Di cư lên Tây Nguyên đã gần nửa thế kỷ nhưng đồng bào Vân Kiều (quê gốc Quảng Bình, Quảng Trị) vẫn giữ được nhiều phong tục truyền thống độc đáo của dân tộc mình. Đặc biệt là tục cưới ba lần và thờ linh hồn người sống.
Một vợ cưới đến ba lần
Đến xã Ea Hiu, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, tình cờ chúng tôi được nghe kể nhiều về tục cưới vợ ba lần của những người dân tộc Vân Kiều.
Thấy tôi thắc mắc, ông Ai Khôi (SN 1950, buôn Tà Cỡng) cho biết, tục cưới ba lần đã có từ rất lâu, gắn liền với đời sống hôn nhân của đồng bào Vân Kiều.
Theo đó, trai Bru cưới vợ phải cưới ba lần: lần một (lễ ra cới), lần hai (lễ ra peng) và lần ba (lễ côl).
|
Nhà sàn truyền thống của người Vân Kiều tại xã Ea Hiu. |
Lễ cưới lần một được tiến hành theo đúng ngày giờ đã chọn. Đến ngày, gia đình nhà trai mang lễ vật sang nhà gái gồm: Một cây kiếm, một nồi đồng, một vòng cườm đeo cổ và một nén bạc trắng. “Kiếm là công cụ lao động, nó mang ý nghĩa là vật dụng làm ra của cải. Nồi đồng tượng trưng cho sự ấm no, hạnh phúc. Vòng cườm tượng trưng cho sự thủy chung, gắn kết dài lâu.
Ngoài ra, nhà trai còn phải nộp tiền cưới, lợn, gà, gạo…theo yêu cầu của nhà gái”, Ai Khôi giải thích.
Sau khi nhận lễ vật, chàng trai trở thành con trong nhà và được phép rước dâu.
Lễ cưới lần hai có thể tổ chức sau đó hai ngày, tuy nhiên, thời gian không bắt buộc mà tùy theo điều kiện của nhà trai. Sính lễ buộc phải có là vàng, tiền, ba con heo nhỏ, sáu con gà, rượu, gạo...
“Nếu có của cải, nhà trai có thể cưới gộp lần hai và lần ba. Thường thì rất lâu sau, đôi vợ chồng mới có thể cưới lần ba vì khá tốn kém và trang trọng. Sính lễ phải có là một con trâu to, hai con heo, sáu con gà cùng nhiều lễ vật khác, vì thế trai Bru đến cuối đời mới cưới xong vợ là chuyện thường. Cũng không ít cặp vợ chồng chưa cưới xong thì người chồng hoặc vợ đã nhắm mắt xuôi tay. Trường hợp này con cái phải có trách nhiệm tổ chức cưới cho bố hoặc mẹ với người đã khuất theo tục lệ đã định”, cụ bà Pí Plưi (buôn Tà Cỡng) cho biết.
Ngày nay, đám cưới người Vân Kiều đã bớt nặng nề, khắt khe về sính lễ. Gia đình nào quá khó khăn có thể cưới đơn giản nhưng vẫn phải đủ ba lần theo đúng phong tục truyền thống.
“Đám cưới là điểm bắt đầu cuộc sống mới của đôi vợ chồng vì thế phải tổ chức thật chu đáo, đầy đủ lễ nghĩa. Dù nghèo khó cũng phải cưới đủ số lần quy định mới mong có một cuộc sống hạnh phúc, gắn bó mãi mãi. Hơn nữa, khi đôi vợ chồng chưa làm xong lễ côl thì sang nhà vợ không được bước lên nhà, họ hàng hai bên không được ăn chung bánh, chuối, củ kiệu, trâu bò của hai gia đình không được chăn thả cùng một nơi, chính vì thế người Vân Kiều rất hiếm khi bỏ nhau”, già làng Pá Vinh (buôn Tà Cỡng) lý giải.
Lập bàn thờ từ khi mới sinh
|
Phụ nữ Vân Kiều. |
Không chỉ độc đáo trong tục cưới hỏi, đồng bào Vân Kiều còn có tục thờ linh hồn sống. Pá Vinh kể: “Từ xưa, người Vân Kiều tin rằng, khi sinh ra mỗi người đều có một linh hồn và một vị thần bổn mạng che chở, bảo vệ. Để bản thân người sống được khỏe mạnh, bình an, may mắn phải thờ cúng vị thần bổn mạng đó. Vì thế, đứa trẻ nào sinh ra cũng sẽ được gia đình làm lễ cúng, lập bàn thờ linh hồn sống”. Lễ cúng được tiến hành khi đứa trẻ sinh ra được ba ngày.
Gia chủ phải chuẩn bị rượu, cơm, nước và hai con gà, mời ông bà (còn gọi là ching), kêu ông sao (mân tôr prang) và mặt trời sáng (mân đăng chăr) để trình bày việc gia đình vừa có thành viên mới, mong ông bà phù hộ cho đứa trẻ khỏe mạnh, mau lớn.
Sau khi được các vị thần chứng dám, linh hồn đứa bé sẽ được thờ trong a ruông (giỏ tre) đựng một cái chén với ba miếng cau, trầu, vôi và đặt lên bàn thờ gia đình. Bàn thờ gồm có thần nhà (người bảo vệ các linh hồn) và các phần hồn sống. Mỗi một a ruông trên bàn thờ tượng trưng cho một thành viên trong nhà và được xếp theo thứ tự từ trên xuống dưới.
|
Bàn thờ gia đình ông Hồ Pa Lưi. |
“Việc thờ cúng linh hồn có nhiều cấp bậc và phụ thuộc vào sự đòi hỏi của phần hồn mỗi người. Nếu người Vân Kiều ở Quảng Trị thờ theo ba cấp bậc thì người Vân Kiều di cư vào Đắk Lắk chỉ thờ hai cấp bậc. Cấp bậc một là khi gia đình làm lễ cúng cho đứa bé, cấp bậc hai chỉ thực hiện khi linh hồn người sống đòi hỏi. Tức là trong quá trình sinh sống, nếu người sống đau ốm, mắc bệnh chữa mãi không khỏi thì phải làm lễ cúng bậc hai. Đồ lễ phải có là một con lợn”, ông Hồ Pa Lưi (buôn Tà Đỗ) cho biết.
Một nguyên tắc phải đặc biệt lưu ý là việc đụng chạm đến bàn thờ linh hồn sống. Ai lỡ tay chạm vào vật thờ thì phải nộp phạt bò, heo, gà để gia chủ làm lễ cúng tạ lỗi với linh hồn. Thành viên trong gia đình chạm tay vào, thần nhà sẽ mất linh, những người sống sẽ gặp điều xui xẻo. Chính vì thế bàn thờ luôn được đặt ở nơi trang trọng nhất và cao sát mái nhà. Mỗi năm, người Vân Kiều chỉ cúng linh hồn, lau dọn bàn thờ một lần vào tháng 7 âm lịch. Việc thờ linh hồn sống chỉ kết thúc khi người đó chết đi. Những a ruông sẽ được chôn cùng với xác để hồn về với cõi chết.
Xã Ea Hiu có 12 thôn, buôn, trong đó 6 buôn là người Vân Kiều với gần 3.000 nhân khẩu. Hầu hết họ vẫn giữ phong tục cưới ba lần và lập bàn thờ linh hồn sống. Đây cũng chính là nét đặc sắc riêng biệt trong văn hóa tâm linh của người Vân Kiều - chị Niang Biêch, cán bộ Văn hóa - Thông tin xã cho biết.