Không ít người nghĩ rằng theo quy định của Bộ luật lao động hiện hành được sửa đổi năm 2007, người lao động được nghỉ làm việc trong ngày giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 hàng năm. Tuy nhiên, quy định này thực ra đã có ngay từ năm 1946 khi mà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời chưa lâu.
Đáp ứng nguyện vọng của quần chúng nhân dân, phù hợp với tâm tư tình cảm của đồng bào cả nước, vào ngày 6/3/2007 Văn phòng Chính phủ có công văn số 1124/VPCP-V.III gửi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH), truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tờ trình của Chính phủ về việc đề xuất người lao động được nghỉ thêm ngày Giỗ tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch).
Sau đó, thay mặt Chính phủ, Bộ LĐ-TBXH đề nghị Quốc hội thống nhất cho người lao động nghỉ nguyên lương vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch năm Đinh Hợi (tức ngày 26/4/2007).
Chiều 28/3/2007, Quốc hội đã nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ về dự luật sửa đổi bổ sung Điều 73 của Bộ luật Lao động về việc cho phép người lao động được nghỉ hưởng nguyên lương ngày giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm và có hiệu lực thi hành ngay.
Thay mặt Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Đặng Như Lợi đánh giá, quy định ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm (ngày giỗ Tổ Hùng Vương), người lao động được nghỉ việc, hưởng lương sẽ nâng tổng số ngày nghỉ lễ, tết trong năm lên 9 ngày. Tuy có thể ít nhiều ảnh hưởng tới chi phí tiền lương, tiền công của một số doanh nghiệp, song, ngày giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành tình cảm, tâm linh của người Việt Nam, có ý nghĩa chính trị - giáo dục đặc biệt: “Đây là vấn đề tương đối phức tạp thuộc về lịch sử, cần được tiếp tục nghiên cứu. Ngày 10 tháng 3 âm lịch có thể còn mang tính ước lệ về thời gian nhưng thực tế từ nhiều năm và nhiều thế hệ, ngày này đã đi vào tiềm thức, tâm khảm của mọi người dân Việt Nam. Vì vậy, việc chọn ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày giỗ Tổ Hùng Vương cũng có tính kế thừa và hoàn toàn hợp lý”.
|
Sắc lệnh số 22-C/NV/CC (Nguồn: http://www.bqllang.gov.vn). |
Ngày 2/4/2007, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 11 đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung điều 73 của Bộ luật Lao động, theo đó người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10 tháng 3 âm lịch). Đến ngày 11/4/2007, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký lệnh số 02/2007/L-CTN công bố Luật sửa đổi bổ sung điều 73 của Bộ luật Lao động.
Tuy nhiên quy định đầu tiên về người lao động được nghỉ làm việc trong ngày Giỗ Tổ lại nằm ở Sắc lệnh số 22/C của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa ký ngày 18/2/1946.
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về những ngày nghỉ Tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo; được sự nhất trí của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành sắc lệnh này gồm 3 điều kèm theo bảng liệt kê các ngày mà người lao động được nghỉ làm việc.
Trong bảng kê đó, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3 âm lịch, thuộc nhóm những ngày kỷ niệm lịch sử, người lao động được nghỉ 01 ngày. Trong ngày này “các công sở trong toàn quốc sẽ đóng cửa và sẽ cử nhân viên để phụ trách công việc thường trực” (điều 1), đồng thời trong ngày nghỉ lễ “những viên chức công nhật tòng sự tại các công sở có quyền được hưởng lương” (điều 2) và do được áp dụng trên toàn quốc nên “Bộ trưởng các Bộ và Chủ tịch các Uỷ ban hành chính Bắc, Trung, Nam Kỳ phụ trách thi hành sắc lệnh này” (điều 3).