“Tẩy chay” là từ khóa gây ám ảnh với showbiz Việt suốt nhiều tháng qua. Hiện tượng tẩy chay đã xuất hiện trên mạng xã hội từ nhiều năm trước nhưng trở nên rầm rộ và để lại những ảnh hưởng có thật trong khoảng 3 năm trở lại đây, đặc biệt là 2021 với những ồn ào sao kê từ thiện của nhiều nghệ sĩ. Người ta còn kêu gọi nhau tẩy chay, "không tẩy chay nửa vời, phải tẩy chay đến nơi đến chốn".
Mới đây, trên fanpage Miss World Vietnam đăng tải thông tin Hoa hậu Mai Phương Thúy là cái tên tiếp theo ngồi ghế giám khảo. Nhưng điều đáng bàn là người dành lời khen cho nàng hậu thì ít mà phần lớn là ý kiến phản đối Đàm Vĩnh Hưng - 1 trong 5 giám khảo đã được công bố từ hồi 4/2021.
Kéo xuống các bài đăng trên fanpage này, hầu hết ở phần bình luận là những ý kiến bất bình, tẩy chay chương trình với lựa chọn sai lầm này. Lý do được đưa ra: “Bản thân Đàm Vĩnh Hưng còn chưa đẹp, sao lại làm giám khảo Miss World Vietnam?”. Bởi trước đó, giọng ca “Nửa vầng trăng" thường xuyên có những phát ngôn thách thức, kiểu nhận mình là “vùng đất cấm"; Dậy sóng dư luận nhất là việc Đàm Vĩnh Hưng bị tố không minh bạch tiền từ thiện, thậm chí còn bị VTV “chỉ mặt" trong phóng sự "từ thiện thiếu minh bạch".
Hiện tại, dư luận cho rằng dù Đàm Vĩnh Hưng đã làm đơn tố cáo người tung tin nhưng đến nay chưa có kết luận cuối cùng từ cơ quan điều tra thì không xứng đáng ngồi ghế giám khảo cuộc thi nhan sắc tầm cỡ quốc gia. Dư luận vẫn tiếp tục đưa bình luận trên fanpage để mong nhận câu trả lời từ BTC Miss World Vietnam.
Cũng rơi vào trường hợp như Đàm Vĩnh Hưng, trước đó, vì chưa rõ ràng trong việc sao kê từ thiện, Trấn Thành, Thủy Tiên, Hoài Linh đã vướng phải "làn sóng" tẩy chay. Trấn Thành xác nhận trở lại "cầm trịch" Rap Việt mùa 2 nhưng ngay dưới bài đăng nhiều tài khoản để lại bình luận với nội dung sẽ "tắt tivi".
Thủy Tiên bị lập nhóm anti-fan với hơn 200.000 thành viên, thường chia sẻ những bài viết chỉ trích hoạt động của nữ ca sĩ. Đặc biệt, thời điểm nổ ra ồn ào, rất nhiều nhãn hàng Thủy Tiên quảng bá đã buộc phải dừng hợp tác với nữ ca sĩ. Theo nhãn hàng, họ luôn lắng nghe và trân trọng tất cả các góp ý các khách hàng với tinh thần thiện chí, dung hòa và minh bạch nhất.
Hoài Linh cũng điêu đứng vì scandal lớn nhất trong sự nghiệp - “ngâm” số tiền 14 tỷ đồng quyên góp từ thiện miền Trung suốt 6 tháng qua. Ồn ào này không những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự nghiệp rực rỡ của nam danh hài bao lâu nay gây dựng mà còn ảnh hưởng tới cả những nhãn hàng mà nam nghệ sĩ quảng cáo hay làm đại sứ. Cuối cùng, dưới sức ép dư luận, một sàn thương mại điện tử đã buộc phải gỡ bỏ hầu hết hình ảnh của Hoài Linh trên website và fanpage.
Đáng chú ý nhất, nhiều cư dân mạng cũng đổ xô vào fanpage của chương trình “Thách thức danh hài” để kêu gọi tẩy chay Hoài Linh. Bởi mùa 7 sắp tới, nam nghệ sĩ sẽ đảm nhận vai trò giám khảo. Sau đó, nam danh hài buộc phải rút lui khỏi chương trình này và “ở ẩn" suốt nhiều tháng qua.
Trước đó, nhiều người cho rằng khán giả Việt Nam có phần dễ dãi với những nghệ sĩ vướng vào scandal vì sau đó họ vẫn được làm nghề như chưa có gì xảy ra; không như ở Trung Quốc, Hàn Quốc..., nghệ sĩ nào bị tẩy chay là hết đường trở lại bởi anti-fan chính là “thế lực ngầm” có sức mạnh tác động đến sự tồn tại của một nghệ sĩ.
Phạm Băng từng Băng là hoa đán nổi tiếng bậc nhất làng giải trí xứ Trung, đại diện của rất nhiều nhãn hàng quảng cáo từ mỹ phẩm, đồ trang sức, thương hiệu thời trang... Nhưng sau bê bối trốn thuế, nữ diễn viên bị công chúng tẩy chay. Nhiều nhãn hàng nổi tiếng từ Louis Vuitton, Guerlain, Refa... lần lượt quay lưng với mỹ nhân họ Phạm. Cô thậm chí đang bị liệt vào danh sách cấm sóng vĩnh viễn, không có “cửa" trở lại nghệ thuật.
Còn ở Hàn Quốc người ta đồn rằng, trước khi học hát học nhảy, các thành viên nhóm nhạc, nghệ sĩ đều được học cách cư xử trước tiên. Và khi nghệ sĩ của họ xảy ra bất kỳ scandal dù lớn nhỏ đều phải hứng chịu cơn phẫn nộ của công chúng, khiến nhiều người tuyên bố giã từ sự nghiệp hay tìm đến cái chết để giải thoát.
Trong một bài chia sẻ cách đây không lâu, chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành cho rằng tẩy chay là quyền lực tối thượng của công chúng và khán giả. Đó cũng là cách "trừng phạt" hiệu quả nhất.
“Khán giả cần dùng đến "vũ khí" này thường xuyên hơn để buộc người nổi tiếng phải thận trọng khi hành xử ứng xử. Người nổi tiếng đã phải bỏ ra nhiều công sức để có được vị trí trong lòng người hâm mộ, họ cũng nên dành thời gian để học cách sống trên không gian mạng. Bản thân tôi cũng tham gia vào nhiều lớp đào tạo nghệ sĩ trẻ và tôi thấy họ tiếp nhận những điều này một cách tự nhiên. Trong thời gian tới, nên bổ sung kỹ năng sống trên mạng xã hội vào nhóm kỹ năng mềm được đào tạo bắt buộc trong các trường nghệ thuật và cả các trường phổ thông và đại học”, chuyên gia này cho hay.
Cũng bàn về “quyền lực mềm" không đùa được đâu của khán giả hiện nay, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng khán giả ngày càng tinh nhạy, thông minh. “Quyền lực của công chúng đã thay đổi. Nói cách khác, thời điểm này như một đường biên, những nghệ sĩ hiện nay sẽ là những người hy sinh để lớp nghệ sĩ sau nhìn vào và coi đó là bài học cho mình.
Đừng ảo tưởng rằng mình quyền lực, mình là ông vua bà chúa, mình có thể hô mưa gọi gió hay đứng trên dư luận. Những điều đó là có thật trước khi câu chuyện này xảy ra. Đúng là họ đã từng có những đặc quyền đặc lợi, và bây giờ họ không khỏi bị sốc. Các nghệ sĩ lứa sau sẽ nhìn vào đó và rút kinh nghiệm thôi, rồi showbiz sẽ không xảy ra những câu chuyện tương tự như thế này nữa!”.