Denis Pushilin: Một trong những nhà lãnh đạo chính quyền Cộng hòa Nhân dân Donetsk
Denis Pushilin, 32 tuổi đã giành được 77 lá phiếu khi ra tranh cử quốc hội cách đây một vài tháng, nổi lên là lãnh đạo của chính quyền nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng hồi tháng này. Chính quyền này chiếm văn phòng thống đốc tỉnh Donetsk làm trụ sở chính của mình.
Trong bộ trang phục chỉn chu, ông Pushilin lên tiếng thể hiện sự lo ngại về những nguy hiểm tiềm tàng đối với cộng đồng người nói tiếng Nga ở Ukraine. Đồng thời, vị lãnh đạo tự xưng của Cộng hòa Donetsk không ngừng tuyên bố tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về tình trạng khu vực của thành phố công nghiệp Donetsk này.
|
Một trong những lãnh đạo chính quyền Cộng hòa Donetsk Denis Pushilin.
|
“Sẽ phải có một cuộc trưng cầu dân ý”, là câu cửa miệng của lãnh đạo Pushilin vang lên từ một sân khấu được bảo vệ bởi công sự dã chiến với các bao cát, lốp xe tải và dây thép gai.
Sinh ra ngay tại quê hương Donetsk, Pushilin đã có thời gian học đại học tốt nghiệp với tấm bằng kĩ sư rồi nhập ngũ. Sau khi kết thúc thời hạn nhập ngũ, trở về đời sống thường nhật, Pushilin lặn lội tìm kế sinh nhai bằng đủ thứ nghề, từ nhân viên bảo vệ, bảo kê sòng bài cho tới nhân viên quảng cáo và bán bánh kẹo.
Vyacheslav Ponomaryov: Thị trưởng của nhân dân
Sau Denis Pushilin, Vyacheslav Ponomaryov được coi là “lá cờ thứ hai” của những người biểu tình thân Nga ở miền đông Ukraine. Mất hai giờ lái xe hơi chạy theo hướng bắc để tới thành phố Slavyansk của tỉnh Donetsk, bạn sẽ gặp được Ponomaryov, thị trưởng nhân dân trung tuổi và khá dè dặt trước ống kính phóng viên.
Khuôn mặt được che bởi chiếc mũ lưỡi trai, thỉnh thoảng ẩn hiện một số chiếc răng vàng lấp lánh, ông Ponomaryov khiêm tốn chia sẻ một vài thông tin mang tính riêng tư của mình cho cánh phóng viên. Ông tỏ ra khá kín đáo khi kể về quãng thời gian phục vụ trong quân đội trong thời chiến tranh Lạnh hay công việc kinh doanh của mình.
|
Thị trưởng nhân dân của thành phố Slavyansk Vyacheslav Ponomaryov.
|
“Ở Slavyansk, không có bất cứ một người binh sĩ hay thành viên nào của Lực lượng vũ trang Nga cả. Chúng tôi không có liên lạc với giới lãnh đạo, các cơ quan an ninh hay quân đội của Liên bang Nga cả”, ông Ponomaryov cho hay.
Vị thị trưởng cho biết, thời gian phục vụ quân ngũ của mình kết thúc vào năm 1991 cùng thời điểm với sự sụp đổ của Liên Xô. Ông phục vụ trong một đơn vị hoạt động đặc biệt thuộc Hạm đội phương Bắc. Phục viên trở vể, ông điều hành một xưởng sản xuất và “sau đó tôi đã biến nó trở thành công ty của mình”. “Bây giờ tôi sở hữu một công ty khác, chuyên sản xuất xà phòng”, ông cho hay.
Hiện thời, ông Ponomaryov là người chỉ huy khoảng 2.500 người có vũ trang (mà theo sự nhẩm tính của ông) đang canh gác các trạm kiểm soát xung quanh thành phố. Ông gọi họ là “những tình nguyện viên tới từ Nga” và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô khác.
Nói về cuộc đụng độ với lực lượng quân đội chính phủ, người chỉ huy nhóm dân quân tự vệ liên tục nói: “Chúng tôi đang duy trì liên lạc ở tất cả các cấp, với tất cả các thị trấn và thành phố ở nước Cộng hòa Donetsk”.