Mua vôi
“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” là một tập tục lâu đời của người Việt. Người ta thường mua vôi vào cuối năm để quét lại nhà, tường cổng cho sạch sẽ, trắng tinh tươm, chuẩn bị đón năm mới. Ở nông thôn, nhiều gia định có quan niệm rằng rắc vôi bột ở 4 góc vườn rồi vẽ hướng ra phía cổng để xua đuổi ma quỷ.
Vôi dùng để quét nhà cũng được coi là để xóa đi những điều không may mắn trong năm cũ, thể hiện một sự khởi đầu mới, sửa chữa, khắc phục những sai lầm, thất bại đã trải qua trong năm cũ.
Còn một cách giải thích khác là cuối năm phải mua vôi để tiếp vào ông bình vôi trong nhà - vật đựng vôi để ăn trầu mà ngày xưa nhà nào cũng có. Ông bình vôi không chỉ là vật sử dụng mà đã gắn bó với gia đình, trở thành vật thiêng trong nhà. Do vậy, người xưa quan niệm lúc nào cũng phải cho ông bình vôi ăn no đủ thì gia đình mới sung túc, ấm êm.
Tuy nhiên do “bạc như vôi” nên người ta chỉ cho ông ăn vào cuối năm chứ không ai cho ông ăn đầu năm vì vậy mới có tục “cuối năm mua vôi”.
Mua muối
Theo quan niệm dân gian xưa, đầu năm mua muối cả năm sẽ làm ăn phát đạt, may mắn, thuận lợi, sung túc. Chính vì vậy, vào sáng mùng 1 thường có người đi bán muối dạo. Người bán sẽ đong một bát đầy có ngọn chứ không gạt ngang miệng bát bởi người ta cho rằng mua muối có ngọn mới mang lại sự đầy đủ, trọn vẹn và no ấm cả năm.
Ngoài ra, các cụ còn quan niệm, muối là thứ mặn, chống xú uế, có thể xua đuổi tà ma và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Bởi thế, người ta thường rắc muối ra đường và xung quanh nhà với mong muốn bình yên.
Bên cạnh đó, muối tượng trưng cho sự mặn mà, nồng nàn, tình cảm ấm áp trong các mối quan hệ gia đình, người thân. Đầu năm mua muối cũng là hành động để cầu mong cho gia đình cả năm yên ấm, thuận hòa, nồng nàn tình cảm giữa ông bà, cha mẹ với các con cháu hoặc giữa các anh chị em với nhau.
Mua lửa
Bếp luôn đỏ lửa là dấu hiệu gia đình no đủ, sung túc, luôn có của ăn của để. Lửa còn ngụ ý sự ấm áp, hạnh phúc trong gia đình. Do đó, theo tập tục, đầu năm mớii người thường mua diêm, mua lửa và mua bật lửa đầu năm để mong muốn năm đó có nhiều may mắn và tài lộc đến cho gia đình.
Diêm, bật lửa cũng là quà tặng lý tưởng cho bạn bè, người thân dịp năm mới vì có thể đem đến điềm lành cho mọi người, ngụ ý an khang, thịnh vượng, gặp nhiều may mắn.
Mua vàng
Theo quan niệm từ xưa, mùng 10 Tết là ngày vía Thần Tài nên mọi người thường đi mua vàng để cầu may mắn đầu xuân, cho nguyên một năm tiền bạc rủng rỉnh. Thông thường chỉ mua 0,5-1 chỉ vàng lấy may nhưng qua đó thể hiện ước nguyện của mỗi người về một năm tài lộc, làm ăn may mắn.
Để tránh mua phải hàng giả, khi đi mua vàng trong ngày vía Thần Tài phải chú ý chọn cửa hàng có tên tuổi, có uy tín, có nhiều mẫu mã đa dạng để lựa chọn, lưu ý giấy mua bán rõ ràng.
Xin chữ
Bên cạnh tục khai bút đầu năm, người Việt còn có thói quen xin chữ và cho chữ vào những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Ai mong muốn điều gì thì sẽ xin chữ đó. Thông thường đầu năm, người ta thường xin chữ Phúc, Lộc, Thọ, Tài Lộc, Thịnh Vượng, Hiếu Thuận, An Khang... với ngụ ý tốt lành.
Ngày xưa, xin chữ là một sự kiện rất đặc biệt, người ta chọn ngày, chọn hướng, tìm đến người mình tin tưởng, có đời sống đáng trân trọng noi theo. Người cho chữ phải là người dày công học hành, có thể chính là những ông đồ dạy học ở những làng quê hoặc phải là những người “có danh với núi sông”.
Theo nhà thư pháp Cung Khắc Lược, xin chữ đầu năm chính là mong muốn của người xin chữ cho cả một năm mới mang đến những điều may mắn, bình an và phúc thọ tràn đầy. Mỗi bức thư pháp khi hoàn thành bao giờ cũng có hai con người đồng cảm, đó là bộ óc, trí tuệ của người cho chữ gặp trái tim, tâm hồn người xin chữ.