Khi công nghệ phát triển, âm nhạc cũng có cơ hội phát triển theo. Việc tiếp cận, quảng bá âm nhạc trên Internet là vô cùng sôi động, nhưng cũng kéo theo không ít hệ luỵ. Nhiều nghệ sĩ đã sử dụng đủ chiêu trò để tăng lượng người xem, người thích nhằm tăng doanh số bán sản phẩm. Rõ ràng, vì lợi nhuận mà giá trị ảo của thị trường âm nhạc hiện nay đang có xu hướng gia tăng.
Cơ hội phát triển
Thực tế vài năm qua, việc bán đĩa CD âm nhạc dần trở nên khó khăn, nhiều nghệ sĩ coi đó là "dĩ vãng". Thế nhưng thị trường âm nhạc trực tuyến nhanh chóng trở thành cứu cánh và có thể quảng bá rất tốt trên Internet, thông qua Facebook, Youtube…
Nhiều người còn cho rằng, hình thức Live streams cũng giúp các sản phẩm âm nhạc ngay lập tức tiếp cận khán giả cùng thời điểm sản xuất sản phẩm âm nhạc. Rõ ràng, cách làm này giúp ca sĩ, nhạc sĩ tiết kiệm được chi phí sản xuất, đồng thời tiếp cận được khán giả ở mọi lúc, ở nhiều nơi mà phương thức phát hành âm nhạc truyền thống không thể cạnh tranh. Không những vậy, nghệ sĩ có thể tương tác với công chúng và lập tức có những phản hồi tích cực hoặc tiêu cực. Nhiều ca sĩ cũng thừa nhận rằng, với công nghệ hiện đại hỗ trợ, giọng hát của họ có thể được "che bớt" những khuyết điểm, tôn lên những ưu điểm, giúp sản phẩm âm nhạc được tốt hơn.
Khi mà cuộc sống có quá nhiều thứ để làm, để quan tâm vì vậy công chúng rất thích thú với việc không phải đến trực tiếp xem buổi biểu diễn, hay chờ đợi lịch phát trên truyền hình, phát thanh. Họ chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh để thưởng thức các sản phẩm âm nhạc mọi nơi, mọi lúc. Chính sự tiện lợi này đã có rất nhiều người đăng ký nghe nhạc trên các trang nhạc trực tuyến.
|
Bằng nhiều cách, MV "Hãy trao cho anh" của Sơn Tùng liên tục xác lập các kỷ lục. |
Thực tế đã có rất nhiều ca sĩ, nhạc sĩ mới được đông đảo công chúng biết tới. Đặc biệt là giới ca sĩ theo đuổi dòng nhạc thị trường đã biết tận dụng thế mạnh của công nghệ số để phát triển. Xu hướng này có thể coi là tất yếu, cũng là mảnh đất vô cùng thuận lợi để các ca sĩ đưa sản phẩm của mình ra thế giới. Kênh Youtube đang được các ca sĩ tận dụng rất triệu để để mang đến sự nổi tiếng và lợi nhuận. Qua kênh này giới ca sĩ trẻ tỏ ra nhanh nhạy lập kênh cá nhân trên Youtube và nhiều trang mạng xã hội khác để đăng các MV của mình.
Trước đó, các MV chỉ là một sản phẩm để tri ân khán giả kèm đĩa CD thì nay các MV đã trở thành "vũ khí" vô cùng lợi hại. Rất nhiều ca sĩ đã không tiếc tiền, chi cả vài tỷ để thực hiện các MV sáng tạo, từ cảnh quay cho đến các diễn viên. Tuy nhiên, thước đo độ nóng của các MV này chính là số lượt view. Khi lượt view càng cao có nghĩa ca sĩ càng thu hút lợi nhuận từ các nhãn hàng tung tiền quảng cáo. Nhiều MV có lượt view lên đến 100 triệu.
Thế giới mạng từng chao đảo trước những MV như "Phía sau một cô gái" (Sobin Hoàng Sơn), "Nơi này có anh", "Lạc trôi" (Sơn Tùng MTP), "Bùa yêu" (Bích Phương). Đặc biệt cách đây ít ngày, không chỉ cộng đồng mạng trong nước mà khắp thế giới thực sự sốc khi MV "Hãy trao cho anh" của Sơn Tùng MTP lên sóng. MV được cho là đầu tư không tiếc tiền này xô đổ mọi kỷ lục của các ca sĩ, thậm chí của chính Sơn Tùng trong thời gian qua.
Theo thông tin chính thức từ phía Google, MV "Hãy trao cho anh" đã lập thêm 2 kỷ lục: MV của nam nghệ sĩ solo có lượt xem công chiếu lớn nhất thế giới và Top 20 MV có lượt xem cao nhất trong vòng 24 giờ. Cụ thể, lượt view sau 24h đầu ra mắt, tính đến thời điểm 20h ngày 2-7-2019 trên Youtube là 23 triệu, con số sau đó mà Metub đưa ra là 26 triệu thì hôm nay Google đã đưa ra con số sau cùng: 25,8 triệu lượt xem trong 24 giờ đầu.
Và những điều đáng suy ngẫm
Ngay khi các MV của Sơn Tùng MTP, và một số các ca sĩ khác đạt lượng view lớn, dư luận đã có 2 luồng ý kiến trái chiều. Không ít khán giả bày tỏ sự tự hào vì đây là lần đầu tiên một ca sĩ Việt có thể vươn ra thế giới, biến giấc mơ nhạc Việt chinh phục thế giới bước đầu có dấu hiệu khả thi.
Còn phía ý kiến khác, nhiều khán giả đã thừa nhận: "Không hiểu Sơn Tùng đang hát cái gì dù đã nghe vài lần". Nhiều người còn đặt nghi vấn, Sơn Tùng đã cố tình hát không rõ lời để người nghe phải nghe đi nghe lại nhiều lần. Vô tình, MV mới "Hãy trao cho anh" đã có lượt view cao không ngờ.
Nhiều nhà chuyên môn về âm nhạc đã khẳng định trước báo giới, "Hãy trao cho anh" của Sơn Tùng không phải là một sản phẩm xuất sắc. Thế nhưng nhìn vào MV đó, Sơn Tùng đã tỏ ra chịu chơi khi bạo tay đầu tư cho sản phẩm này sang Mỹ để quay MV. Anh mời cả những ngôi sao tên tuổi tham gia là rapper Snoop Dogg và Madiosn Beer.
Tính đến thời điểm này, "tiếng vang" của "Hãy trao cho anh" chủ yếu bắt nguồn từ lượng view "khủng" trên Youtube. Nhưng cũng có một sự thực khác, lượng view hoàn toàn có thể cố ý tạo nên bằng việc "cày view". Trong khi đó, người hâm mộ Sơn Tùng lại nổi tiếng là rất chăm "cày view" cho "sếp" (tên gọi thân mật giữa fan với Sơn Tùng).
Nhiều người tinh ý nhận ra đây là lần đầu tiên mà Sơn Tùng áp dụng tính năng công chiếu của Youtube. Tính năng này giúp khán giả có thể cùng nhau đếm ngược những giây phút cuối cùng trước khi sản phẩm chính thức ra mắt, đẩy sự tò mò lên cao và sau đó cho phép người xem cùng nhau thưởng thức video ngay tại thời điểm ra mắt, như một buổi công chiếu phim thực thụ. Trong khi chờ đợi, video lên sóng, người xem tương tác với nhau thông qua phần bình luận.
Cách làm này không có gì xa lạ trên thế giới, tuy nhiên ở Việt Nam mới chỉ một vài ca sĩ áp dụng và đã đạt được thành công lớn. Như thành công của Amee với MV "Anh nhà ở đâu đấy" và gần đây là MV "Em hơi mệt với bạn thân anh" của nữ ca sĩ Hương Giang. Chính nhờ việc thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng mà cả hai MV đều đạt được thành công bất ngờ, trong đó MV "Anh nhà ở đâu đấy" thậm chí còn xuất hiện trên Top 1 Trending của Youtube, còn "Em hơi mệt với bạn thân của anh" dù chỉ mới ra mắt vài tiếng đã đạt gần nửa triệu lượt xem.
Việc câu view và để phát triển, hướng tới công chúng bằng văn hoá, sự thực chất là điều nên làm. Nhưng câu view bằng mọi cách, bất chấp và tung hoả mù, tạo ra các giá trị ảo lại là chuyện khác.
Một sản phẩm nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc thị trường thì chẳng khó khăn gì để khán giả nhận ra nó có thực sự chất lượng hay không? Nó không chỉ được đánh giá bằng cảnh quay, bằng sự công phu của hình ảnh, bằng các sự nổi tiếng của người tham gia mà còn cả bài hát ấy có thực sự hấp dẫn hay không?! Không ít nghệ sĩ trẻ lạm dụng các chiêu trò, scandal, tạo ra những chiến dịch PR rầm rộ đã khiến dư luận không hài lòng.
Nghệ thuật đã bị công nghệ hóa.
Cơ hội sẽ dành cho tất cả mọi người, nhưng với tinh thần là tạo ra một sân chơi lành mạnh, chứ không chỉ là sự làm màu quá đáng. Ăn theo Facebook, Youtube là vô cùng, và có thể tâng bốc quá đáng một sản phẩm này, hoặc "dìm hàng" một sản phẩm khác.
Mới đây, Sơn Tùng M-TP đã trở thành ca sĩ đầu tiên của Việt Nam được YouTube trao nút Play Vàng vì có số lượt view kỷ lục, mang lại doanh thu lớn. Nhưng đằng sau lợi nhuận có thật và những lượt view, like được thống kê; công chúng lại phải đặt câu hỏi về tính thực tế của chất lượng sản phẩm âm nhạc. Những con số kia có thực sự là thước đo tính hấp dẫn của sản phẩm âm nhạc hay chỉ là kết quả từ sự đo đếm nhất thời của fan?
Các chuyên gia âm nhạc cho rằng, nhiều ca sĩ dễ dãi, chất lượng MV kém nhưng nhờ số lượng fan hâm mộ nhiều, xu thế giải trí nhất thời, hời hợt nên các sản phẩm ngay lập tức "hot".
Còn những người làm nghề nghiêm túc, có giọng ca vàng lại đang vật vã trong giới thiệu sản phẩm của mình tới khán giả. Giá trị ảo trong đời sống âm nhạc đang lên ngôi mạnh mẽ, cần phải có sự đánh giá rõ ràng, không chạy theo số đông. Sự tỉnh táo của công chúng sẽ trả lại giá trị đích thực âm nhạc trong thời kỳ công nghệ lên ngôi như hiện nay.