Khu rừng Đông Sấn thuộc xã Kim Loan, huyện Hạ Lang, Cao Bằng hầu như chỉ có một loại cây, đó là cây gỗ nghiến. Đây là loại cây sinh trưởng trên núi đá, trong điều kiện khó khăn nên lớn rất chậm. Mỗi cây gỗ mọc trên núi đá phải mất vài chục năm mới to bằng bắp chân người lớn. Vậy mà nghiến ở đây, gốc nào cũng độ hai, ba người lớn vòng tay ôm mới xuể. Nên có thể tạm xác định khu rừng này ít nhất cũng phải có niên đại vài trăm năm.
Đây là khu rừng thiêng, ít người đặt chân đến nên cây cối rậm rạp, dây leo cuốn bện vào nhau thành những dây chõng khổng lồ. Vài trăm năm qua, những câu chuyện huyền bí về “rừng ma thiêng” đã ăn sâu vào tiềm thức những người dân nơi đây.
Thám hiểm "rừng ma đồng nhi"
Đường dẫn vào cánh rừng khá khúc khuỷu, những phiến đá to đầy rêu trơn trượt khiến chúng tôi phải bám vào cỏ leo lên mới khỏi ngã. Bao trùm khu rừng là một bầu không khí lạnh lẽo tỏa ra từ những hỏm đá sâu hút. Mùi gỗ mục và đất ẩm ngai ngái. Đi sâu vào lòng khu rừng, chúng tôi thấy những ngôi mộ nhỏ, cây cỏ chằng chịt phủ kín. Tiếng chim lợn kêu éc éc vô cùng rợn người. Cảm giác hệt như bước vào chốn u linh và huyền bí.
Chúng tôi tìm thấy lác đác những vật dụng cũ kĩ bị bỏ quên lại như vỏ đèn pin, lưỡi cuốc han rỉ, những mảnh vải thổ cẩm xen với vài cái rọ tre rách mòn, lăn lóc trong những bụi cây rậm rạp. Sau một hồi tìm kiếm, chúng tôi phát hiện ẩn sâu lớp đất ẩm, có những mảnh gì trăng trắng như những mẩu… xương!
Bí thư Chi bộ xã Kim Loan, ông Nông Văn Hóa say sưa kể chuyện với chúng tôi bằng giọng Kinh lơ lớ: "Rừng này có lâu lắm rồi, từ hồi chúng tôi còn bé tí, ông bà bố mẹ đã dặn không được vào sâu trong rừng, không được bẻ cây cối. Khu rừng này là nghĩa địa chôn cất trẻ con. Hồi xưa trình độ thấp, thiếu cái ăn cái mặc, nên bố mẹ đẻ con ra ít nuôi được. Có người vừa sinh xong vài ngày thì con chết vì bệnh sốt rét. Có đứa bé sinh ra được vài tuần hay vài tháng là bị ma rừng bắt. Những lúc ấy người thân, họ hàng trong gia đình lẳng lặng quấn đứa trẻ vào tã mang đi.
Họ thường không để người mẹ biết lúc táng, để tránh việc người mẹ bị kích động, đau khổ. Sau đó người ta đặt đứa trẻ vào cái "thạ" (cái nôi) rồi tìm một cây cổ thụ to, đẹp, chọn tán cây cao và chắc chắn. Cuối cùng họ treo cái "thạ" lên cây. Xong xuôi họ trở về nhà và không bao giờ nhắc đến đứa bé xấu số ấy nữa!".
Khi chúng tôi hỏi tại sao không chôn cất đứa trẻ mà lại treo lên cây thì nhận được câu trả lời: "Với những bé chỉ được vài ngày, vài tháng tuổi thì chỉ cần treo lên để mưa nắng làm nó tự tan biến vào khí trời như những vì sao. Những đứa trẻ ấy là những sinh linh cực kỳ non nớt, chưa nhuốm bụi trần, nếu chôn chặt vào đất chúng sẽ khó đầu thai kiếp khác. Treo lên cây là để hy vọng những cây nghiến rắn chắc sẽ che chở cho những linh hồn yếu ớt tội nghiệp kia. Vừa thể hiện mong muốn kiếp sau chúng được cứng cáp khỏe mạnh như đại thụ trong rừng. Sau đó người ta không phải đi thăm mộ người chết nữa vì vào thăm mộ dễ làm con ma thức dậy trở về bắt tội người nhà...".
|
Những chiếc rọ đựng thi thể trẻ em được đặt cao tít trên cành cây. Nguồn: internet.
|
Già Then năm nay 95 tuổi được xem là pho sử sống của làng Lũng Tủng xua tay tỏ vẻ sợ hãi, không muốn nhắc đến khi chúng tôi hỏi về khu rừng này. Theo già Then, từ xa xưa, người Tày đã có quan niệm rằng, vùi xác trẻ con xuống đất là không thương người chết và sẽ bị "con ma" báo hại, làm cho người nhà bị đau ốm, hoặc gặp tai nạn và phải chết theo. Già Then còn nói thêm rằng, tục lệ đó có liên quan đến một "ma thuật" bí truyền của các thầy Mo Tày cổ. Cũng giống như một niềm tin kỳ lạ của giới "đạo tặc" là chỉ cần đào mộ những người bị sét đánh, chặt lấy một bàn tay đem theo người, thì khi đi hành nghề, trăm vụ sẽ trót lọt cả trăm.
Một số thầy mo Tày ngày trước cũng có một niềm tin riêng. Họ lặn lội vào tận rừng sâu núi thẳm đào trộm mộ trẻ em. Họ sẽ dùng răng cắn đứt một ngón tay út của đứa trẻ được chôn, sau đó phơi khô và luôn mang theo người. Như vậy quyền năng của họ sẽ mạnh lên, khi làm phép sẽ luôn mời được thần thánh trợ giúp. Những người thân không muốn các bộ phận con cháu mình bị đem đi sử dụng nên họ thường treo thi thể đứa trẻ lên cao. Bởi nếu xác đứa trẻ không được chôn trong đất, sẽ không còn tác dụng với các thầy mo nữa.
Già Then nói rất sợ tục lệ "thiên táng" này. Bởi lẽ bất cứ ai khi có việc bắt buộc phải qua khu rừng, thường rất sợ khi nhìn thấy hình ảnh những chiếc nôi đung đưa trong gió, kèm tiếng kêu của bầy quạ nghe hết sức thê lương. May mắn rằng tục lệ "thiên táng" hiện nay gần như hoàn toàn không còn nữa. Vì xét theo góc độ khoa học, việc treo xác chết lên cây không những mất vệ sinh mà còn là nguyên nhân lây truyền nhiều dịch bệnh nguy hiểm.
Những chuyện đồn thổi kỳ lạ về rừng ma…
Những câu chuyện chúng tôi nghe được về khu rừng Đông Sấn ly kỳ đến… khó tin. Hầu hết những câu chuyện của dân làng đều đượm màu sắc huyền ảo, không gắn với sự lý giải khoa học nào.
|
Miếu thờ Thần Rừng Đông Sấn. |
Chị La Thị Hòa kể khi chị mới theo chồng về đây, người già trong làng đã dặn không được tùy tiện vào trong rừng. Rừng này nhiều ma lắm, đủ các loại ma. Nào là "phj pá" làm mình mê man, "phj bó cáp" làm mình đau bụng, đau chân; "phj cang cói" kêu eng éc như lợn lòi làm mình đau đầu; "phj nặm", "phj ngược" làm mình lạnh như bị sốt rét (theo tiếng Tày, "phj" có nghĩa là ma). Đi vào rừng mấy con ma ấy nhập vào làm hại mình. Phải có thầy mo đến mới đuổi được con ma ấy đi đấy".
Chúng tôi phì cười, hỏi chị: "Có nhiều ma thế thì chị không bao giờ đặt chân vào rừng à?". Chị Hòa thật thà lắc đầu: "Không, vẫn vào mà. Thỉnh thoảng vẫn vào nhặt củi đấy. Nhưng phải qua miếu xin phép Thổ Công trước rồi mới dám vào. Nhưng có vào cũng chỉ mon men ở bìa rừng thôi, không dám vào sâu. Đi rừng thì phải nhớ chỉ được đi thẳng, tuyệt đối không được ngoái lại phía sau, nghe tiếng người gọi không được thưa, có khát nước, đói bụng, mỏi chân cũng không được kêu ca, thấy có bước chân đằng sau thì phải vừa đi vừa khấn liền một hơi "đin phạ ơi" (ông trời) đủ 7 lần. Phải đọc thầm, không cho lưỡi va vào răng, không được phát ra tiếng. Nếu không con ma rừng biết mình sợ, mình mệt, mình đói, nó sẽ dẫn dụ, giấu mình vào trong rừng, không chịu thả ra, cho mình chết trong rừng thì thôi…".
Chị Hòa còn kể với chúng tôi nhiều chuyện khác nữa. Chị kể, nhiều lần dắt trâu, bò qua khu rừng, không hiểu tại sao chúng tự nhiên sợ, khuỵu xuống không chịu đi tiếp. Vài lần khi đi nhặt củi trong Đông Sấn, chị loáng thoáng nghe thấy tiếng trẻ con cười khành khạch, rồi tiếng gọi: "Mé ơi, mé ơi" (mẹ ơi). Mà lúc ấy làm gì có đứa trẻ nào dám bén mảng vào rừng cơ chứ. Những lúc như vậy, chị Hòa khiếp đảm chỉ biết cắm đầu cắm cổ chạy một mạch ra khỏi rừng…
Người Lũng Tủng gắn bó với rừng nghiến của mình suốt cả đời. Tư tưởng tôn thờ Thần rừng đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi con người nơi đây. Họ sẵn sàng bảo vệ cây cối như bảo vệ máu thịt của mình.
Theo Bí thư Chi bộ Nông Văn Hóa thì trước đây xã Kim Loan bao gồm 8 xóm đều có vô vàn những rừng nghiến cổ thụ, chim muông sinh sống nhiều vô kể. Sau này, "cơn lũ" đốt rừng để làm nương và săn gỗ để bán đã triệt hạ hầu hết những cánh rừng nghiến quý.
Duy nhất xóm Lũng Tủng là xóm còn giữ được rừng nhờ niềm tin bất biến của mình. Chính vì vậy, ngày càng nhiều những câu chuyện dị kỳ về “rừng ma” được truyền khắp thôn xóm. Khi được chúng tôi hỏi, liệu ông có tin trong rừng có ma không? Bí thư Hóa cười hồn hậu: "Nói thật tôi cũng không tin lắm. Vì toàn nghe người già kể lại chứ đã tận mắt thấy bao giờ đâu. Thế nhưng vậy cũng tốt, có biết sợ thì mới không dám làm điều xằng bậy. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành phải không cô chú?". Vừa hỏi ông vừa đưa tay vuốt gốc nghiến sần sùi với ánh mắt đầy tự hào.
Nhìn từ xa, màu xanh mướt mát của rừng nghiến hòa quyện với màu vàng rực của những thửa ruộng bậc thang tạo nên một bức tranh một vùng sơn cước đẹp mê hồn. Giá mà ngôi làng nào cũng có một niềm tin như vậy thì sẽ không có những cánh rừng phải kêu cứu...
Theo Tiến sĩ văn hóa Trương Hùng thì tục “thiên táng” còn xuất phát từ nhiều nguyên do về quan niệm, tín ngưỡng, điều kiện khí hậu, địa lý... Cụ thể, xưa kia Cao Bằng là rừng núi rậm rạp, tồn tại nhiều loài thú hoang dã sinh sống. Có thể do lo sợ khi chôn thi thể dưới đất sẽ bị các loài động vật như hổ, sói rừng sẽ moi xác lên ăn mà đồng bào người Tày ở Lũng Tủng đã dùng cách treo lên cây. Cách thiên đàng này vừa là để giúp linh hồn đứa trẻ được nương náu, vừa một phần để tránh thú rừng ăn thịt.
Trên thế giới có một số dân tộc cũng mai táng theo cách này nhưng bằng hình thức khác như tộc người Tây Tạng: thay vì chôn cất người chết, họ đưa thi thể lên núi làm mồi cho đàn kền kền. Họ quan niệm thân xác chỉ là lớp vỏ tạm bợ, linh hồn mới là thứ trường tồn vĩnh viễn. Kền kền đối với người Tây Tạng là một thứ chim thần thánh chứ không phải loài ăn xác thông thường. Chính vì vậy, linh hồn người chết được "chim thần" ăn thịt sẽ dễ dàng bay lên thiên đàng. Điều này tương đồng với quan niệm tôn thờ cây cối của người Tày ở Lũng Tủng. Thi thể khi được táng ở trên cây sẽ dễ dàng siêu thoát hơn.
Hay ở vùng Tây Nguyên nước ta, một số dân tộc như Giẻ Triêng, Hà Lăng cũng có tục "thiên táng" người chết. Điểm chung của các tục lệ này là mong muốn linh hồn người đã khuất được nhẹ nhõm, dễ dàng tan biến. Chính vì vậy, tại một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn tồn tại những “khu rừng ma” - nghĩa địa của người chết. Tuy nhiên, ngày nay, tục "thiên táng", "thụ táng", "táng nổi" người chết ở nước ta hầu như không còn. Một phần do sự vận động, tuyên truyền của chính quyền. Một phần do dân làng đã dần nhận thức được rằng đây là một tục lệ không còn phù hợp, có thể gây lan truyền dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.