Thi Nại Am (1296-1370, quê ở Xương Môn, Tô Châu). Tương truyền, ông vốn thông minh từ nhỏ nhưng gia đình nghèo khó không có tiền đến trường, ông phải tự học bằng cách mượn sách vở của bạn và đứng ngoài cửa nghe trộm bài giảng của thầy.
Nhờ người chỉ dẫn, cùng sự cố gắng và chăm chỉ phi thường, cậu bé Thi Nại Am đã đọc xong được các sách: Đại học, Luận ngữ, Kinh thi, Kinh lễ và nhiều sách nổi tiếng khác. Thấy cậu bé thông minh, có ông thầy đồ trong vùng đã nhận cậu làm học trò không phải trả tiền.
Năm Chí Thuận thứ 2 đời Nguyên Văn Tông (1331), Thi Nại Am vừa tròn 36 tuổi, ông lên kinh đô ứng thi và đỗ tiến sĩ, được bổ làm Huyện doãn Tiền Đường.
Làm quan được 2 năm, chán ghét cảnh ra luồn vào cúi, Thi Nại Am từ quan về quê mở trường dạy học, đồng thời dồn sức sáng tác “Giang hồ hảo khách truyện” (tức bộ Thủy hử truyện nổi tiếng). Đấy là ước mơ, ý nguyện của cả đời ông. Cũng vì để thực hiện ý nguyện viết sách ấy mà ông đành từ bỏ con đường quan lộ tươi sáng của bản thân.
Tương truyền rằng, trong một lần bạn thân của ông là Lưu Cơ vâng lệnh của Chu Nguyên Chương (vua triều Minh) đến mời ông ra làm quan, Thi Nại Am bày tiệc tiếp đón linh đình.
Thi Nại Am uống liền mấy hơi rồi gục lên bàn ngủ mê đi. Lưu Cơ đến bên thấy bản thảo chương “Núi Cảnh Dương Võ Tòng đả hổ” còn đang dở… hiểu ý bạn mình, Lưu Cơ lặng lẽ ra về.
“Thủy Hử truyện” ra đời và nhanh chóng trở nên nổi tiếng nhờ cốt chuyện hấp dẫn cuốn hút và mang đậm màu sắc thần thoại.
|
Thi Nại Am - tác giả của Thủy hử truyện nổi tiếng. Ảnh: Internet. |
Tuy vậy, trái với sự yêu thích của nhân dân, Chu Nguyên Chương đọc tác phẩm và vô cùng tức giận. Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương vốn xuất thân từ tầng lớp nghèo khổ, vì vậy ông rất chú ý đến việc cầu nho sĩ tìm người hiền tài.
Thế nhưng, trong Thủy hử truyện lại miêu tả rất nhiều nhân tại bị gian thần hãm hại, triều đình bỏ rơi và tự tập làm phản, muốn lật đổ chế độ để thiết lập một triều đình mới, mang tính chất kích cộng nhân dân làm phản triều đình.
Tuy rất tức giận với bộ tiểu thuyết của Thi Nại Am, song Chu Nguyên Chương vẫn một mực muốn mời ông ra làm quan vì nể cái tài văn chương của ông.
Minh Thái Tổ đã từng hai lần sai Lưu Cơ (là bạn thân và đỗ tiến sĩ cùng khoa với Thi Nại Am), mưu thần bậc nhất của mình đi chiêu thỉnh Thi Nại Am mà không được.
Vốn đã tức giận về thái độ bất hợp tác của Thi Nại Am, nay lại thấy ông viết sách ca ngợi phường “thảo khấu”, Minh Thái Tổ đã sai người bắt Thi Nại Am giam vào ngục, đồng thời phê rằng: “Đây là cuốn sách xúi giục dấy loạn của người có mưu đồ tạo phản, không trừ đi tất gây họa về sau”.
Sự việc xảy ra phải ít lâu sau Lưu Cơ mới biết. Lấy tư cách là bạn, Lưu vào thăm Thi Nại Am. Ông đã bóng gió nói rằng: “Vì sao anh phải vào đây thì cũng bằng cách đó anh sẽ được tự do”.
Thi Nại Am suy nghĩ hồi lâu và chợt hiểu ra vấn đề, ông đáp: “Ta vì viết Thủy Hử ca ngợi Tống Giang, ca ngợi phường “thảo khấu”, điều đó xúc phạm đến điều kiêng kị của vua chúa. Vậy phải để cho Tống Giang về với triều đình”.
Thế là Thi Nại Am đã mượn sửa lại đoạn kết của Thủy hử truyện. Vì vậy mới có 50 hồi sau nói về chuyện Tống Giang bị triều đình thu phục rồi cầm quân đi dẹp Điền Hồ, đánh Liêu, đánh Phương Hạp, Vương Khánh v.v… Thi Nại Am đã phải mất thời gian gần 1 năm để viết 50 hồi sau của “Thủy Hử truyện” rồi trình lên Chu Nguyên Chương - Bên trong có Lưu Cơ giúp.
Cuối cùng, lấy lý do Thi Nại Am có bệnh, triều đình đã phóng thích tác giả của Thủy hử truyện. Điều này đã giải thích vì sao “Hậu Thủy Hử” kết thúc không có hậu và hầu hết các hảo hán Lương Sơn đều hi sinh.
Vì tuổi cũng đã cao nên tinh thần và thể lực của Thi Nại Am bị suy kiệt. Ra tù chỉ được hơn 1 năm thì ông lâm trọng bệnh rồi mất (1370). Sau khi ông qua đời, học trò của ông là La Quán Trung đã thu thập bản thảo, chỉnh lý sửa chữa và chuẩn bị cho in “Thủy Hử truyện” nhưng không một nhà in nào dám nhận.
Phải đến 150 năm sau, chính con cháu của La Quán Trung mới xin được phép in bộ “Thủy Hử”. Đấy cũng chính là bản in đầu tiên của bộ “Thủy Hử” và bộ “Hậu Thủy Hử” có đồng tác giả là Thi Nại Am - La Quán Trung.