Việt Nam sản xuất thuốc kháng virus Molnupiravir điều trị COVID-19

Google News

Theo Bộ Y tế, hiện 3 doanh nghiệp dược trong nước đã có kế hoạch và đang triển khai sản xuất thuốc kháng virus Molnupiravir điều trị COVID-19.

Việt Nam sản xuất thuốc kháng virus điều trị COVID-19
Ngày 22/11, Bộ Y tế cho biết đang xem xét để trình Chính phủ chấp thuận cho cấp phép trong tình huống phòng chống dịch khẩn cấp, với một số điều khoản về hồ sơ được rút gọn. Nếu được Chính phủ đồng ý, dự kiến sẽ có 3 số đăng ký được cấp cho 3 công ty dược trong nước sản xuất thuốc kháng virus Molnupiravir điều trị COVID-19.
Được biết, thuốc Molnupiravir của Công ty dược Stella VN đã được chấp thuận triển khai thử nghiệm lâm sàng.
Viet Nam san xuat thuoc khang virus Molnupiravir dieu tri COVID-19
 Thuốc kháng virus Molnupiravir điều trị COVID-19. Ảnh: Báo Lao Động.
Thông tin về hiệu quả của thuốc Molnupiravir trên bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam, Cục Khoa học công nghệ - Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, từ cuối tháng 8/2021, Bộ Y tế đã triển khai chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát thuốc Molnupiravir cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ và không triệu chứng tại nhà.
Trong đó, TP.HCM là địa phương đầu tiên triển khai chương trình này, đến nay, chương trình đã mở rộng đến 34 tỉnh, thành.
Bộ Y tế đã cấp 110.000 liều (gồm 50.000 liều Molnupiravir 400 mg Stella VN và 60.000 liều Molnupiravir 200 mg Optimus do Ấn Độ sản xuất) cho các địa phương, trong đó 5.000 liều vừa được Bộ Y tế cấp bổ sung cho TP.HCM.
Kết quả triển khai tại 22 tỉnh, thành cho thấy, Molnupiravir có tính an toàn, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng vi rút, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị; tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với tải lượng vi rút thấp đạt gần 100%; tỷ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02 - 0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong.
Thuốc kháng virus hoạt động thế nào? 
Sau khi xâm nhập được vào cơ thể, tế bào virus sẽ sao chép và nhân lên một cách nhanh chóng trong cơ thể người, từ đó gây ra các triệu chứng bệnh.
Các loại thuốc kháng virus hoạt động bằng cách làm gián đoạn quá trình này. Ví dụ như remdesivir hoạt động bằng cách ức chế một loại enzyme mà virus cần nó để sao chép. Còn thuốc molnupiravir lại hoạt động thông qua sự "lừa dối". Tức là, trong khi các tế bào sẽ xây dựng những chuỗi virus RNA, thì molnupiravir sẽ thay thế một số phần cần thiết trong quá trình đó. 
Những phần tử "giả mạo" này tiếp tục đột biến trong virus mới sao chép khiến nó rơi vào bất ổn.
Bà Bettie Steinberg, một nhà vi trùng học, công tác tại Viện nghiên cứu y khoa Feinstein (New York), phát biểu: Tất cả các loại kháng virus đều giống nhau ở chỗ chúng đều ngăn chặn sự nhân lên của virus. Nhưng chúng làm việc đó theo những cách khác nhau. Nếu virus không thể tự nhân lên thì hệ miễn dịch của chúng ta sẽ chế ngự nó dễ dàng.
Thuốc kháng virus có chế ngự được biến chủng? 
Thuốc kháng virus Molnupiravir được phát triển bởi hãng dược Merck & Co. (Mỹ) phối hợp với công ty công nghệ sinh học Ridgeback Biotherapeutics (Đức). Cơ chế kháng virus của Molnupiravir là nhắm vào các polymerase, một loại enzyme cần thiết để virus tạo ra các bản sao của chính nó, qua đó ngăn nCoV nhân lên trong tế bào người.
Ban đầu, Molnupiravir được nghiên cứu và phát triển để điều trị bệnh cúm thường. Thế nhưng, sau khi xem xét các dữ liệu và nhận thấy tiềm năng của loại thuốc này, các nhà nghiên cứu quyết định phát triển Molnupiravir thành thuốc điều trị COVID-19.
Cuối tháng 9/2021, kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy, thuốc viên kháng virus Molnupiravir hiệu quả đối với mọi biến chủng của virus SARS-CoV-2, bao gồm cả biến thể Delta vốn có khả năng lây lan nhanh. 
Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế TP HCM, thông báo của hãng Merck cho biết hơn 75% bệnh nhân tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đã bị nhiễm các biến chủng Delta, Gamma hoặc Mu. Do thuốc molnupiravir tạo ra những đột biến ngẫu nhiên trên toàn bộ virus thay vì chỉ nhắm mục tiêu vào các protein bên ngoài, nên Merck hy vọng rằng thuốc uống có thể duy trì hiệu quả chống những biến chủng virus mới trong tương lai.
Vào ngày 1/10, Tập đoàn Merck thông báo, Molnupiravir có thể giúp giảm gần một nửa nguy cơ nhập viện và tử vong trong thử nghiệm lâm sàng.

Mời độc giả xem thêm video: Hội chứng bệnh lạ ở trẻ em liên quan COVID-19 (Nguồn video: THĐT)

PV

>> xem thêm

Bình luận(0)