Bác Thanh là bệnh nhân tiểu đường nhiều năm nay, với bác cũng như các bệnh nhân tiểu đường khác thì thời tiết này là một cực hình bởi lẽ hàng trăm nguy cơ tai biến có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Dù chỉ ở nhà không dám ra đường thậm chí là đi chợ nhưng ngày 3 lần bác lại kiểm tra đường máu. Những nỗi lo sợ của bác không bao giờ thừa.
|
Thời tiết lạnh giá là sát thủ của bệnh tiểu đường Thấp thỏm vì trời rét. |
Còn ông Nguyễn Bá Cảnh trú tại TP.Yên Bái, tỉnh Yên Bái vẫn không thể nào quên đợt rét năm 2010. Khi đó ông bị tê bì các ngón chân cứ tưởng đó là do triệu chứng phát cước khi mùa rét đến nào ngờ ngón chân dần thâm đen. Đến khi xuống viện phải tháo bỏ 3 ngón chân vì bị biến chứng thân kinh gây hoại tử ngón chân. Đến nay, mỗi dịp mùa đông đến là bác lại lo lắng.
Hai hôm nay, bác chỉ đi lại trong nhà. Trời rét, bác phải bật điều hòa ấm cố giữ nhiệt độ sao cho lấy 22- 25 độ C. Nhờ thế, bác đỡ chịu biến chứng của tiểu đường hơn.
Cứ vào dịp thời tiết lạnh rét bệnh nhân bị biến chứng của tiểu đường lại tăng lên nào là tăng huyết áp, tăng đường huyết cấp thậm chí đột quỵ, viêm hô hấp.
Tại khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai ông N.V. M 65 tuổi tại Thái Bình đã phải nhập viện vì biến chứng của tiểu đường, suy thận cấp.
Mùa đông sát thủ của bệnh nhân tiểu đường
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Cường – Phòng khám Nội tiết Thái Hà, Hà Nội cho biết vào mùa đông, người bị tiểu đường vô cùng nguy hiểm vì các biến chứng. Những ngày này, số bệnh nhân đến điều trị biến chứng tiểu đường tăng lên.
Các biến chứng thường gặp nhất của bệnh nhân tiểu đường đó là tăng đường máu. Theo Thạc sĩ Cường, thời tiết quá lạnh làm tăng đường máu. Đó là vì quá lạnh có nghĩa là 1 trạng thái stress, và phản ứng của cơ thể đáp ứng lại stress làm tăng đường máu. Bạn cũng cần nhớ rằng không nên ở bên ngoài trời lạnh quá lâu, nhất là khi bạn mắc bệnh tim mạch hoặc thần kinh để tránh tự làm tổn thương thêm.
Biến chứng thứ 2 đó là đột quỵ, thời tiết lạnh giá làm cho máu cô đặc thêm và có khuynh hướng đông vón. Điều đó giải thích tại sao có nhiều bị đột quỵ trong thời gian thời tiết lạnh giá. Hãy nhớ uống đủ nước ấm.
Ngoài ra còn có các biến chứng như cảm giác tê cóng chân tay. Bởi khi nhiệt độ thấplàm cho tưới máu xuống chân giảm, thêm nữa sự tê cóng làm mất cảm giác. Cả 2 yếu tố này làm cho bàn chân bệnh nhân tiểu đường rất dễ bị tổn thương dẫn đến vết loét nhiễm khuẩn khó khỏi và trong một số trường hợp phải cắt cụt bàn chân. Do vậy có thể ngừng tập thể dục ngoài trời trong những ngày quá lạnh.
Biến chứng thứ 4 cần chú ý đó là nguy cơ hạ đường huyết. Đặc biệt, bệnh nhân khó phân biệt triệu chứng hạ đường huyết vẫn thường quan sát thấy mọi khi như vã mồ hôi, mệt nhọc, run, rối loạn ý thức...hạ đường huyết rất nguy hiểm khó điều trị hơn là tăng đường huyết.
Thạc sĩ Cường cho biết thời tiết lạnh giá đôi khi máy đo đường huyết cũng bị trục trặc. Vì thế, trước khi đo, bệnh nhân hãy làm ấm máy đo bằng chính nhiệt độ của cơ thể (ủ trong lòng bàn tay). Bàn tay cũng cần được làm ấm và tăng tưới máu bằng cách vận động bàn tay và quay cánh tay rộng nhất có thể nhiều lần.
Để hạn chế tai biến do bệnh tiểu đường mang lại trong những ngày giá rét thế này, theo bác sĩ Cường người bệnh đặc biệt chú ý khi thay đổi vùng khí hậu như từ trong chăn ấm hoặc từ trong nhà ra ngoài nhà phải mặc đủ ấm và thay đổi từ từ để tránh “sốc nhiệt”. Không nên tập thể dục ở ngoài trời sáng sớm và tối muộn.
Khi bắt buộc phải ở ngoài trời lạnh: miếng dán nhiệt có thể giúp chống lạnh tốt. Đo đường máu thường xuyên để căn chỉnh lại chế độ ăn và thuốc. Ăn nóng, uống nước ấm và chọn thức ăn sinh nhiệt nhiều như dầu mỡ, chất đạm. Dùng kem dưỡng ẩm tránh khô da gây nên các biến chứng về da của người tiểu đường. Ngoài ra, bệnh nhân cần chú ý ăn đủ chất dinh dưỡng để cơ thể có đủ năng lượng hoạt động chống lại cái rét này.