ” nên thường dẫn theo đám thuộc hạ lưu manh đi bắt trộm chó về làm mồi nhậu như một thú vui.
Phi vụ cuối cùng của Lưu Dục là phi vụ nổi tiếng nhất đã đi vào sử sách, đồng thời nó cũng là dấu chấm hết cho cuộc đời một hoàng đế có “máu điên” khi chưa tới tuổi trưởng thành.
Bấy giờ Phật giáo đã phát triển rất mạnh ở Trung nguyên, nhất là ở miền Nam Trung Quốc, sử cũ chép rằng: “Nam triều có 480 chùa”; nuôi chó trong chùa là đặc trưng của văn hóa Phật giáo thời Lưu Tống và cũng do chùa chiền nhiều nhưng không phải nơi nào cũng đúng là chốn thiền môn thanh tịnh, bởi có những kẻ du thủ du thực, lười nhác núp bóng chùa để mưu lợi nên cũng từ đó nảy sinh không ít tiêu cực. Theo sách sử thì chó của chùa Tân An và sư nữ ở chùa Thanh Đàn Nê nổi tiếng là “món ngon” trong mắt bọn giang hồ lãng tử.
Chuyện kể rằng, vào đêm Thất tịch mồng 7 tháng 7 năm Đinh Tị (477), Hoàng đế Lưu Dục sau khi “đi chơi” ở chùa Thanh Đàn Nê (còn gọi là Thanh Viên Ni), bỗng nảy ý định làm bữa rượu, thịt chó ngay trong đêm mà theo truyền thuyết là ngày Ngưu Lang – Chức Nữ gặp nhau trên cầu Ô Thước.
Nghĩ là làm, Lưu Dục lên xe ngựa mui trần cùng đám thị vệ du côn đến chùa Tân An rồi lặng lẽ lẻn vào bắt trộm con chó to nhất và béo nhất. Theo lệnh vua, đám thị vệ giết chó làm thịt ngay trong khuôn viên chùa rồi nấu nướng, sau khi xong cả đám vua tôi mang rượu ngon ra. Lúc đó sư trụ trì nghe thấy tiếng xôn xao bèn cùng mấy chú tiểu thắp đèn ra xem thì kinh ngạc khi thấy hoàng đế đang ngất ngưởng thưởng thức thịt chó, nhắm rượu. Thấy nhà sư, Lưu Dục trơ trẽn mời ông uống rượu, ăn thịt nhưng ông từ chối và nói:
- A Di Đà Phật, cửa chùa là nơi thanh tịnh, uống rượu, ăn thịt là phạm vào trong những điều cấm. Bần tăng không dám vâng mệnh.
Nghe xong Lưu Dục nổi giận rút gươm quát lớn:
- Sao sư không ăn không uống? Hãy nghĩ xem trẫm quyền to hơn hay các phép tắc cấm đoán của nhà Phật to hơn?
Thế là vì sợ hãi, vị cao tăng trụ trì đã không giữ được giới luật trong sự khoái trá của vị hoàng đế trẻ tuổi. Sau khi ăn uống đến say khướt, mãi đêm khuya Lưu Dục mới trở về điện Nhân Thọ. Trước khi ngủ, trong cơn say nhà vua nói với đám hầu cận:
- Đêm nay là đêm Thất tịch, là ngày Ngưu Lang – Chức Nữ qua sông. Nghe nói Chức Nữ rất xinh đẹp, các ngươi không được ngủ mà phải đi bắt Chức Nữ về đây cho trẫm. Nếu để lỡ việc thì ngày mai tất cả các ngươi sẽ bị chém đầu.
|
Vui vầy cùng nữ sắc. Ảnh: Soha. |
Đêm đó, Lưu Dục bị giết chết. Tuy nhiên ai là thủ phạm thì có nhiều thuyết khác nhau, có thuyết nói vì nghe vua phán truyền như vậy, sợ rằng rằng sẽ bị giết nên đám thủ hạ đã ra tay trước, dùng thanh ngự đao Thiên Ngưu của vua chém chết Lưu Dục. Một thuyết khác đáng tin hơn, đó là khi nghe tin vua say rượu, vốn ôm hận từ lâu nên Tiêu Đạo Thành liền sai thủ hạ thân cận là Vương Kính Tắc mua chuộc 25 người là tả hữu của Lưu Dục, rồi nửa đêm Vương Kính Tắc cùng Dương Vạn Niên, Dương Ngọc Phu đột nhập vào điện Nhân Thọ rút thanh ngự đao mà Lưu Dục giấu dưới gối chặt đầu vua.
Sau khi Lưu Dục bị giết, Tiêu Đạo Thành mặc nhung phục dẫn theo bộ hạ vào cung tâu xin với Thái hậu Nãi Phụng đón em của Lưu Dục là An Thành vương Lưu Chuẩn lập làm vua (tức Tống Thuận Đế). Tiếp đó, lấy danh nghĩa Thái hậu, Tiêu Đạo Thành còn ban chiếu phế truất Lưu Dục xuống tước Thương Ngô vương. Vì trước đó triều đại này đã có Lưu Tử Nghiệp bị phế truất, gọi là Tống Tiền phế đế nên Lưu Dục được sử sách gọi là Tống Hậu phế đế.
Sống vỏn vẹn có 15 năm, tại vị 5 năm, cuộc đời Lưu Dục kết thúc bi thảm như vậy; thi hài ông vua này được an táng tại Tây Đàn (nay thuộc huyện Giang Ninh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc).