Mời độc giả xem video tại đây (Nguồn: VTC)
Những tập tục khác lạ
Mỗi dịp xuân về, sau khi ăn tết, ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam, các lễ hội diễn ra liên tiếp, từ hội cấp quốc gia, cấp tỉnh đến hội làng. Trong số hàng trăm, hàng ngàn lễ hội đó, có rất nhiều lễ hội mà trong đó còn lưu giữ những tập tục, trò chơi, trò diễn mà nếu không tìm hiểu kỹ càng, có lẽ nhiều người cho là dung tục.
Có thể kể ra đây một số tục lệ. Chẳng hạn trò chơi bắt chạch trong chum. Theo các tài liệu về văn hóa dân gian, trò này phổ biến trong lễ hội làng Hoa Sơn (tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội), Văn Trưng, Thạc Trục, Bạch Trữ (Vĩnh Phúc), Đường Yên (Hà Nội), Tiên Du, Mẫn Xá (Bắc Ninh), Phan Xá (Hà Tĩnh)...
|
Hình ảnh bắt chạch trong chum trong tranh dân gian Đông Hồ. |
Nội dung của trò này là chơi từng cặp nam nữ, người nọ ôm lưng người kia và cùng nhau thọc tay vào chum bắt chạch. Ngày nay chơi trò này người ta chỉ ôm eo nhưng trong tranh dân gian Đông Hồ, khi miêu tả lễ hội, người ta đã vẽ cảnh đánh đu, cảnh đốt pháo và cảnh một cặp đôi đang bắt chạch trong chum. Đáng nói là hình ảnh cặp đôi bắt chạch, người con trai đứng sau người con gái, hai tay ôm eo và bàn tay sờ vào ngực người con gái.
Cho đến nay, tục lệ này vẫn còn được duy trì trong lễ hội làng Văn Trưng (Dưng) huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc vào ngày 6 tháng Giêng hàng năm. Trong ngày hội, người ta tổ chức bắt chạch ngay trước sân đình, như một nghi thức thiêng liêng để cầu thần linh chứng giám và phù hộ độ trì cho dân làng được khỏe mạnh, cây trồng vật nuôi sinh sôi nảy nở gấp năm gấp mười.
Ngoài ra, trong sách "Cơ sở văn hóa Việt Nam" của Giáo sư Trần Ngọc Thêm, ông đã dẫn ra một số lễ hội có những tập tục độc đáo. Chẳng hạn hội làng Đồng Kị - Bắc Ninh có tục rước sinh thực khí (mô hình bộ phận sinh dục người) bằng gỗ. Tan hội chúng được đem đốt và tro chia cho mọi người mang rắc ra ngoài ruộng. Hoặc vào dịp hội đền Hùng, ở vùng đất tổ lưu truyền điệu múa “tùng dí”, thanh niên nam nữ múa từng đôi, cầm trong tay những vật biểu trưng cho sinh thực khí của nam và nữ.
Mới đây, báo chí mới đưa tin một lễ hội địa phương ở Lạng Sơn có tục rước sinh thực khí nam. Đó là hội xuân Ná Nhèm ở xã Trấn Yên huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn.
Vì sao lại thế?
Những tập tục như đã kể trên, dưới con mắt của các nhà nghiên cứu văn hóa, được gọi là mang ảnh hưởng của tín ngưỡng phồn thực. Giáo sư Trần Ngọc Thêm trong tài liệu đã nói ở trên viết: “Lễ hội (của người Việt) gồm hai phần là phần lễ và phần hội. Phần hội gồm các trò vui chơi giải trí hết sức phong phú. Xét về nguồn gốc, phần lớn các trò chơi này đều xuất phát từ những ước vọng thiêng liêng của con người nông nghiệp: Xuất phát từ ước vọng cầu mưa là các trò tạo ra tiếng nổ mô phỏng tiếng sấm vào các hội mùa xuân để nhắc trời làm mưa như thi đốt pháo, đi thuyền đốt pháo, ném pháo, đánh pháo đất... Xuất phát từ ước vọng cầu cạn là các trò thi thả diều vào các ngày hội mùa hè mong gió lên, nắng lên để nước lụt mau rút xuống. Xuất phát từ ước vọng phồn thực là các trò cướp cầu thả lỗ, đánh đáo, ném còn, nhún đu, bắt chạch trong chum...”.
|
Hình ảnh rước sinh thực khí nam trong lễ hội Ná Nhèm. Ảnh: Trí thức trẻ. |
Cũng tương tự như vậy, quyển "Cơ sở văn hóa Việt Nam" do cố Giáo sư Trần Quốc Vượng chủ biên cũng nói: “Đáng lưu ý là sự tồn tại của tín ngưỡng phồn thực trong lễ hội cổ truyền. Nhân vật phụng thờ của lễ hội cổ truyền một số làng quê chính là các biểu tượng của tín ngưỡng phồn thực như ông thánh Bôn mà một số làng quê ở Thanh Hóa thờ phụng, như phật Thạch Quang theo truyền thuyết là con Man nương và nhà sư Khâu đà la gửi vào cây dâu, cũng là một Linga (tức sinh thực khí nam) bằng đá. Tín ngưỡng phồn thực tồn tại đậm đặc nhất là ở các trò diễn, trò chơi của một số lễ hội cổ truyền. Có thể kể đến những trò diễn gợi bóng phảng phất tín ngưỡng này như trò chen của lễ hội làng Nga hoàng (nay thuộc Bắc Giang), trò tắt đèn đêm giã La (Hà Tây), những trò diễn mô phỏng lại hành vi giao phối bằng các biểu tượng như trò múa mo ở Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Tây), trò múa gà phủ, múa tùng dí, trò bắt chạch trong chum ở làng Văn Trưng (Vĩnh Phúc) hoặc trong các lễ hội vùng Phong Châu (Phú Thọ)”.
Tài liệu này cũng định nghĩa tín ngưỡng phồn thực là khát vọng cầu mong sự sinh sôi nảy nở của con người và tạo vật, lấy các biểu tượng về sinh thực khí và các hành vi giao phối làm đối tượng. Tín ngưỡng này có mặt rất sớm trong cơ tầng văn hóa Đông Nam Á cổ đại nhưng có sự biến thiên khác nhau giữa các vùng.
Lý giải thêm về tín ngưỡng phồn thực, Giáo sư Trần Ngọc Thêm nói rằng trong tín ngưỡng phồn thực có hai nét đặc trưng nhất là việc thờ sinh thực khí và thờ hành vi giao phối. Ở Phú Thọ, Hà Tĩnh và nhiều nơi khác có tục thờ cúng mõ (nõn) nường. Trong đó nõ là cái nêm, tượng trưng cho sinh thực khí nam, nường là nang, mo nang tượng trưng cho sinh thực khí nữ.
Sở dĩ người Việt có tín ngưỡng đó là vì ngay từ đầu, duy trì và phát triển sự sống đã là một nhu cầu thiết yếu nhất của con người. Đối với người Việt, vốn xuất thân từ nền văn hóa nông nghiệp, hai việc này lại càng bội phần hệ trọng. Để duy trì cuộc sống, cần cho mùa màng tươi tốt. Để phát triển sự sống, cần cho con người sinh sôi. Hai hình thức sản xuất lúa gạo (để duy trì cuộc sống) và sản xuất con người (để kế tục dòng giống) này có bản chất giống nhau, đó là sự kết hợp của hai yếu tố khác loại (đất và trời, mẹ và cha).
Từ một thực tiễn đó, tư duy cư dân nông nghiệp Nam Á đã phát triển theo hai hướng: Những trí tuệ sắc sảo đi tìm quy luật khách quan để lý giải hiện thực, kết quả là tìm được triết lý âm dương. Còn những người có trình độ hạn chế thì nhìn thấy ở hiện thực một sức mạnh siêu nhiên, bởi vậy mà sùng bái nó như thần thánh, kết quả là xuất hiện tín ngưỡng phồn thực (phồn tức là nhiều, thực là nảy nở).
Như vậy những tập tục gợi nhớ đến “chuyện ấy” và “cái ấy” trong một số lễ hội ở nước ta thực chất là dư âm còn lại của tín ngưỡng phồn thực của người Việt từ xa xưa. Ý tứ sâu sắc của nó là cầu cho mùa màng tươi tốt, tự nhiên và con người cùng sinh sôi nảy nở hài hòa. Được như vậy tức là có ấm no và hạnh phúc.