Theo Reuters, nghiên cứu mới do tiến sĩ Anne Louise Oaklander tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ), chịu trách nhiệm chính, được công bố trên tạp chí Neurology: Neuroimmunology & Neuroinflammation ngày 1/3.
Nhóm chuyên gia đã phân tích 17 trường hợp gặp hội chứng COVID-19 kéo dài. Họ tập trung xem xét các F0 bị triệu chứng tương tự tổn thương thần kinh ngoại biên. Trong số này, hầu hết trường hợp mắc COVID-19 ở thể nhẹ và không trường hợp nào bị tổn thương thần kinh trước khi mắc bệnh.
Sau khi loại bỏ những nguyên nhân khác, các nhà nghiên cứu làm nhiều thử nghiệm để xác định liệu hệ thống thần kinh ở những bệnh nhân này có bị ảnh hưởng hay không.
Kết quả cho thấy 11/17 bệnh nhân bị tổn thương dây thần kinh ngoại biên. Hiện tượng này được cho là do phản ứng miễn dịch gây ra. Một số bệnh nhân đã cải thiện tình trạng này dù không thể chữa khỏi hoàn toàn. Một F0 được chẩn đoán mắc bệnh lý thần kinh ngoại biên mức độ nghiêm trọng. Các tình trạng này xuất hiện sau 3 tuần mắc COVID-19.
Phát hiện này phù hợp với một nghiên cứu hồi tháng 7/2021 của tiến sĩ Rayaz Malik thuộc Weill Cornell Medicine Qatar. Trong đó, nhà nghiên cứu này đã phát hiện mối liên hệ giữa tổn thương dây thần kinh giác mạc và di chứng hậu COVID-19.
Cách đây không lâu, một nghiên cứu từ nhóm chuyên gia Tây Ban Nha phát hiện rối loạn chức năng dây thần kinh phế vị khi nhiễm nCoV có thể là nguyên nhân gây ra những triệu chứng COVID-19 kéo dài. Các biểu hiện thường gặp là mơ hồ, khó nuốt, chóng mặt, nhịp tim nhanh bất thường, huyết áp thấp và các vấn đề tiêu hóa, theo Jpost.
Hội chứng COVID-19 kéo dài là biểu hiện bất thường trên cơ thể xuất hiện trong vòng 3 tháng sau khi mắc COVID-19 và kéo dài ít nhất 2 tháng. Các triệu chứng thường gặp là mệt mỏi, tim đập nhanh, khó thở, giảm nhận thức, thay đổi giác quan, đau và yếu cơ. Thống kê cho thấy khoảng 30% người mắc COVID-19 gặp phải hội chứng này.