“Lãng tử” Yến Thanh
Trên Lương Sơn, quả có 2 huynh đệ đầu lĩnh mà Lý Quỳ phải nhiều lần “ngậm bồ hòn làm ngọt” bởi họ sở hữu bản lĩnh đặc biệt khiến “Thiết Ngưu” muốn sinh sự cũng chẳng dám. Đó là hai chuyên gia về đánh vật. Người đầu tiên thì đa số độc giả Thủy Hử đều biết, chính là Lãng tử Yến Thanh.
Mỗi lần nghĩa quân Lương Sơn có việc phải xuất sơn mà Lý Quỳ nhất quyết đòi đi, Tống Giang – Ngô Dụng thường cắt cử Yến Thanh kèm cặp“Thiết ngưu”. Không chỉ bởi, ở Lương Sơn, Yến Thanh- Lý Quỳ, dù tính cách và ngoại hình hoàn toàn đối chọi nhưng lại chơi với nhau rất thân mà còn bởi “Lãng tử” còn độc chiêu để trị họ Lý. Chính là tài đánh vật.
Bản lĩnh đánh vật của Yến Thanh, đến phần Tục Thủy Hử (Hậu Thủy Hử) mới được Thi Nại Am – La Quán Trung khắc họa chi tiết. Đầu tiên là hồi 73: “Lúc ấy Lý Quỳ từ quán trọ hai tay vung hai búa xông vào cổng thành thì bị Yến Thanh đuổi theo ôm choàng lấy rồi nắm đai lưng vật ngã. Yến Thanh lôi dậy rồi kéo Lý Quỳ chạy vào một con đường nhỏ. Lý Quỳ sợ Yến Thanh là vì Lãng tử có ngón vật rất giỏi, vì vậy Tống Giang sai Yến Thanh chỉ vật một cái là ngã ngay. Lý Quỳ đã bị nhiều keo chổng vó nên phải sợ mà nghe theo lời Yến Thanh”.
Nhưng phải đến hồi 74, trong lần Yến Thanh giao đấu với tay “Kình Thiên Trụ” Nhậm Nguyên, thì tài nghệ của “Lãng Tử” mới hiện ra rõ ràng, sắc nét. Trước khi tả đến tài đánh vật của Yến Thanh, tác gia Thủy Hử có một số đoạn viết về Nhậm Nguyên như: “Ta nghe nói gã kia thân cao hơn trượng, to béo như tượng Kim Cương, sức vóc nghìn cân khôn địch” – lời Tống Giang; rồi “Người ta trầm trồ kháo nhau tài nghệ của Nhậm Nguyên "đã hai năm nay không ai địch nổi đô vật này, năm nay nữa là ba".
Và đây là đoạn viết về cảnh giao đấu giữa Yến Thanh và Nhậm Nguyên:
“Bấy giờ Yến Thanh khom lưng, xoãi chân đứng về phía bên phải. Nhậm Nguyên cũng xuống tấn ở phía bên trái, mỗi người chiếm một nửa võ đài. Thấy Yến Thanh hồi lâu vẫn không nhúc nhích, Nhậm Nguyên từ từ bước lấn tới… Xem chừng đã áp đến vừa tầm, Nhậm Nguyên bèn đưa chân dứ trước về bên trái… không ngờ Yến Thanh nhanh như cắt luồn qua nách Nhậm Nguyên nhảy ra phía sau, Nhậm Nguyên nóng mặt định quay lại vít vai Yến Thanh. Yến Thanh liền co chân nhảy dứ rồi luồn nhanh qua nách phải Nhậm Nguyên.
|
“Lãng tử” Yến Thanh & trận giao đấu với tay đô vật Kình Thiên Trụ - Nhậm Nguyên. |
Nhậm Nguyên to lớn nên xoay trở có phần khó khăn. Ba lần xáp vào đều bị hụt, bước chân Nhậm Nguyên bắt đầu chệch choạng. Đúng lúc đó Yến Thanh lao vào, tay phải vít cổ Nhậm Nguyên, tay trái móc vào háng, dùng bả vai độn ngực hất bổng lên. Nhậm Nguyên hẫng chân, bị Yến Thanh dùng hết sức xoay mấy vòng. Rồi nghiêng vai hất mạnh Nhậm Nguyên rơi xuống võ đài đầu chúi xuống đất, chân chổng lên trời. Miếng vật ấy gọi là "chim gáy xoè cánh". Sau Yến Thanh phát triển môn đánh vật này thành "Yến Thanh quyền” – chính là Mê Tung nghệ danh chấn thiên hạ.
“Một diện mục” Tiêu Đĩnh
Người thứ hai, trị được Lý Quỳ, có xuất phát điểm khác hoàn toànYến Thanh. Hảo hán này trước sau không phải nhân vật nổi bật ở Lương Sơn. Thậm chí ngay cả biệt danh của chàng ta cũng phần nào đặc tả cái sự kém-nổi-bật ấy. Đó là “Một diện mục” Tiêu Đĩnh. Ngoại hiệu của Tiêu Đĩnh – “Một diện mục” – nghĩa là… “chẳng ai biết” bởi chàng vốn là kẻ ít giao du trên giang hồ, không có sợi dây quan hệ gắn kết với các hảo hán Lương Sơn, trừ lần duy nhất đụng độ Lý Quỳ và sau đó được “Hắc Toàn phong” mời về “Bến nước”.
|
Tiêu Đĩnh một đòn vật ngã Lý Quỳ trong phim truyền hình Thủy Hử 1995. |
Tiêu Đĩnh xuất hiện ở hồi 66, nhân chuyện Lý Quỳ giận dỗi Tống Giang không cho theo Lâm Xung - Quan Thắng đánh đánh Lăng Châu, một mình bỏ xuống núi. Trên đường đi Lý Quỳ ăn uống túy lúy ở một tửu quán rồi chơi bài “bùng tiền”, lại chém chết tay giang hồ Hàn Bá Long, đốt phá quán rượu, nẫng tiền giông thẳng. Đấy chính là bối cảnh để “Một diện mục” xuất hiện.
Thủy Hử hồi 66 viết: “Đi chừng được một ngày đường, chợt trông thấy một anh chàng to lớn đứng dừng lại mà nom Lý Quỳ. Lý Quỳ thấy vậy hỏi rằng: - Ngươi nom lão gia để làm chi thế? Anh chàng kia lại hỏi rằng: - Ngươi là lão gia ai... ? Lý Quỳ không nói năng gì, vội vàng toan sấn vào để đánh. Anh chàng kia giơ tay quyền lên để đón đánh Lý Quỳ. Lý Quỳ thấy tay quyền của anh kia thạo giỏi, liền ngồi xuống dưới đất, rồi ngửa mặt lên hỏi rằng: - Anh họ chi, tên chi? Chàng kia đáp rằng: - Lão gia đây không có tên họ, muốn đánh thì đánh, ngươi có giỏi thì đứng dậy”.
Sau đó Lý Quỳ bị Tiêu Đĩnh hạ đo ván nhanh gọn chỉ với một đòn: “Lý Quỳ cả giận toan nhảy lên đánh, bất đồ bị anh chàng kia đá cho một đá ngã lăn ngay xuống. Lý Quỳ vội kêu lên rằng: - Ta không đánh nổi anh nầy rồi. Nói đoạn ù té chạy”. Sau hỏi tên họ biết bại tướng của mình là hảo hán Lương Sơn - Lý Quỳ, thì Tiêu Đĩnh mới giới thiệu về bản thân như thế này:
“Tôi nguyên ở phủ Trung Sơn, ba đời nay vẫn truyền nghề đánh vật, ngón đánh lúc nãy là cha truyền con nối, mà không dạy người ngoài bao giờ. Bình sinh không giao thiệp với ai, nên đến đâu cũng không ai chứa. Nhân thế các mạn Sơn Đông, Hà Bắc vẫn gọi tên là Một Diện Mục Tiêu Đĩnh. Mới đây nghe nói ở Khấu Châu có một toà núi tên là Khô Thụ Sơn trên núi có một tay du đãng họ Bào tên Húc, nay tôi muốn sang đó nhập đảng để kiếm cách sinh nhai cho thú”.
Sau Lý Quỳ cùng Tiêu Đĩnh ghé núi Khô Thụ, thuyết phục Bào Húc nhập hội. Cùng lúc, tại Lăng Châu, quân triều đình bắt được hai vị đầu lĩnh Lương Sơn Bạc là Tuyên Tán cùng Hác Tư Văn. Khi đoàn xe áp giải hai người này đi ngang qua núi Khô Thụ, Lý Quỳ, Tiêu Đĩnh, Bào Húc cùng lâu la đánh và giải cứu thành công Tuyên - Hác. Tiếp đó, cả bọn kéo vài trăm binh mã tiến về Lăng Châu phụ giúp Quan Thắng.
Khi phân ngôi thứ ở Lương Sơn Bạc, Tiêu Đĩnh ngồi ghế đầu lĩnh thứ 98, giữ chức Bộ Quân Tướng Hiệu, phụ trách bộ binh. Trong cuộc chiến với Phương Lạp, Tiêu Đĩnh là một trong ba đầu lĩnh Lương Sơn tử trận đầu tiên (cùng Tống Vạn và Đào Tôn Vượng), ở trận đánh thành Nhuận Châu.