Văn hóa “hàng nhái” ở Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Vốn khét tiếng với các loại đĩa hình lậu và điện thoại giả iPhone, nhưng văn hóa "hàng nhái" ở Trung Quốc hiện đang được mở rộng sang lĩnh vực kiến trúc.


 Nhiều người Trung Quốc thích chụp ảnh cưới ở thành phố "nhái" kiến trúc Anh.

Sao chép cả một thị trấn Anh

Khi bước vào Thames Town của Trung Quốc,  người ta không còn thấy tiếng còi xe và cuộc sống lộn xộn nơi đô thị. Không còn những người bán bánh bao rong hay tiếng rao của người đi thu đồng nát trên xe ba bánh.

Từ xa, người ta đã thấy chiếc tháp na ná tháp đồng hồ ở làng cổ Cotswold ở Anh.

“Nơi này trông như châu Âu trong mơ,” ông Tony Mackay, kiến trúc sư người Anh nói về quy hoạch tổng thể nhà của Thames Town và các khu vực xung quanh quận Tùng Giang.

Khi kiến trúc sư Mackay được chính quyền địa phương thuê thực hiện khu làng này năm 2001, nơi đây chỉ toàn trại nuôi vịt. Hiện thời, Thames Town của Trung Quốc có những con đường rải đá, quán rượu và nhà khung gỗ kiểu Tudor. Thậm chí có cả tượng của Winston Churchill và nhà họp theo kiến trúc thời trung cổ có quảng cáo cánh gà rán và bia bằng chữ Trung Quốc.

 Thames Town "nhái" nhìn chung vẫn là giả tạo.

Nhưng bản thân kiến trúc sư Mackay cũng cảm thấy không hài lòng vì “trông vẫn không ổn” và nhìn chung vẫn là giả tạo. Ông cho rằng các kiến trúc sư thiết kế các khu nhà theo kiểu cóp nhặt, đặt các phong cách kiến trúc khác nhau vào cùng một khuôn viên và đã bỏ đi tính chân thực.Ông nói: “Các tỷ lệ bị sai. Cách sử dụng đá cũng sai hết”.

Nhà ở khu Thames Town phần lớn được mua để đầu tư, nên nơi này còn yên tĩnh và chỉ mới bắt đầu có hơi thở của cuộc sống.

Theo kiến trúc sư Mackay, khu này trông giống phim trường. Một blogger người phương Tây thậm chí còn viết rằng, thị trấn Thames khiến ông nhớ tới bộ phim The Truman Show.

 "Thames Town" đầy những đôi bạn trẻ đi chụp ảnh cưới.

"Thames Town" nằm trong dự án “Một thành phố, chín thị trấn” của Thượng Hải, với các thị trấn vệ tinh xây xung quanh thành phố được xây theo kiến trúc quốc tế khác nhau.

Trung Quốc có đầy những “của giả”


Ở những nơi khác, người Trung Quốc nhái tháp Eiffel và thậm chí di sản thế giới nổi tiếng Stonehenge cũng có “hàng nhái”.

Năm ngoái, ngôi làng mô hình của thành phố Hallstatt nước Áo được dựng ở tỉnh Quảng Đông. Bản gốc của ngôi làng được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

 Làng Hallstatt thật ở Áo (trái) và làng ở Trung Quốc (phải).

Trong khi rất nhiều người phương Tây cho rằng sao chép kiến trúc là quái đản, thì người Trung Quốc lại thấy điều đó là đáng yêu. Hầu hết các thành phố lớn ở Trung Quốc có các khu nhà ở ngoại ô nơi người dân sống trong các tòa nhà lớn, và hai phần ba số nhà cửa được rao bán bởi các nhà môi giới bất động sản theo kiểu phương Tây.

Ở Trung Quốc, “văn hóa sao chép” được xem là “một nghề tinh hoa”, không có gì đáng ngăn cản mà trái lại nên khuyến khích. Văn hóa này có lịch sử khá lâu đời. Khi vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc Tần Thủy Hoàng, đánh chiếm các vương quốc vào thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, ông cho xây bản sao của mỗi vương thành của họ trong chính kinh thành của mình.

Đây là cách để chứng tỏ sức mạnh, khoe khoang khả năng sắp xếp vũ trụ: sắp xếp những gì tuyệt vời nhất của phương Tây theo trật tự của Trung Quốc.

Không có gì là ngẫu nhiên, khi Nhà Trắng – biểu tượng tối cao của quyền lực nước Mỹ - cũng là một trong những kiến trúc được sao chép nhiều nhất ở Trung Quốc.

“Nhái” lại hàng "độc" của nhau

Kiến trúc sư người Anh, Tony Mackay cho rằng các thành phố bắt chước của Trung Quốc chỉ là mốt nhất thời và có xu hướng mới đang dần trỗi dậy như dự án xây khu phố hiện đại Soho ở Vọng Kinh, ngoại thành Bắc Kinh. Khu này được cho là trông như ba con cá lớn nổi dậy từ lòng sông.

Hình đồ họa dự án Soho ở Vọng Kinh (trái) và mô hình dự án ở Trùng Khánh (phải).

Vấn đề là ở chỗ, một kiến trúc tương tự đang được xây ở thành phố Trùng Khánh. Theo một bài báo trong ngành kiến trúc, bản sao này có lẽ sẽ được hoàn thành trước cả bản chính.

Nhưng không phải tất cả người Trung Quốc đều ủng hộ kiểu kiến trúc sao chép này.  Trung Quốc có di sản kiến trúc riêng, chẳng hạn như Tô Châu Viên Lâm hay Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh và những tòa nhà gỗ theo kiểu truyền thống.




Văn Bình (theo BBC)

Bình luận(0)