Anh Nguyễn Văn Hùng (ở Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ chuyện dở khóc dở cười của vợ chồng mình liên quan tới vấn đề mua sắm online. Vợ anh là tín đồ của mua bán qua mạng, đặc biệt là "nghiện" xem livestream của những người bán hàng online. Tối nào sau khi cho con cái học xong, tới giờ lên giường đi ngủ là vợ anh lại cười khúc khích xem các livestream bán hàng.
Có lần anh Hùng muốn vợ chồng làm chuyện ân ái thì vợ anh lại nhăn nhó “từ từ chốt đơn đã” hoặc “trượt rồi, trượt rồi”. Lần khác anh ôm vợ vào lòng mà mắt vợ vẫn cứ dán vào điện thoại, không thèm nhìn chồng một cái vì mải vui mừng được chốt đơn hàng 99 nghìn đồng. Những lúc ấy, anh Hùng mất hết cảm giác yêu đương, đành quay lưng đi ngủ mặc kệ vợ thích làm gì thì làm.
Khi thiu thiu ngủ, anh vẫn văng vẳng trong đầu những câu nói “các chị yêu ơi chốt cho em đi”, "các chị yêu ơi tuyệt vời này, cơ hội chỉ cho các chị thôi".... Có lẽ với vợ anh chuyện ân ái vợ chồng chẳng thể nào quan trọng hơn việc được chốt đơn, được mua hàng tiền triệu với giá khuyến mãi vài trăm nghìn.
Trong khi đó, nhiều món đồ vợ anh Hùng mua về chỉ chất đống đó, có món còn chưa gỡ hộp ra xem chất liệu, màu sắc ra sao. Hễ anh nhắc nhở vợ về việc mua đồ không theo nhu cầu thì chị lại nói "rẻ mà, có đáng bao nhiêu đâu".
Sự việc đẩy lên cao trào khi anh Hùng quá mong mỏi không gian riêng tư vợ chồng nên âm thầm ngắt mạng internet gia đình. Thế là vợ anh vội vàng đăng ký gói cước 3G để kịp xem buổi livestream bán đồng hồ, túi xách. Anh cáu quá mới lao vào giật điện thoại dằn xuống góc giường khiến màn hình vỡ nứt. Vụ việc khiến vợ chồng anh "chiến tranh lạnh" suốt một tuần liền.
|
Nhiều chị em bị "nghiện" xem livestream bán hàng online. (ảnh minh họa) |
Chia sẻ về "bệnh" nghiện xem livestream bán hàng, chị Nguyễn Thị Hằng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay ban đầu chị chỉ xem để xả stress nhưng rồi “nghiện” lúc nào không hay. Đêm nào chị cũng thức tới 1,2 giờ sáng chỉ đển "săn" đồ qua các livestream bán hàng.
Theo bà mẹ hai con này thì việc xem livestream nhiều sẽ thành nghiện. Nhiều khi bản thân không chốt đơn được nhưng thấy mọi người được chốt đơn cũng vui. Có lúc chị chốt đơn xong vui quá lại cố chờ đến hết livestream xem còn sản phẩm nào hợp với mình không sẽ mua luôn.
Mặc dù nhiều lần rơi vào cảnh chưa hết tháng đã hết tiền nhưng chị Hằng vẫn khó "cai" mua hàng online. Khi chồng nhắc đi ngủ để giữ gìn sức khỏe thì chị luôn viện cớ mình bị chứng mất ngủ nên tiện thể xem livestream.
Chị Hằng còn chia sẻ kinh nghiệm "chắc như đinh đóng cột" là những livestream có hàng trăm người xem sẽ đảm bảo hàng tốt. Bởi vì đa số người xem là khách ruột như chị, những vị khách đã mua hàng nhiều lần.
Với một số shop ruột chị Hằng còn đăng ký theo dõi kênh bán hàng để hễ có thông báo livestream bán hàng là chị lao vào xem, chốt đơn sớm nhất.
Chị Hằng bảo "Mình xem livestream như một thói quen vì đó là shop quen của mình, xem nay họ bán gì dù đã mua không thiếu gì nhưng mỗi lần xem vẫn xao xuyến lắm".
Thạc sĩ, bác sĩ La Đức Cương – nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 cho biết, “nghiện" mua sắm đã từng được công nhận là một hội chứng rối loạn tâm thần cách đây nhiều thập kỷ. Những người mắc phải hội chứng này sẽ cảm thấy mất kiểm soát khi mua sắm cũng như thường xuyên cảm thấy háo hức, thỏa mãn khi thực hiện các giao dịch mua mới những thứ cần thiết hoặc thậm chí không hề cần dùng đến.