Ngày 6/1, người quản lý của Lê Âu Ngân Anh (hoa hậu Đại dương Việt Nam 2017) cho biết đơn khởi kiện Cục Nghệ thuật biểu diễn (Cục NTBD) của Ngân Anh đã được gửi đến TAND TP Hà Nội và tòa này đã nhận đơn để xem xét việc thụ lý trong thời gian quy định. Dù không có phép của Cục NTBD nhưng hiện người đẹp Ngân Anh đang chụp ảnh và luyện tập chuẩn bị tham dự Miss Intercontinental 2018 (Hoa hậu Liên lục địa 2018), diễn ra từ ngày 8 đến 27/1 tại Philippines, để tranh tài cùng với hơn 90 đại diện nhan sắc đến từ nhiều nước.
Kiện quyết định hành chính cá biệt
Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, trước đó ngày 3/12, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoa hậu Thế giới đã nộp hồ sơ xin Cục NTBD cấp phép cho Lê Âu Ngân Anh tham dự Miss Intercontinental 2018. Nhưng bảy ngày sau, Cục NTBD có công văn từ chối cấp phép cho Ngân Anh. Lý do là vì Ngân Anh vi phạm quy chế thi cuộc thi Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2017. Cục đã đề nghị ban tổ chức hủy kết quả cuộc thi nhưng ban tổ chức không chấp hành. Do đó Cục NTBD không có căn cứ để chấp nhận hồ sơ của Ngân Anh.
Hoa hậu Ngân Anh cho rằng văn bản trên là một quyết định hành chính trái luật, đã ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền và lợi ích hợp pháp của cô nên cô khởi kiện yêu cầu hủy bỏ.
Vấn đề pháp lý trong vụ này là tòa sẽ giải quyết yêu cầu khởi kiện của hoa hậu Ngân Anh theo thủ tục tố tụng nào? Nếu không có sự chấp thuận của Cục NTBD mà hoa hậu này vẫn tham dự Miss Intercontinental 2018 thì sẽ đối diện với nguy cơ gì?
Theo TS Cao Vũ Minh (giảng viên khoa Luật hành chính, Trường ĐH Luật TP.HCM), công văn từ chối của Cục NTBD được coi là quyết định hành chính (QĐHC) cá biệt. TS Minh lý giải Nghị quyết 02/2011 và Nghị quyết 01/2015 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn Luật Tố tụng hành chính 2010) nhưng do Luật Tố tụng hành chính 2016 chưa có hướng dẫn mới nên hai nghị quyết này vẫn còn hiệu lực.
Theo hướng dẫn tại hai nghị quyết trên thì công văn của Cục NTBD thông báo việc từ chối cấp phép là dạng công văn chứa đựng nội dung cụ thể, liên quan đến một người cụ thể và có dạng của một QĐHC cá biệt. Do đó hoa hậu Ngân Anh có thể khởi kiện vụ án hành chính đối với công văn trên của Cục và tòa có thể thụ lý vụ án hành chính.
Đồng tình, luật sư (LS) Lê Minh Nhựt (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 02/2011 nêu QĐHC thuộc đối tượng khởi kiện được thể hiện dưới hình thức quyết định hoặc hình thức khác như thông báo, kết luận, công văn do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành có chứa đựng nội dung của QĐHC. Các văn bản này được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính mà người khởi kiện cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Do vậy có thể coi văn bản của Cục NTBD là một QĐHC cá biệt.
Nếu vẫn đi thi, có thể bị phạt?
TS Cao Vũ Minh cho rằng việc Ngân Anh xác nhận rằng sẽ vẫn đi Philippines tham dự cuộc thi Miss Intercontinental 2018 thì bản thân Ngân Anh và đơn vị quản lý hoa hậu này có thể bị xử phạt hành chính. Bởi theo quy định, đi ra nước ngoài tham dự các cuộc thi sắc đẹp thì phải có giấy phép, mà không có giấy phép thì cả thí sinh và đơn vị quản lý sẽ bị xử phạt.
Dẫn chứng, LS Nguyễn Văn Hòa (Đoàn Ls TP.HCM) cho biết quy định xử phạt nằm trong Văn bản hợp nhất số 1433 của Bộ VH-TT&DL ngày 10-4-2017 hợp nhất nghị định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Theo đó, điểm a khoản 5 Điều 14 Văn bản hợp nhất số 1433 quy định: Phạt tiền 15-30 triệu đồng nếu ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế theo quy định phải có giấy phép mà không có giấy phép. Đối với công ty quản lý hoa hậu Ngân Anh thì khoản 6 Điều 14 của Văn bản 1433 quy định: Phạt tiền 30-40 triệu đồng đối với hành vi đưa thí sinh ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu mà không có giấy phép.
Ngoài ra, vì không được cấp giấy phép dự thi của Cục NTBD nên nếu có đạt thành tích thì Ngân Anh cũng không được công nhận tại Việt Nam.