Trong hành trình thỉnh kinh của 4 thầy trò Đường Tăng ở tác phẩm Tây du ký, Quan Âm Bồ Tát đóng vai trò không hề nhỏ khi là người an bài, cảm hóa các thành viên và luôn có mặt giúp đỡ rất đúng lúc. Tài năng và đức độ của ngài là không còn gì để nghi ngờ, chỉ có một điều không ít người thắc mắc đó là mỗi khi xuất hiện, trên đầu ngài luôn có một bức tượng Phật được che phủ bằng tấm vải trắng che gió, mưa, nắng. Rốt cuộc tượng Phật này là ai?
Được biết, tượng trên đầu Quan Âm Bồ Tát chính là tượng của Nhiên Đăng Cổ Phật (Phật A Di Đà). Câu niệm "Nam Mô A Di Đà Phật" quen thuộc trong Phật giáo chính là nhắc về vị Phật này.
Chuyện kể rằng Quan Âm Bồ Tát từng trong một khoảng thời gian dài không thể tu thành chính quả dù đã cống hiến hết mình, yêu thương chúng sanh. Điều này khiến ngài vô cùng đau khổ. Trước tình cảnh đó, Phật A Di Đà đã nhận ngài làm đệ tử, đích thân ở bên cạnh tụng Tâm Kinh cho Quán Thế Âm nghe và thiền định giác ngộ. Nhờ vậy nên Quan Âm Bồ Tát đã đắc đạo, để nhớ ơn Phật A Di Đà đã luôn đội tượng của ngài lên đầu.
Phật A Di Đà nằm trong Tam thế Phật, thường được thờ chung với Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật Di Lặc. Tượng Tam thế Phật thường đặt ở vị trí cao nhất trong tam bảo nên có thể thấy vị trí của Phật A Di Đà là vô cùng cao. Ngài đại diện cho chư Phật trong quá khứ, câu niệm "Nam mô A Di Đà Phật" có nghĩa là “Kính lễ đấng giác ngộ vô lượng” hoặc “Quay về nương tựa đấng giác ngộ vô lượng”, ý nói có quá khứ mới có hiện tại và tương lai.
Dù không xuất hiện trong Tây Du Ký nhưng Phật A Di Đà vẫn là cái tên quen thuộc với tất cả những ai yêu mến và tôn sùng Phật giáo. Ngài có pháp lực cao cường, lòng từ bi, đức độ vô biên nên ngay cả Phật Tổ Như Lai cũng phải kính nể vài phần.