Cô bé 6 tuổi với cây vợt quá khổ
Yuri Yudkin nói với cha tôi về một trung tâm ở Moscow, một sàn trình diễn dành cho các vận động viên (VĐV) trẻ Nga được tổ chức bởi một số tổ chức tennis địa phương. Bạn cũng biết quy trình rồi đó: gửi đám trẻ của bạn đến đây, những đứa nhóc tiềm năng và mong muốn trở thành những nhà vô địch. Cha tôi quyết tâm đưa tôi đến đó. Tôi không rõ làm thế nào ông có thể xoay xở được tiền vé máy bay, nhưng ông luôn có khả năng kỳ diệu làm cho mọi việc xảy ra!
|
Sách Không thể ngăn chặn: Chuyện đời tôi đến hôm nay. |
Sự kiện diễn ra tại một cơ sở gần giống như một nhà chứa máy bay khổng lồ, với các sân thi đấu và huấn luyện viên, với vô số âm thanh của những cây vợt đang đánh bóng tennis. Ở đó có hàng trăm đứa trẻ chơi tennis, đồng nghĩa với hàng trăm vị phụ huynh cùng đi. Mọi thứ làm tôi choáng váng. Trước lúc đó, tôi cứ tưởng rằng những người chơi tennis ở Sochi đã là tất cả các VĐV tennis trên đời, và cha con tôi là những người đặc biệt trong số họ. Giờ đây tôi nhận ra có hàng tá, hàng tá các cô bé chơi tennis, mỗi bạn đều có một người cha cho rằng con gái họ chắc chắn sẽ trở thành người giỏi nhất thế giới...
Tôi đứng quan sát họ đánh bóng. Tôi cảm thấy bị mê hoặc, tôi cảm thấy cần khiêm nhường nhưng cũng vững tâm. Tôi có thể nhận ra rằng tôi giỏi hơn hầu hết bọn họ, rằng chúng tôi không đánh bóng theo cùng một kiểu. Trung tâm này đầy ắp những người liên quan đến tennis, các huấn luyện viên và vận động viên đi lang thang xung quanh, quan sát hoặc cho chúng tôi lời khuyên.
Martina Navratilova cũng ở đó. Điều này làm tôi khá căng thẳng - kìa, vận động viên vĩ đại nhất đang đứng ngay trước mặt tôi. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ thi đấu với các vận động viên chuyên nghiệp, một chọi một, nhưng tôi chỉ mới sáu tuổi nên cũng không rõ mọi chuyện sẽ như thế nào. Cuối cùng thì giống như một dây chuyền lắp ráp vậy: bạn xếp hàng, đợi cho đến lượt của mình để đánh một, hai quả bóng, sau đó quay trở lại hàng.
Trong lượt đánh thứ 2 hoặc thứ 3 của tôi, Navratilova phát hiện ra tôi. Chân và tay của tôi lớn quá khổ so với cơ thể, và đầu gối thì run run. Và tôi có một cây vợt quá lớn. Nói cách khác, tôi trông khá buồn cười, có lẽ đó là lý do khiến bà chú ý đến tôi, và nhận ra rằng tôi có thể chơi tennis. Tôi tuy nhỏ bé nhưng có cú đánh bóng khá ổn, và rất tập trung.
Khi tôi kết thúc, Navratilova kéo cha tôi sang một bên nói chuyện. Họ đem đến một người phiên dịch vì cha tôi không biết tiếng Anh. Tôi không rõ chính xác những gì hai người nói với nhau, nhưng điều cơ bản từ Martina là: con gái ông có thể chơi tennis; ông cần đưa con bé rời khỏi đất nước, đến một nơi mà nó có thể phát triển khả năng của mình. Nước Mỹ.
Cha tôi bắt đầu lên kế hoạch ngay khi chúng tôi trở về Sochi. Ông quyết tâm đưa tôi đến nước Mỹ vì ông tin rằng đó là nơi duy nhất để tôi có thể phát triển được khả năng chơi tennis. Ông quyết định chọn nơi đến là Florida. Tại sao? Tôi có thể cho bạn một lời giải thích phức tạp, so sánh khu vực này với khu vực khác, học viện này với học viện khác, nhưng thực tế Yuri là một người mê tín và luôn đi theo các điềm báo, và ông đã thấy một dấu hiệu chỉ đến Florida. Dấu hiệu này đến dưới dạng... hai bài báo.
Một bài về chị em nhà Williams và việc họ tập luyện ở học viện tennis của Rick Macci ở Boca Raton. Một bài khác về Anna Kournikova và cách cô tập luyện tại học viện của Nick Bollettieri ở Bradenton. Cha tôi tin rằng những bài báo trên rơi vào tay ông vào thời điểm này có lý do của nó. Ông đã được “thông báo” nơi cần phải đến!
Ngày nay, đi Mỹ chỉ là một kế hoạch đơn giản. Bạn xin một visa du lịch, gọi đến hãng hàng không, mua một chiếc vé máy bay và đi thôi! Nhưng vào đầu những năm 1990 thì mọi chuyện đâu có dễ dàng như thế. Liên bang Xô viết vừa tan rã. Tìm được một việc làm vào lúc đó gần như là không thể, và do đó rất khó để một người kiếm sống và nuôi nấng gia đình. Rất khó khăn để làm bất cứ điều gì.
Thậm chí ngay cả khi có tiền bạn cũng không thể lên máy bay đến Mỹ. Rất khó để nhận được visa - visa chỉ được trao cho những người đi công tác cho Chính phủ. Cha tôi biết rằng ông cần sự giúp đỡ của cơ quan công quyền, vì thế ông viết thư cho huấn luyện viên đội tuyển tennis thiếu niên quốc gia Nga. Ông không hề xin cho tôi được chơi cho đội tuyển, đội chỉ dành cho những đứa trẻ từ 12 tuổi trở lên còn tôi chỉ mới lên sáu, nhưng cha tôi hy vọng liên đoàn sẽ tài trợ cho tôi với tầm nhìn dành cho tương lai.
Ông giải thích trường hợp của chúng tôi, mô tả tài năng của tôi, đề cập đến những cái tên Yudkin và Navratilova. Nỗ lực của ông đã thành công, hoặc ít ra là có vẻ như thế. Tình cờ, đội tuyển thiếu niên Nga sẽ luyện tập ở Florida để chuẩn bị cho một chuyến du đấu ở Mỹ. Vị huấn luyện viên hồi âm kèm một thư mời chúng tôi đến thăm và luyện tập với đội.
Tấm visa vô giá
Cha tôi đến đại sứ quán Mỹ ở Moscow để xin visa. Khi đó ông chỉ mới 28 tuổi, mặc bộ vest duy nhất của mình, bộ đồ mà ông đã mặc trong ngày cưới. Ông sẵn sàng phó thác vào vận may và số phận (có những dấu hiệu nói cho bạn biết nên làm gì nếu bạn biết cách “đọc” chúng). Ông có lá thư của huấn luyện viên đội tuyển thiếu niên Nga và đã phác thảo trong đầu những gì cần nói.
Cha tôi đã đợi hàng giờ đồng hồ và cuối cùng đứng trước một nhân viên đại sứ quán. Người đàn ông này thận trọng quan sát Yuri, sau đó kiểm tra lá thư và các giấy tờ khác, hình và các trang đã được đóng dấu cẩn thận. Trong khi đó, cha tôi nói liên tục, như thể đang đọc một bài diễn văn với những từ như Yudkin, Mozart, Navratilova, thần đồng, v.v... và v.v..
Cuối cùng, người nhân viên đại sứ quán ngẩng lên và nói: “Tôi cũng có một đứa con gái, con bé cũng chơi tennis, và nó chơi tốt. Con tôi năm nay lên tám. Nhưng tôi không nghĩ nó là thần đồng tennis. Con gái ông mới có sáu tuổi, làm sao ông thật sự biết được con bé giỏi hơn con gái tôi? Có thể ông chỉ quan sát con bé dưới góc nhìn của một người cha”.
“Tôi không biết con gái của ông”, Yuri nói, “nhưng tôi biết rõ con gái của tôi. Những gì tôi nói với ông là sự thật”.
“Ông muốn đưa một bé gái sáu tuổi đến Mỹ luyện tập?”
“Đúng”.
“Và ông không hề nghi ngờ?”
“Hoàn toàn không”.
Ông ta nhìn vào mắt của cha tôi. “Ông chắc chắn?”
“Đúng vậy”.
“Và ông biết mình sẽ đi đâu và làm gì?”
“Tôi biết”.
|
Cha con nhà Sharapov. Ảnh: tenniswworldusa |
Thế là người đàn ông này cấp cho chúng tôi một visa có thời hạn ba năm! Cha tôi sẽ cần phải quay trở lại Nga để gia hạn sau thời gian đó, nhưng chắc chắn chiếc visa này là một vật cực kỳ hiếm hoi và vô giá. Tấm visa chính là một chiếc vé vàng, là tự do được đến và đi. Thật khó để một người Mỹ hay thậm chí là một người Nga ngày nay có thể hình dung ra điều kỳ diệu này. Khi đó gần như là bất khả thi để có được những giấy tờ mà Yuri đạt được.
[...]
Nhưng cũng có điều không may ở đây. Cũng như sự hiếm hoi của visa, nó còn có hạn chế, chỉ được cấp cho hai người: tôi và cha tôi Yuri. Sử dụng nó đồng nghĩa với việc cha con tôi phải xa mẹ tôi, trong một khoảng thời gian mà không ai biết được là bao lâu. Yuri cân nhắc cẩn thận những gì ông phải nói với bà, ông phải bảo bà tiếp tục cuộc sống ở Nga như thế nào. Ông mang tôi rời khỏi trường học, rời khỏi gia đình và rời khỏi bà, và khi đó tôi chỉ mới sáu tuổi.
Sau này, khi tôi hỏi mẹ tôi về chuyện đó, bà chỉ nhún vai và nói: “Cha con biết ông đang làm gì”. Bà ngoại Tamara cởi mở hơn mẹ tôi: “Ngoại nghĩ mẹ con đồng ý vì cha con là một người giỏi thuyết phục người khác”, bà nói với tôi như vậy.
“Cha con rất có sức thuyết phục và mẹ con là người luôn suy nghĩ tích cực. Hai điều này kết hợp lại với nhau đã làm cho mọi việc diễn ra, ngoại nghĩ vậy. Có thể mẹ con không thực sự muốn để con đi, nhưng nó tin rằng đó là vì lợi ích của con. Còn cha con thì không chỉ nghĩ cho một mình con đâu, mà còn vì chính nó và gia đình. Nước Nga đã tan rã. Tennis có thể là một điều gì đó với con, nhưng đó cũng là một lối thoát cho gia đình. Nếu cha con đảm bảo được cuộc sống của con bằng môn tennis, cả gia đình có thể sống nhờ vào con. Và cha con đã thành công, mọi chuyện diễn ra như kỳ vọng".
"Yuri đã rất thông minh ở khía cạnh đó. Nhưng mẹ con không nghĩ về điều đó, thậm chí khi sâu thẳm bên trong mẹ con hiểu điều gì đang thật sự diễn ra. Hoặc, ai mà biết được? Cũng có thể cha mẹ con đã bàn bạc việc này với nhau. Còn với ông bà ngoại, điều này thật khủng khiếp. Yuri đột nhiên nói nó sẽ đưa cháu ngoại của chúng ta đến nước Mỹ! Vào thời đó, ai đi Mỹ là đi luôn, chẳng bao giờ chúng ta còn nghe tin tức của họ nữa”.
Cha tôi gom tất cả tiền mà ông có, sau đó mượn thêm một ít, tất cả được chừng 700 USD, cuộn tròn lại và bỏ vào túi phía trước, để mà bất cứ khi nào ông cảm thấy căng thẳng, ông có thể biết chắc số tiền vẫn còn ở đấy. Ông lấy vé một chuyến bay chiều từ Moscow đến Miami, tại đó một người ở đội tuyển Nga sẽ chờ đón chúng tôi. Rất mơ hồ. Tôi không nhớ tôi mặc đồ gì hay cảm thấy thế nào vào ngày hôm ấy. Tôi hẳn phải rất buồn khi nói lời tạm biệt với mẹ, nhưng có thể tôi chưa hiểu hết những gì đang diễn ra, rằng tôi sẽ không gặp lại bà cho đến khi tôi gần chín tuổi.