Phải cắt bỏ lưỡi vì vết loét nhỏ, chuyên gia cảnh báo

Google News

Nhiều người nhầm ung thư lưỡi với nhiệt miệng, đến khi đau kéo dài gây khó nói, nhai, chảy máu lưỡi,…mới đi khám thì bệnh ở giai đoạn muộn, di căn đến phổi, gan...

Mất lưỡi vì... tưởng nhiệt miệng
Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP HCM), vừa cắt và tái tạo lưỡi cho ông N.V.P. (64 tuổi, ngụ TP.HCM) nhập viện trong tình trạng đau nhiều, nói khó và không rõ tiếng.
Qua khai thác tiền sử, người nhà bệnh nhân cho hay cách nhập viện 6 tháng, bệnh nhân phát hiện có vết loét vùng lưỡi phải, đau nhói.
Tuy nhiên, ông P. nghĩ là loét do nhiệt miệng nên tự mua thuốc uống, nhưng không đỡ. Vết loét ngày càng lớn, cứng dần và dễ chảy máu, khiến bệnh nhân ăn uống rất khó khăn, chỉ có thể uống nước và sữa.
Cách nhập viện 2 tuần, ông P. đau nhiều nên người nhà đưa đi khám bệnh. Lúc này, khối u ở lưỡi đã to, dính xuống sàn miệng làm bệnh nhân đau đớn, nói khó, không rõ tiếng.
Tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, bệnh nhân được sinh thiết khối u, có kết quả Carcinoma tế bào gai sừng hoá, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó khoa Ngoại Tổng hợp bệnh viện cho biết, qua thăm khám, thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân có u ở thân lưỡi phải, kích thước 4x3 cm, nhiễm cứng, lồi lõm không đều, loét, dễ chảy máu, nhiều giả mạc, xâm lấn dính vào sàn miệng.
Lưỡi bị hạn chế vận động, làm bệnh nhân nuốt khó và nói không rõ, rất bất tiện trong sinh hoạt. Thêm nữa, bệnh nhân có hạch di căn dưới hàm phải, kích thước 7 mm, hình tròn, bờ trơn láng, mật độ chắc, không dính da, ấn không đau.
Phai cat bo luoi vi vet loet nho, chuyen gia canh bao
 Vị trí lưỡi bị tổn thương. Ảnh: BVCC
Trước tình trạng của bệnh nhân, các bác sĩ đã chỉ định cắt toàn bộ lưỡi, nạo hạch cổ, tái tạo lưỡi bằng vạt cơ ngực lớn.
Sau mổ, bệnh nhân được rút khai khí đạo, được tập nuốt, tập phát âm. Hiện, bệnh nhân đã ăn được sữa, khả năng nói đã phục hồi 50%, vết mổ lành tốt, giảm đau.
Bác sĩ Tiến cho hay phẫu thuật tái tạo lưỡi bằng vạt cơ có cuống mạch, giúp cho bệnh nhân phục hồi khả năng nói và nuốt, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nhiều bệnh nhân nhầm ung thư lưỡi với nhiệt miệng “tái đi tái lại” nhiều lần. Đến lúc đau khi ăn uống, đau kéo dài gây khó nói, nhai, chảy máu lưỡi, đau tai… mới đi khám thì bệnh ở giai đoạn muộn, di căn đến phổi, gan hoặc xương.
Ung thư lưỡi là u ác tính nguyên phát tại lưỡi, trong đó chủ yếu là ung thư biểu mô vẩy, chiếm hơn 95% và là ung thư thường gặp nhất trong các ung thư vùng khoang miệng, chiếm 30 – 40%.
Theo thống kê của hiệp hội ung thư Mỹ, trên toàn thế giới hàng năm có khoảng 263.900 ca mắc mới và khoảng 128.000 trường hợp tử vong. Cũng tại Mỹ, năm 2009 có 10.530 trường hợp ung thư mới mắc , 1900 ca tử vong và tỷ lệ nam/ nữ = 2/1.
Tại Pháp, ung thư khoang miệng chiếm 11 – 16% tổng các ung thư ở nam, khoảng 75% ung thư khoang miệng gặp ở nam giới trong đó ung thư lưỡi chiếm 18%. Ấn Độ là nước có tỷ lệ mắc ung thư lưỡi cao nhất.
Ở Việt Nam, theo ghi nhận ung thư của Bệnh viện K năm 2004 ở 5 tỉnh thành cho thấy: tỷ lệ mắc ung thư khoang miệng ở nam là 4/100.000 dân/ năm, nữ 2,7/ 100.000 dân/ năm. Tỷ lệ mắc chuẩn theo tuổi ung thư lưỡi khu vực Hà Nội là 1,9/100.000, đứng thứ 14. Hải Phòng 2,0, đứng thứ 9.
Thái Nguyên 0,7/ 100.000 dân, đứng thứ 16, Thừa Thiên Huế 1,6/100.00 dân, Cần Thơ 1,3/100.000 dân, đứng thứ 16. Ung thư lưỡi thường gặp ở lứa tuổi từ 50 – 60, nam gặp nhiều hơn nữ, tỷ lệ nam/ nữ = 3/1.
Ung thư lưỡi là loại ung thư khoang miệng thường gặp nhất. Các triệu chứng của bệnh ung thư khoang miệng giai đoạn đầu khó được phát hiện vì nó tương tự các triệu chứng viêm nhiễm bình thường ở khoang miệng.
Một số dấu hiệu gợi ý bao gồm: Vết loét trong miệng kéo dài quá 2 tuần không đỡ (loét môi, lợi, lưỡi… dễ nhầm với nhiệt miệng), đau vùng miệng, ăn nhai nuốt khó, chảy máu, vận động lưỡi kém, nổi hạch vùng cổ, bất thường răng lợi…
“Các triệu chứng trên xảy ra ở những người hút thuốc lá, uống rượu, nhai trầu, tổn thương niêm mạc miệng mãn tính (hồng sản, bạch sản, xơ hoá), nhiễm HPV, chế độ ăn thiếu vitamin A, đều cần được kiểm tra kỹ để loại trừ tổn thương ác tính”, BS Nam nhấn mạnh.
Phát hiện sớm có thể chữa khỏi hoàn toàn
BS Hoàng Đào Chinh, Khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho hay, ung thư lưỡi là u ác tính nguyên phát tại lưỡi, trong đó chủ yếu là ung thư biểu mô vảy. Hầu hết trường hợp ung thư lưỡi không tìm được nguyên nhân bệnh sinh. Tuy nhiên, người ta thấy có một số yếu tố nguy cơ liên quan bệnh bao gồm:
- Hút thuốc lá: Nghiên cứu của Gehanno (Mỹ) cho thấy, nếu hút 15 điếu/ngày kéo dài 20 năm, nguy cơ mắc ung thư cao gấp 5 lần so với người không hút.
- Uống rượu: Nghiên cứu của Brian (Mỹ) nếu hút thuốc và uống rượu thì nguy cơ mắc ung thư đầu mặt cổ tăng lên 10 - 15 lần. Theo Abraham và cộng sự (năm 2010), tỷ lệ này là 15 - 40 lần.
- Nhai trầu: Cũng là yếu tố nguy cơ trong ung thư khoang miệng. Người nhai trầu có nguy cơ mắc cao gấp 4 - 35 lần so với người không nhai trầu.
- Vệ sinh răng miệng: Tình trạng vệ sinh răng miệng kém, hàm răng giả không tốt, răng mẻ kích thích lâu ngày đưa đến dị sản và ung thư.
- Nhiễm Virus: Nhiễm HPV, đặc biệt là type 2, 11, 16, 19 đã được chứng minh gặp nhiều trong ung thư khoang miệng.
- Chế độ dinh dưỡng: Chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin A, E, D, sắt, hoa quả, cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ gây ung thư khoang miệng.
- Các tổn thương tiền ung thư: Bạch sản, hồng sản, loạn sản ...
- Tăng quá mức gen sinh ung thư Bcl - 2 nằm trên vị trí đảo ngược của nhiễm sắc thể 18 hoặc đột biến gen ức chế ung thư p53.
BS Hoàng Đào Chinh nhấn mạnh, khi được phát hiện sớm, ung thư khoang miệng có thể được chữa khỏi hoàn toàn bằng phẫu thuật.
Phát hiện sớm ung thư khoang miệng có thể thực hiện dễ dàng qua quan sát và sờ nắn trực tiếp tổn thương nghi ngờ. Mỗi người nên thường xuyên tự khám miệng để kịp thời phát hiện dấu hiệu sớm của ung thư khoang miệng.
BSCKII Lý Vũ Văn, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nguyễn Trãi cũng chia sẻ phẫu thuật tái tạo lưỡi bằng vạt cơ có cuống mạch là một phẫu thuật phức tạp, yêu cầu trình độ và kinh nghiệm của ê-kíp mổ. Đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ điều trị ung thư và đội ngũ chăm sóc phục hồi chức năng sau mổ.
Qua trường hợp trên, bác sĩ Văn cho biết những dấu hiệu sớm của bệnh ung thư lưỡi thường khá mờ nhạt và dễ bị bỏ qua, việc phát hiện sớm bệnh có ảnh hưởng lớn đến kết quả điều trị.
Do vậy, khi gặp bất cứ triệu chứng bất thường nào ở lưỡi, má, hoặc vị trí nào vùng khoang miệng… người dân cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Cách phòng ngừa ung thư lưỡi
- Giữ gìn vệ sinh răng miệng, bỏ thói quen xấu như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia…
- Khi có dấu hiệu bất thường, cần đến chuyên khoa ung thư để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Thúy Nga

>> xem thêm

Bình luận(0)