Nữ đoàn viên Komsomol cương trực
Vera Krylova là một đoàn viên Komsomol có ý chí và luôn hăng hái đấu tranh bảo vệ công lý. Sự quản lý yếu kém và các tệ nạn quan liêu, hách dịch tại quận quê hương Tatar của cô ở vùng Novosibirsk không thể khiến cô thờ ơ. Khi các ý kiến phê bình, đóng góp tại các cuộc họp và lời kêu gọi đối với tổ chức đảng và các cơ quan kinh tế cấp cơ sở không giúp ích được gì, Krylova đã viết một bức thư cho Stalin vào mùa xuân năm 1941.
Các thanh tra từ Moscow được phái đến địa phương để xác minh các vụ lạm dụng, khuyết điểm và tội ác. Năm 1942, Krylova được thưởng Huân chương Lao động Cờ Đỏ vì hành động đấu tranh của mình. Lúc đó, cô đang ở mặt trận - nơi cô tình nguyện phục vụ từ những ngày đầu tiên của chiến tranh.
Là quân y sỹ, chỉ huy bộ phận quân y của một đại đội, Krylova điều trị những người lính và sĩ quan Hồng quân bị thương. Nhưng nhiều việc cũng đã đến tay cô - rất nhiều tình tiết chiến đấu, bao gồm chỉ huy bộ đội rút khỏi vòng vây, dìu Trung đoàn trưởng ra khỏi trận địa, tổ chức phòng thủ, v.v.
Vào cuối tháng 11/1941, theo quyết định của Tư lệnh các Tập đoàn quân của Phương diện quân phía Tây Georgy Zhukov, Vera Krylova đã được trao tặng Huân chương Chiến đấu Cờ Đỏ và được bổ nhiệm làm chỉ huy một đại đội quân y. Đến lúc này, Trung đoàn, nơi Krylova phục vụ, được nhận danh hiệu "Trung đoàn Cận vệ số 12". Năm 1942, báo chí trung ương đã viết về Krylova, cô lúc này là đại úy quản trị viên - đang ấp ủ ý tưởng thành lập các đơn vị nữ bộ binh trong Hồng quân.
Krylova đã chia sẻ suy nghĩ của mình về các đơn vị nữ bộ binh với nhà văn Lydia Seifullina - người phỏng vấn cô. Seifullina được Stalin quý trọng và ngày 17/10/1942, bà đã viết thư cho nhà lãnh đạo với đề nghị ông gặp Vera Krylova. Bức thư mô tả chi tiết tiểu sử của người đoàn viên Komsomol, Seifullina không quên nhắc đến bức thư của Vera gửi Stalin về những lộng quyền của các quan chức địa phương ở Siberia, mô tả quảng đường chiến đấu của Krylova. Nhà văn đã sử dụng các đòn bẩy hành chính có thể và Krylova cũng đã có những cơ hội nhất định.
"Lữ đoàn nữ bộ binh tình nguyện"
Theo các căn nguyên tắc pháp lý, ngày 8/9/1941, Bộ Quốc phòng Liên Xô đã ký lệnh thành lập các Trung đoàn nữ Không quân; từ tháng 3/1942 các nữ đoàn viên Komsomol bắt đầu được gọi vào các đơn vị Phòng không; từ tháng 4/1942, theo sắc lệnh của Ủy ban Quốc phòng Nhà nước (ГКО - GKO), các chiến sĩ nữ được bổ sung cho các đơn vị Thông tin liên lạc; từ tháng 5/1942 - cho các đơn vị Hải quân.
Stalin tiếp Krylova vào ngày 24/10. Một phần của cuộc trò chuyện còn có sự tham gia của Molotov và Beria. Stalin tâm đắc ý tưởng về các đơn vị nữ bộ binh. Hồng quân Liên Xô năm 1942 bị tổn thất nặng nề, những "sư đoàn Siberia" nổi tiếng không phải là vô tận, ở đây lại có nguồn nhân lực dự trữ khá tốt. Hơn nữa, ví dụ của bản thân Krylova đã thuyết phục nhà lãnh đạo rằng, những lính nữ bộ binh trong trận chiến đấu có thể không kém gì nam giới.
Kết quả của cuộc trò chuyện là Ủy ban Quốc phòng Nhà nước và Ủy ban Trung ương Đoàn Komsomol đã được hướng dẫn thành lập một đơn vị nữ bộ binh. Ngày 3/11/1942, sắc lệnh của GKO về việc thành lập một "Lữ đoàn nữ bộ binh tình nguyện số 1" (1-я отдельная женская добровольная стрелковая бригада - 1 ожендобрсбр) được công bố. Tên lữ đoàn do Joseph Stalin đích thân nghĩ ra. Lữ đoàn được thành lập vào ngày 1/2/1943 với sự khác biệt so với đơn vị bộ binh thông thường là số lượng quân trong các khẩu đội chống tăng và pháo binh tăng lên; mỗi xe tải được biên chế hai thay vì một lái xe.
Và yêu một cầu đặc biệt đã được thông qua - có một đội nam giới tối thiểu 60 người để bốc xếp. Quân số của lữ đoàn gồm 6.983 người. Việc tuyển quân hoàn toàn từ các tình nguyện viên, cả nữ đoàn viên Komsomol và thanh nữ, với sự tuyển chọn nhân sự khắt khe. Lệnh động viên các nữ đoàn viên Komsomol từ 19-26 tuổi đã được gửi đến các cơ quan nhập ngũ ở các địa phương. Tất cả các sự kiện đều được thực hiện bởi các Bí thư Ủy ban Komsomol của huyện/thành phố.
Việc lựa chọn nhân sự và biên chế Lữ đoàn do Ủy ban Trung ương Đoàn Komsomol chịu trách nhiệm. Ở giai đoạn đầu, thành phần chỉ huy và những người làm công tác chính trị của Lữ đoàn được cơ cấu từ nam giới, chỉ huy cấp trung và cấp dưới là nữ. Đại tá Kovalenko được bổ nhiệm làm Lữ đoàn trưởng, Thiếu tá Cận vệ Krylova trở thành Phó Lữ đoàn trưởng phụ trách các đơn vị chiến đấu.
1.000 nữ quân nhân có kinh nghiệm chiến đấu được điều động từ mặt trận để bổ sung cho Lữ đoàn. Yêu cầu được đặt ra đối với chị em là thay thế nam giới trong các vị trí chỉ huy càng sớm càng tốt. Ngoài ra, để đào tạo cán bộ chỉ huy sơ cấp, trong Lữ đoàn, một tiểu đoàn huấn luyện đã được thành lập.
Vào đêm trước trận Kursk, Lữ đoàn nữ bộ binh tình nguyện số 1 thuộc Quân khu Moscow muốn được chuyển ra mặt trận, về sau, vào ngày 20/11/1943, Lữ đoàn được chuyển giao cho Bộ Nội vụ (НКВД - NKVD). Lữ đoàn được chuyển đến vùng Smolensk - nơi nó trở thành một phần của lực lượng an ninh tiền tuyến. Các binh sĩ của Lữ đoàn nữ bộ binh thực hiện nhiệm vụ tuần tra, tham gia các cuộc đột kích, chiến đấu để bảo vệ các cơ sở quốc phòng quan trọng, bắt giữ lính đào ngũ và chiến đấu với những kẻ phá hoại và kẻ cướp...
Tuy nhiên, Lữ đoàn đã bị giải thể vào ngày 31/7/1944. Trước thời điểm đó, Vera Krylova đã bị bắt giữ theo theo lệnh của một cuộc họp đặc biệt của NKVD và bị giam trong một trại lao động cưỡng bức ba năm với tội danh gian lận và cướp bóc (có nguồn tin đưa - vì tội hợp tác với tình báo Đức).
Các tài liệu liên quan đến giai đoạn này của Lữ đoàn vẫn được bảo mật cho đến ngày nay, chưa biết chắc chắn liệu các cáo buộc chống lại Krylova có được xác định rõ hay không. Theo người thân của Krylova, cựu nữ sĩ quan cận vệ này mất năm 1951 tại Krasnoyarsk (có nguồn tin khác cho rằng Krylova đã bị bắn). Việc bắt giữ Vera Krylova cũng ảnh hưởng đến số phận của nhà văn Seifullina - các tác phẩm của nhà văn này bị ngừng bản và chỉ được xuất bản sau khi bà qua đời, vào năm 1954.