Mấy ngày nay, các phương tiện truyền thông đồng loạt đưa tin theo tờ DailyMail (Anh) về trường hợp một em bé 3 tháng tuổi bị mù vĩnh viễn một bên mắt, bên còn lại bị tổn thương nặng do bị chụp ảnh quá gần không tắt đèn flash máy ảnh. Điều này khiến nhiều người tỏ ra lo ngại bởi máy ảnh ngày nay rất phổ biến.
Bệnh mù flash tạm thời
Mù flash là tình trạng phổ biến nhất của bệnh mù tạm thời thường kéo dài khoảng vài phút, thậm chí kéo dài đến vài giờ sau khi tiếp xúc với ánh sáng có cường độ rất cao. Lý do là bởi khi ánh sáng đột ngột của đèn flash chiếu đến khiến võng mạc nhận được một cú sốc đột ngột do quá nhiều ánh sáng. Thời gian phục hồi của tình trạng mù này tùy thuộc vào cường độ của ánh sáng và sự nhạy cảm của võng mạc và thần kinh thị giác.
TS David Moore, thuộc Hiệp hội Nhãn khoa Hoa Kỳ giải thích hiện tượng này là do võng mạc của mắt người có cấu trúc lớp. Các lớp đó nằm ở phía bên ngoài của thần kinh võng mạc gọi là sắc tố võng mạc. Khi sắc tố võng mạc bị tẩy trắng, hoặc bão hòa, gây ra trường hợp mù lòa flash. Có rất nhiều lý do khiến các sắc tố võng mạc bị tẩy trắng, trong đó là do tiếp xúc đột ngột với ánh sáng gây ra các tế bào cảm quang hình que và hình nón trong mắt, gây một cú sốc thị giác dẫn đến mù tạm thời. Các yếu tố có thể gây mù flash là nhật thực, sét, lửa hàn, đèn pha xe ô tô chiếu vào ban đêm, phản xạ của ánh sáng mặt trời vào tuyết, đèn pin siêu sáng và đèn flash của máy ảnh.
Trong trường hợp của em bé nói trên, tờ DailyMail dẫn các nghiên cứu cho thấy, ánh đèn flash đã phá hủy các tế bào trên điểm vàng của mắt. Đây là một bộ phận quan trọng trong mắt, nơi hội tụ các tia sáng tới. Tuy nhiên, điểm vàng ở trẻ sơ sinh lại chưa hoàn thiện cho đến khi các bé được 4 tuổi. Do đó, trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với ánh sáng mạnh.
|
Ảnh minh họa. |
Tổn thương chỉ trong phần nghìn giây
Ông Robert Leonardi, chuyên gia nhãn khoa của Tạp chí LiveStrong (Hoa Kỳ) cho biết, thông thường với nguồn sáng phát ra từ đèn flash máy ảnh không gây hại cho mắt, hoặc nếu có cũng chỉ là tác hại vô cùng nhỏ và không đáng kể. Một lý do của việc này là khả năng tự phòng vệ mà mắt chúng ta có được. Nhờ những nỗ lực hợp tác giữa con ngươi, mống mắt, võng mạc và các dây thần kinh mà mắt có thể thích nghi với các điều kiện ánh sáng thay đổi.
Tuy nhiên, đối với nguồn sáng có công suất cực lớn, quang thông cực lớn thì cơ chế phòng vệ của mắt cũng khó có thể hoạt động hiệu quả, thậm chí có thể gây choáng thị giác tạm thời. Trong trường hợp em bé này, ánh sáng đèn flash “tấn công” ở khoảng cách quá gần, trong khi mắt các bé ở độ tuổi này chưa phát triển hoàn thiện nên có thể dẫn đến những tổn thương nhất định.
Đồng quan điểm, ThS.BS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt T.Ư cho rằng, nguồn sáng lớn chiếu tới đột ngột trong khoảng cách quá gần chắc chắn ảnh hưởng đến thị giác ngay tại thời điểm đó, chỉ khi tác động kéo dài mới có thể gây tổn thương võng mạc như xuất huyết, phù hoàng điểm, bỏng võng mạc. May mắn là chúng ta có phản xạ né tránh, nhắm tịt mắt lại để tự bảo vệ mình trước tác nhân có hại. Khi đó đồng tử mắt co lại rất nhỏ khiến ánh sáng khó có thể gây tổn hại.
Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ, ngay cả khi em bé nhắm mắt theo phản xạ tự nhiên thì ánh sáng mạnh từ đèn flash chiếu tới trong khoảng cách gần (máy ảnh chỉ cách mặt bé khoảng 10cm) chỉ cần vài phần ngàn giây cũng có thể gây choáng thị giác.
Ngoài ra, ThS.BS Hoàng Cương cho rằng, trong trường hợp này cũng không loại trừ khả năng bé đã có bệnh về mắt, thậm chí tổn thương gây mù vì nguyên nhân khác, và việc chụp ảnh vô tình xảy ra khiến gia đình nghĩ đến sự liên quan giữa hai việc này.
Các chuyên gia nhấn mạnh người sử dụng các loại đèn chiếu, đèn flash cần chú ý một số nguyên tắc an toàn sau: Không để trẻ con tự ý dùng đèn, máy ảnh; không chiếu ánh đèn quá gần, trực tiếp vào mắt trẻ, không chiếu vào các mặt phẳng phản quang (tia sáng phản xạ sẽ làm hại mắt); không soi qua kính hiển vi. Các nhà khoa học cũng cảnh báo, các bậc cha mẹ nên cẩn trọng với ánh đèn quá sáng trong phòng tắm khi tắm cho trẻ.
Trong hầu hết các trường hợp, mù flash là tạm thời, nhưng có một số trường hợp hiếm hoi sẽ gây mù lòa vĩnh viễn do sẹo cấp của thần kinh thị giác và võng mạc. Cần phải cẩn thận để tránh tiếp xúc với ánh sáng có cường độ rất cao. Bởi cường độ của ánh sáng đi vào qua đồng tử là quá cao, có nguy cơ đốt giác mạc, với các triệu chứng như mờ mắt, lóa mắt, mắt đỏ ngầu, nhạy sáng và chảy nước mắt quá nhiều.
Ông Robert Leonardi