Những dấu hiệu gợi ý trẻ bị ngạt đường thở gồm: trẻ đang ăn, chơi đột ngột ho sặc sụa, khó thở, trợn mắt, mặt tím tái; Sau đó thở khó, ngưng thở do tắc nghẽn đường thở cấp.
|
Các bước sơ cứu trẻ bị ngạt đường thở. |
Nếu dị vật bít một phần đường thở trẻ sẽ thở rít kèm theo ho rũ rượi, cơn ho dồn dập, mặt đỏ gay.
BS Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 đã chia sẻ kỹ thuật cấp cứu khi trẻ bị dị vật đường thở.
Đối với trẻ dưới 2 tuổi: Để trẻ lên đùi hoặc trên cánh tay, đầu để thấp, giữ chặt đầu và cổ trẻ bằng bàn tay. Dùng gót bàn tay vỗ lưng 5 cái thật mạnh vào khoảng giữa 2 xương bả vai. Sau đó lật ngửa trẻ sang tay. Nếu trẻ cỏn khó thở, ấn ngực 5 cái trên xương ức bằng 2 ngón tay.
Đối với trẻ trên 2 tuổi còn tỉnh táo, dùng thủ thuật Heimlich: Đứng sau lưng trẻ và vòng tay ôm lấy trẻ. Đặt 1 bàn tay làm thành nắm đấm ở vùng thượng vị, ngay dưới mũi ức; bàn tay kia đặt chồng lên. Ấn mạnh và nhanh theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên. Có thể lặp lại 5 lần.
Nếu trẻ hôn mê, người cấp cứu quỳ chân đối diện trẻ, đặt 1 bàn tay lên vùng thượng vị, ngay dưới mũi ức, đặt tiếp bàn tay thứ 2 lên bàn tay thứ nhất, ấn mạnh và nhanh vào bụng theo hướng từ trước ra sau và từ trên xuống. Có thể lặp lại 5 lần.
Lưu ý: Nếu trẻ đã ngưng thở phải thổi ngạt 2 cái chậm có hiệu quả hoặc bóp bóng qua mask trước và xen kẽ thổi ngạt khi làm thủ thuật cấp cứu, hoặc vỗ lưng ấn ngực cho đến khi trẻ thở lại.
Trường hợp sơ cứu không hiệu quả, phải gọi ngay cấp cứu 115. Trong thời gian đưa trẻ đến bệnh viện, phải tiếp tục ấn ngực cho trẻ.
Đặc biệt, tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ, tránh nguy cơ làm dị vật vào sâu hơn, hay có thể làm trầy xước, chấn thương vùng hầu họng của trẻ.