Trong quá trình khám quật những nhà máy sản xuất đồng cổ xưa ở miền Nam Jordan, một nhóm các nhà khảo cổ đã phát hiện một chiếc bùa hộ mệnh của Ai Cập có ghi tên của vị Pharaoh hùng mạnh Sheshonq I.
Hiện vật nhỏ bé này có thể là bằng chứng về chiến dịch quân sự huyền thoại mà Sheshonq I từng tiến hành tại khu vực này gần 3.000 năm về trước.
Miếng bùa nhỏ với hình dáng giống một con bọ hung được tìm thấy tại khu vực sản xuất đồng Khirbat Hamra Ifdan, quận Faynan, khoảng 50 km về phía Nam Biển Chết.
Theo miêu tả của hiện vật được đăng tải trên tạp chí Antiquity, trên miếng bùa có dòng chữ tượng hình với nội dung: “Hiện thân tỏa sáng của Re, người được Amun/Re lựa chọn,” tương ứng với danh xưng khi lên ngôi của Sheshonq I, vị Pharaoh sáng lập triều đại thứ 22 của Ai Cập cổ, người được cho là đã trị vì đất nước từ khoảng năm 945 TCN cho tới năm 924 TCN.
“Hầu hết các hiện vật loại này đều là bùa hộ mệnh, đôi khi chúng còn là trang sức, và thỉnh thoảng được sử dụng như một con dấu hành chính hoặc cá nhân,” Thomas E. Levy, tác giả chính của bài báo, một giáo sư nhân chủng học thuộc Đại học California, San Diego, Mỹ cho biết.
Điều thú vị là tấm bùa nhỏ này không hề được tìm thấy trong quá trình khai quật, mà là do một sinh viên nhặt được trên mặt đất trong khi Levy đang hướng dẫn một đoàn thăm quan khu vực luyện xỉ cổ tại Khirbat Hamra Ifdan.
Levy và các đồng nghiệp cho biết, mặc dù không được phát hiện trong bối cảnh khảo cổ ban đầu của nó, miếng bùa vẫn có thể cung cấp bằng chứng về phạm vi của chiến dịch quân sự do Sheshonq I lãnh đạo tại khu vực giàu khoáng sản này.
Trong một nghiên cứu xuất bản năm 2008, Levy và các đồng nghiệp đã xác định được một sự gián đoạn lớn trong sản xuất đồng công nghiệp ở Faynan trong thế kỷ 10 TCN. Họ cho rằng điều này có liên quan tới chiến dịch quân sự của Sheshonq I.
Kinh thánh Do Thái có đề cập tới cuộc khai thác của nhà vua Ai Cập mang tên “Shishak” – đây rất có thể chính là Sheshonq I. Vị vua này được cho là đã xâm chiếm khu vực mỏ đồng 5 năm sau cái chết của vua Solomon vào năm 931 TCN, cùng với các thành phố ở thung lũng Jezreel và vùng Negev, thậm chí còn hành quân tới Jerusalem. Những chữ viết ở ngôi đền Karnak, thuộc thành phố cổ Thebes của Ai Cập cũng ca ngợi về chiến dịch quân sự này của Sheshonq I.
Trước đây, Levy và các đồng nghiệp đã từng tìm thấy những miếng bùa tương tự tại Khirbat en-Nahas, rất giống với những mẫu bùa phổ biến của triều đại Sheshonq I. Điểm đặc biệt ở hiện vật mới phát hiện là việc nó có chứa bằng chứng dạng văn bản đầu tiên chứng minh liên kết giữa thời gian gián đoạn nói trên với cuộc chinh phạt của Sheshonq I.