Trên thực tế, Hà Kiều Anh vốn sinh ra trong một gia đình có học thức và địa vị trong xã hội. Ông ngoại của cô nguyên là Thứ trưởng Bộ Xây dựng, còn ông nội nguyên là Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, bố cô là kỹ sư điện tử, còn mẹ là một nữ doanh nhân thành đạt. Thế nên từ trước đến nay, ngoài danh hiệu “Hoa hậu Việt Nam 1992” thì Hà Kiều Anh còn được nhiều người ngưỡng mộ bởi nền tảng tri thức và trình độ học vấn cao. Có điều mới đây, người đẹp sinh năm 1976 khiến dư luận không khỏi bất ngờ khi chia sẻ câu chuyện về xuất thân “trâm anh thế phiệt” của mình.
|
Bức ảnh bà nội được Hà Kiều Anh chia sẻ. |
Cụ thể, Hà Kiều Anh kể, ngày nhỏ cô vẫn thường nghe bà nội dạy rằng, ngoài việc mang họ Hà của ông nội Hà Văn Lâu thì cô còn là “con vua cháu chúa”. Lúc bấy giờ, cô cứ nghĩ bà nhiều tuổi nên lẩm cẩm nên mới nhắc đến chuyện vua chúa xưa kia. Song sau này khi trưởng thành và ngày càng lớn tuổi, cô mới hiểu tại sao người ta hay nhớ về cội nguồn.
Theo chia sẻ của Hà Kiều Anh thì bà cố nội (hay còn gọi là cụ nội) của cô tên Công Tằng Tôn Nữ Truyền Kinh, là một trong 7 người cháu nội của Tuy Lý Vương – hoàng tử thứ 11 con vua Minh Mạng. Tuy Lý Vương được dân yêu mến gọi là “ông quan 3” - quan Thơ (ông làm thơ rất hay), quan nông (ông thường hay mặc quần áo nâu hướng dẫn dân làm ruộng), quan hiếu (ông rất có hiếu với mẹ, đã đón mẹ mình lúc đó là vợ vua - bà là Lê Thị Ái, còn gọi là Lê Tiệp Dư Từ về ở Phủ Tuy Lý Vương của mình để phụng dưỡng suốt đời cho đến lúc bà mất). Phủ Tuy Lý Vương đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Bên cạnh đó, bà Công Tằng Tôn Nữ Truyền Kinh cũng đồn thời là người vợ thứ 3 của ông Nguyễn Tăng Lộc – một vị quan trong triều đình nhà Nguyễn, được miêu tả là một người phụ nữ cực kỳ xinh đẹp, có thể nói là sắc đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” với làn da trắng muốt không tỳ vết. Tiếc là bà mất khi mới 36 tuổi do căn bệnh đậu mùa. Trước đó, bà đã kịp sinh được 2 người con gồm 1 nam, 1 nữ và người con gái của bà chính là Nguyễn Tăng Diệu Hương – bà nội của Hà Kiều Anh. Chính bởi lẽ đó mà Hà Kiều Anh bảo, bà nội cô lúc nào cũng nói bà là “con vua cháu chúa”, còn cô cũng là “công chúa đời thứ 7”.
|
Hà Kiều Anh và con gái. |
Nhắc đến bà nội, Hà Kiều Anh tâm sự, tuy sau khi bà mất, cô không thường xuyên về Huế nhưng trong lòng thì vẫn luôn tự hào về bà – “vị công chúa có cốt cách cao quý nhất”. Người đẹp nói thêm, cô tin rằng bà sẽ mỉm cười nơi chín suốt, còn các con các cháu của bà sẽ luôn cố gắng sống đúng mực để không hổ thẹn dòng dõi quý phái gia tộc nhà mình. Trong một số lần về Huế, lần nào cô cũng đến thăm lăng vua Minh Mạng, thắp hương cho tổ tông của mình, thăm phủ Tuy Lý Vương.
Ngay khi Hoa hậu Hà Kiều Anh chia sẻ câu chuyện này, đông đảo giới nghệ sĩ và người hâm mộ đã bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho cô và gọi cô là “công chúa”. Tuy nhiên, xung quanh câu chuyện này cũng có nhiều ý kiến phản biện trái chiều thể hiện sự băn khoăn về độ xác thực của danh xưng “công chúa đời thứ 7” của Hà Kiều Anh.
|
Hà Kiều Anh. |
Theo đó, theo những cứ liệu lịch sử được ghi chép lại và lưu truyền cho tới bây giờ thì Tuy Lý Vương thực chất là tước hiệu được vua Minh Mạng ban tặng cho ông Nguyễn Phúc Thư, sau được ban tên Nguyễn Phúc Miên Trinh. Mẹ ông là bà Tiệp dư Lê Thị Ái – là một thứ phi của vua Minh Mạng triều nhà Nguyễn.
Chiểu theo các bậc gọi là “cửu giai” – thứ tự sắp xếp các phi tần ở chốn hậu cung thì bà Tiệp dư Lê Thị Ái được xếp ở hàng “lục giai”, tức là chưa đến hàng phi tần (thứ thiếp đứng sau Hoàng hậu). Vì thế việc con cháu của bà Tiệp dư Lê Thị Ái sau này nhận mình là “công chúa” như Hà Kiều Anh là không thể. Bởi trên thực tế, dưới triều Nguyễn, những người con gái của vua khi sinh ra chỉ được gọi là hoàng nữ, để được phong là công chúa thì phải được cử hành lễ sắc phong, có sách bảo và phong hiệu riêng.
Không chỉ vậy xung quanh những chia sẻ của Hà Kiều Anh cũng có một vài chi tiết lịch sử được cho là chưa chuẩn xác lắm con trai của Tuy Lý Vương Miên Trinh tên là Hường Ngải chứ không phải Hường Ngãi.
Hiện Hà Kiều Anh chưa đưa ra phản hồi hay lời giải đáp nào về những thắc mắc kể trên.