“Sự cố” trong buổi triển lãm
Từ một cô tiểu thư khuê các, bà Nghiêm Thúy Băng (SN 1930, nguyên là cán bộ tại xí nghiệp điện ảnh Việt Bắc) đi theo người nhạc sĩ nghèo sau một đám cưới giản dị ở Hà Nội.
|
Vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh Gia đình cung cấp |
Từ đây mở ra những ngày tháng gian khổ, cay đắng những cũng đầy hạnh phúc như bà từng viết: “Cuộc đời tôi từ khi đến với anh Văn Cao chưa có một ngày nào được sung sướng về vật chất, nhưng tôi không ân hận khi trao cả cuộc đời cho anh”.
Bà chia sẻ, sau đám cưới, có lần đi chơi cùng chồng bà đã được ông kể cho nghe một câu chuyện “cười ra nước mắt”.
Đó là vào ngày triển lãm tranh của một họa sĩ, nhạc sĩ Văn Cao cũng đến dự. Trước khi đi, ông mượn được của người bạn thân một bộ comple khá đẹp, chỉn chu. Tại buổi triển lãm, có nhiều người nhận ra nhạc sĩ và đến xin chữ ký. Ông vui vẻ ký tên và tiếp chuyện.
Lúc này, có một cô gái trẻ mang giỏ hoa đến quyên tiền nghệ sĩ để ủng hộ một chương trình. Người nhạc sĩ vội sờ vào các túi áo và đỏ mặt xin lỗi cô gái. Ông nói, mình đã để quên ví ở nhà.
Tuy nhiên, sau này nhạc sĩ Văn Cao kể lại với vợ, thực ra lúc ấy ông không một xu dính túi. Bộ quần áo tươm tất trên người ông cũng chỉ là đi mượn.
Vợ nhạc sĩ và chén ‘rượu nước lọc’
Lấy chồng lúc còn hai bàn tay trắng nhưng bà Nghiêm Thúy Băng luôn tâm niệm: “Ngay cả những lúc sóng gió nhất trong cuộc đời, tôi vẫn ở bên cạnh anh và tôi cũng cảm nhận được tôi có ý nghĩa với anh như thế nào”.
Chồng đi kháng chiến, bà cũng lên chiến khu ở. Từ một tiểu thư khuê các ở Hà Nội, bà từ bỏ tất cả để chấp nhận một cuộc sống nghèo khó với quần nhuộm, áo nâu sòng. Bà tự chẻ củi, nấu nướng, gánh nước, buôn bán để kiếm tiền, gánh vác gia đình.
Bà chăm sóc ông chu đáo, ông hầu như chẳng phải đụng tay vào việc nhà. Bà muốn ông toàn tâm cho sự nghiệp nghệ thuật. Không chỉ thế, bà cũng rất chú trọng lo cho sức khỏe của ông.
Theo bà Nghiêm Thúy Băng, cố nhạc sĩ thường có nhiều bạn bè cũng như người hâm mộ ghé thăm. Những lần đó, khó tránh khỏi chuyện chén tạc chén thù để bàn luận về nghệ thuật.
Lần đó là vào Tết Âm lịch năm 1995, một buổi tối trời lạnh, nhà văn Đỗ Chu (SN 1944, Bắc Giang) cùng bạn lên thăm vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao. Gặp mọi người, Văn Cao vội rót rượu mời bạn.
Không muốn chồng uống rượu hại sức khỏe, bà Thúy Băng rỉ tai nhà văn Đỗ Chu đừng để ông uống nhiều.
Bà cho biết thêm, nhiều lần bà phải pha nước lọc vào cốc rượu của chồng. Ban đầu bà để nửa phần là rượu nửa phần là nước lọc nhưng rồi dần dần bà cho nước lã nhiều hơn rượu.
Tỉ mẩn, cẩn thận, bà như một y tá riêng chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ, sức khỏe cho chồng. Đặc biệt là khi ông bị phát hiện mắc bệnh phổi.
Bà kể, lần đó, ông Văn Cao tâm sự với vợ: “Nhiều đêm liền anh thức trắng không ngủ được. Anh thấy đau nhói ở ngực bên trái”.
Cũng trong thời gian đó, thấy chồng sốt nhẹ, sút cân, có lúc húng hắng ho, bà động viên chồng đi khám. Tại bệnh viện, sau khi thăm khám, bác sĩ thông báo, nhạc sĩ Văn Cao bị lao phổi. Bác sĩ kê thuốc đồng thời dặn nhạc sĩ phải nghỉ ngơi.
Từ khi biết chồng mắc bệnh, vợ nhạc sĩ Văn Cao đã rất lo lắng. Theo đơn bác sĩ kê, bà tự mình điều trị cho chồng do trước đó bà đã học qua lớp cứu thương.
Bà mua thuốc theo đơn sau đó tự tay tiêm cho chồng. Nhà nuôi được đàn gà, hằng ngày bà làm thịt hầm cho ông ăn. Được quả trứng nào bà cũng dành cho chồng bồi bổ sức khỏe.
Dù bác sĩ đã dặn phải nghỉ ngơi, không lao động mệt nhọc nhưng người nghệ sĩ vẫn không chịu ngơi tay. Ông vẫn miệt mài ký họa và sáng tác nhạc.
Về phần Văn Cao, ông cũng rất thương người bạn đời của mình. Bà kể: “Trong cuộc sống hằng ngày, vợ chồng chúng tôi ít khi có chuyện lời qua tiếng lại. Chồng tôi là người nhỏ nhẹ, không bao giờ to tiếng với vợ con”.
Một chi tiết nhỏ về ông khiến bà nhớ mãi tới nhiều năm về sau. Đó là sinh thời Văn Cao rất hay làm việc đêm khuya. Lúc gia đình đã ngủ, vạn vật tĩnh lặng là lúc những tiếng đàn của người nghệ sĩ lại cất lên.
Tuy nhiên, sợ ảnh hưởng đến giấc ngủ của vợ, ông lấy chiếc áo nhung của vợ phủ lên phím đàn. Vậy là, dù vẫn làm việc nhưng những tiếng đàn của ông cất lên không còn đủ sức làm phiền giấc ngủ của người bạn đời.